PNO - Gần đây, poster giới thiệu vở cải lương "Tiếng trống Mê Linh" của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã nhận được góp ý về việc phục trang không đúng với lịch sử. Điều này một lần nữa khơi lại vấn đề vốn tồn tại âm ỉ từ lâu trong giới sân khấu: phục trang sân khấu cần đúng hay đẹp?
Gần đây, poster giới thiệu vở cải lương Tiếng trống Mê Linh của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã nhận được góp ý về việc phục trang không đúng với lịch sử. Điều này một lần nữa khơi lại vấn đề vốn tồn tại âm ỉ từ lâu trong giới sân khấu: phục trang sân khấu cần đúng hay đẹp?
Chuyện muôn năm cũ
Đây không phải lần đầu có những tranh cãi xoay quanh phục trang vở cải lương Tiếng trống Mê Linh. Cách đây không lâu, “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu IDECAF - nơi từng thực hiện thành công các vở diễn đề tài lịch sử - đã góp ý việc để quân Đông Hán mặc trang phục nhà Thanh là lỗi sai cơ bản về kiến thức lịch sử, tại một clip tổng duyệt vở diễn được đăng tải trên mạng xã hội. Việc tướng Đông Hán khoác áo Mãn Châu, để tóc đuôi sam, đã không còn là cá biệt ở nhiều bản dựng Tiếng trống Mê Linh trên sân khấu cải lương. Không chỉ vậy, các nhân vật trong trang phục “áo dài - khăn đống” của vở diễn cũng từng được nhắc nhở là không thuộc về thời kỳ khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Phục trang vở diễn lịch sử được đánh giá cao như Bí mật vườn Lệ Chi cũng chưa thật đúng - Ảnh: Thanh Hiệp
Dù đa phần phục trang ở những vở kịch lịch sử được đánh giá tốt, nhưng “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn vẫn thẳng thắn thừa nhận có những sai sót, chẳng hạn phục trang của Bí mật vườn Lệ Chi và Vua thánh triều Lê của IDECAF đều chưa thật đúng. “Thực tế, khăn đóng (khăn vấn, khăn xếp, khăn vành dây, mấn) xuất hiện từ thời Nguyễn, nhưng hiện nay đa phần tác phẩm sân khấu đề tài lịch sử giai đoạn phong kiến đều sử dụng, bất kể đó là thời Lý - Trần - Lê… Với sự thiếu thốn các tài liệu tham khảo lịch sử, thì việc sử dụng những hình ảnh biểu tượng chung của văn hóa Việt là cách điệu hợp lý của sân khấu. Nhưng trách nhiệm của người làm sân khấu đề tài lịch sử là phải cung cấp cho khán giả những kiến thức thật đúng về lịch sử - văn hóa nước nhà. Đặc biệt, với những gì còn lưu dấu được, thì lại càng phải làm cho đúng. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng là sự thật lịch sử, và các đền thờ của hai bà vẫn còn lưu giữ được hình ảnh của thời đại Hùng Vương. Ngày trước, các vị tiền bối làm sân khấu trong giai đoạn hoàn toàn không có tư liệu, thiếu các phương tiện để tìm hiểu, không tránh khỏi những hạn chế, thì hiện nay chúng ta với đầy đủ điều kiện, tại sao không làm cho đúng?” - ông Huỳnh Anh Tuấn nói.
Chuyện phục trang chắp vá, nghệ sĩ có gì mặc nấy vì kinh phí eo hẹp từng là vấn đề của sân khấu nói chung. Nhưng khi thời khó khăn đi qua, lỗi phục trang vẫn ngập tràn sân khấu, nhất là ở sân khấu cải lương. Có những nghệ sĩ đầu tư hàng chục triệu đồng cho một bộ trang phục, và họ quan tâm đến độ lấp lánh khi biểu diễn dưới ánh đèn sân khấu, khả năng “tôn vinh” vóc dáng, diện mạo của diễn viên… hơn là yếu tố phù hợp với hoàn cảnh, bối cảnh, thời đại… của nhân vật. Đáng ngại hơn, vì may trang phục thật đẹp, thật đắt tiền, nên trang phục đó được sử dụng nhiều lần, cho nhiều nhân vật khác nhau, bất chấp nhân vật đó sống ở bối cảnh, thời đại nào.
Phục trang Chuyện tình Khau Vai cách điệu từ nguyên mẫu trang phục đồng bào các dân tộc phía Bắc - Ảnh: PV
Không ít vở diễn cổ trang Việt Nam khiến khán giả hoang mang khi các nhân vật xuất hiện trong những bộ xiêm y đầy sắc màu lấp lánh và kiểu tóc, trang điểm cầu kỳ. Diện mạo của các nghệ sĩ trên sân khấu làm khán giả liên tưởng đến những nhân vật trong câu chuyện Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài hay các nhân vật thư sinh đặc trưng của phim Trung Quốc.
Nhiều bộ trang phục dù đắt đỏ nhưng việc xuất hiện vẫn là lạc quẻ trong bối cảnh tác phẩm, trang sức lấp lánh được sử dụng vô tội vạ, miễn… đẹp. Chuyện một đạo diễn trước giờ mở màn một chương trình đã phải tự tay gỡ bớt trâm cài trên đầu một nữ nghệ sĩ vào vai Kiều Nguyệt Nga trong cảnh lưu lạc ở rừng sâu, hay phục trang của một diễn viên làm nhiều người khó hiểu khi diễn nhân vật trong bối cảnh giữa đêm đi ngủ nhưng vẫn trâm cài lược giắt y trang lộng lẫy… không phải là chuyện cá biệt. Không ít lần khán giả đã bắt gặp nàng Quỳnh Nga trong vở Bên cầu dệt lụa ăn mặc sặc sỡ hơn cả cô công chúa…
Phục trang tuồng lịch sử, bao giờ có chuẩn mực?
Cho đến nay, thiết kế phục trang sân khấu vẫn chưa được xem là một khâu thiết yếu của quy trình chế tác sân khấu. Minh chứng là công việc này vẫn thường được họa sĩ mỹ thuật kiêm nhiệm, hệ thống giải thưởng của cả sân khấu và điện ảnh thường không có giải dành cho trang phục. Khi nhắc đến bộ phận này, nhiều người vẫn hình dung là khâu cung cấp, bảo quản phục trang hơn là một công việc quan trọng, mang tính sáng tạo. Tầm quan trọng của phục trang sân khấu gần như phụ thuộc vào quan điểm, tầm nhìn của các “ông bầu”, đạo diễn và trình độ của nhà thiết kế.
Vở cải lương Án tử có phần phục trang về triều Nguyễn được đánh giá cao
Đạo diễn Hoàng Duẩn cho biết khi thực hiện vở cải lương Án tử, HTV yêu cầu rất khắt khe về trang phục, mong muốn phục dựng được trang phục gần giống nhất dưới thời Minh Mạng. Ê-kíp vở diễn đã nghiên cứu rất nhiều tài liệu từ sách vở, bảo tàng, đền thờ lăng tẩm và nhờ cả các nhóm chuyên nghiên cứu và phục dựng cổ phục Việt để chọn ra các mẫu ưng ý nhất.
Với nhà thiết kế Sĩ Hoàng, ở mỗi dự án, anh thường dành đến 2/3 thời gian để tìm tài liệu, nghiên cứu, tham khảo các nguồn và đi thực tế tận nơi để hình dung rõ bối cảnh văn hóa, làm rõ những điều còn vướng mắc, rồi mới lên mẫu thiết kế trang phục. Với vở cải lương Chiếc áo thiên nga, Sĩ Hoàng đã phải liên hệ Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM để xin tài liệu về thời Triệu Đà, và hệ thống trang phục Trung Quốc xưa nay.
Tuy nhiên, không phải nhà đài nào cũng yêu cầu cao, và người làm phục trang nào cũng có kiến thức sâu rộng và chịu nghiên cứu, tìm tòi. Phần lớn người làm phục trang hiện nay vẫn chỉ phân biệt chung chung lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ cổ đại - trung đại - cận đại - hiện đại. Còn lại, các giai đoạn trong từng thời kỳ thì khá mông lung. Đã là vua thì cứ mặc long bào có hình rồng, nhưng không mấy ai để ý họa tiết rồng qua các thời Lý - Trần - Lê - Nguyễn là không giống nhau, hay việc quy định về màu sắc phẩm phục triều Trần đã có nghiên cứu cụ thể, nhưng không phải nhà thiết kế nào cũng tuân thủ…
Chưa cần bàn tới những chi tiết có vẻ chuyên sâu đó, đôi khi chỉ riêng việc để nghệ sĩ mặc cho đúng bối cảnh, hợp tính cách của nhân vật thôi đã là một vấn đề. Nghệ sĩ Công Minh từng từ chối việc đính kim sa cho trang phục cô thôn nữ, thậm chí từng phải chấp nhận bồi thường khi người đặt hàng không chấp nhận bộ trang phục võ tướng có phần đơn giản. “Người làm phục trang sân khấu chỉ mong mang đến những bộ phục trang vừa đẹp, vừa đúng với nhân vật, nhưng nghề này làm dâu trăm họ, không phải lúc nào cũng thuyết phục được khách hàng…”, nghệ sĩ Công Minh chia sẻ.
Phục trang vở chèo Vương nữ Mê Linh của Nhà hát Chèo Hà Nội được đánh giá đúng với thời kỳ khởi nghĩa Hai Bà Trưng. (Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Từng thiết kế và thực hiện trang phục cho hơn 80 tác phẩm sân khấu các thể loại, nhà thiết kế Sĩ Hoàng khẳng định “phục trang các vở diễn lịch sử phải đúng đã, rồi mới cần đẹp”. Mỗi vở diễn sân khấu, đặc biệt là vở diễn lịch sử phản ánh một giai đoạn văn hóa, lịch sử của đất nước. Nghệ thuật cải lương không đơn giản là một loại hình giải trí, mà nó còn được xem là tinh hoa văn hóa dân tộc. Phục trang, kiểu tóc, hóa trang, ngôn ngữ… của nhân vật là những yếu tố giúp khán giả hiểu bối cảnh và thời điểm diễn ra câu chuyện, góp phần không nhỏ cho thành công của một vở diễn.
Cũng thật đáng suy ngẫm cho một nền sân khấu đã qua 100 năm hoạt động chuyên nghiệp, đến thời đại 4.0 vẫn còn những băn khoăn phục trang cần đúng hay đẹp, trong khi hoàn toàn có thể vừa làm đúng mà vẫn đẹp, thậm chí nhiều trường hợp chỉ cần làm đúng thôi đã đủ đẹp!
Nhiều tọa đàm/hội thảo về tác giả - tác phẩm được tổ chức tại TPHCM và Hà Nội dành cho những tên tuổi lớn: Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Đình Thi…