Phục hồi kinh tế: Cơ hội nhiều, thách thức lớn

13/03/2022 - 06:46

PNO - Tại Cà phê Doanh nhân lần thứ 61 với chủ đề “Dự báo kinh tế Việt Nam, động lực phục hồi và phát triển kinh tế xã hội năm 2022”, các chuyên gia đánh giá kinh tế Việt Nam đang chịu thêm những thách thức mới, đặc biệt từ cuộc chiến Nga - Ukraine, tuy nhiên cơ hội phục hồi cũng rất lớn.

Ông Nguyễn Tú AnhVụ trưởng Vụ kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương): Tiêu dùng nội địa sẽ tăng

Hiện có nhiều yếu tố vĩ mô ổn định như thâm hụt ngân sách không đáng kể, tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng không tăng nhiều, VND lên giá gần 1,2%, dự trữ ngoại hối tăng mạnh, lãi suất xuống thấp, nợ công thấp chỉ hơn 39% GDP, lãi suất trái phiếu chính phủ thấp kỷ lục (kỳ hạn 10 năm chỉ 2,1%, kỳ hạn năm năm thì chỉ có 0,85 – 0,9%), số lượng doanh nghiệp (DN) hoạt động tăng...

Gói kích thích kinh tế giảm thuế VAT 2% có tín hiệu tích cực, giúp DN giảm chi phí, giảm bớt áp lực lạm phát. Việt Nam có tỷ lệ phủ vắc xin cao hơn các nước, khi mở cửa quốc tế và thời điểm mùa hè đang đến thì tỷ lệ chuyến bay quốc tế có thể đạt 90% so với trước đại dịch. Từ đó kéo theo tiêu dùng nội địa vốn bị kìm hãm trong năm 2020 và 2021 sẽ bật tăng trở lại trong năm 2022.

Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương phân tích cơ hội và thách thức tăng trưởng kinh tế năm 2022.
Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương phân tích cơ hội và thách thức tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Ngoài ra còn có nhiều động lực khác để tăng trưởng như Việt Nam là một mắt xích quan trọng với EU và Mỹ trong chuỗi cung ứng thế giới, bằng chứng là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam để duy trì chuỗi cung ứng đang có xu hướng tăng. Trong thời gian tới, xuất khẩu và kinh tế được dẫn dắt bởi khu vực chế biến chế tạo sẽ phục hồi mạnh mẽ. Lãi suất điều hành khó tăng vì Ngân hàng Nhà nước đang cân bằng hai áp lực hỗ trợ phục hồi kinh tế và hóa giải áp lực lạm phát. 

Tuy nhiên, nền kinh tế cũng đang gặp nhiều áp lực, nhất là áp lực xuất khẩu do ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Nga và Ukraine chiếm hơn 70% xuất khẩu khí neon – là vật liệu không thể thiếu trong sản xuất chip điện tử và riêng Nga chiếm 45,6% xuất khẩu Palladium là vật liệu thiết yếu trong công nghệ quang khắc, dẫn đến xuất khẩu ngành điện tử, điện thoại, máy tính… trong thời gian tới bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hai nước này cũng chiếm 30% kim ngạch lúa mì, 20 bắp xuất khẩu toàn cầu nên cũng ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm trên thế giới tăng, gây áp lực lạm phát. Nga cũng đang cấm vận các nước Mỹ, châu Âu không được sử dụng không phận Nga, phải bay đường vòng dẫn đến chi phí vận chuyển tăng, giá cả hàng hóa tăng, giảm nhu cầu tiêu dùng, cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu Việt Nam. Đặc biệt, giá than coke (trong luyện thép) tăng gần 4 lần dẫn đến chi phí sản xuất thép tăng, nguy cơ giá thép tăng sẽ làm chậm đầu tư công trong thời gian tới. Hay giá dầu tăng mạnh đẩy chi phí sản xuất tăng cao, đẩy lạm phát tăng và giảm thu nhập thực tế.

Tiến sĩ Trần Du Lịch- Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia: Còn áp lực về nợ xấu, giá bất động sản ảo, điểm nghẽn về thủ tục hành chính

Nhìn vào thực tế hiện nay, tôi nghĩ chỉ tiêu kinh tế Việt Nam đặt ra sẽ đạt được. Tuy nhiên kinh tế vĩ mô đang đối diện với những khó khăn, chẳng hạn áp lực nợ xấu tăng, đặc biệt là nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản; tình trạng chiếm hữu đất đai và đầu cơ để “thổi giá đất”, sự phát triển khu dân cư tự phát gây khó khăn cho công tác quy hoạch. Với GDP nền kinh tế hiện nay, mức giá đất là quá sức chịu đựng đối với người dân lao động muốn có nhà ở. Thứ nữa là cải cách thủ tục hành chính chưa có đột phá. 

Riêng với TPHCM, tôi tin rằng có những điểm khả quan để GDP tăng trưởng 6,5% trong năm nay.

Tiến sĩ Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia phát biểu tại tọa đàm.
Tiến sĩ Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia phát biểu tại tọa đàm.

Thứ nhất, phần lớn doanh nghiệp đã quay lại hoạt động, có thể chưa bằng thời điểm 2019 nhưng cơ bản đã khả quan. Vấn đề cần lúc này là thành phố cần hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với ngân hàng. Phương án phù hợp thời điểm này là “nuôi nợ để đòi nợ”. Nếu DN có phương án kinh doanh và được vay vốn tiếp để trả nợ cũ thì nên tạo điều kiện thông qua một gói kích cầu hỗ trợ. Giải pháp còn được gọi là chương trình “tay 3” (Nhà nước, ngân hàng và DN) này từng xuất hiện năm 2008 – 2009. Thời điểm đó, ngân hàng không sợ mất tiền nhưng sợ trách nhiệm nếu khoản vay không đúng quy định. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM đã phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý từng dự án cụ thể, linh hoạt gỡ khó, cứu nhiều DN. Nhiều công ty thay vì phá sản thì đã phục hồi phát triển, trả được nợ. 

Trụ cột thứ hai để TPHCM tăng trưởng là phải tăng đầu tư công. Cần thiết lúc này là Chính phủ cần hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ đường vành đai 3, 4; giải quyết dứt điểm những dự án bất động sản còn tồn đọng nhiều năm; giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông kết nối như An Phú (TP Thủ Đức)… góp phần giảm chi phí logistics.

Thứ ba là cần tập trung giải quyết nhà ở, xây nhà ở xã hội để thu hút lao động. Đồng thời, TPHCM cần có những đề xuất để tăng tính tự chủ trong công tác thực hiện quy hoạch, kế hoạch đầu tư; tự chủ về huy động để có thêm ngân sách. Hiện TPHCM đang ôm tài sản về quỹ đất, nhà ở nhưng không sử dụng được, nếu tự chủ huy động thì sẽ không thiếu tiền để đầu tư.

Thanh Hoa (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI