Phục hồi giọng nói sau điều trị ung thư thanh quản

08/04/2013 - 19:05

PNO - PN - Nhiều bệnh nhân tỏ ra hoang mang, nghi ngờ không biết sau phẫu thuật điều trị ung thư - nhất là ung thư vùng đầu cổ - liệu những chức năng của các cơ quan vùng này có được phục hồi? Chúng tôi xin giới thiệu những kỹ thuật...

Theo TS-BS Trần Thanh Phương, Khoa Ngoại 3, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, ung thư thanh quản (UTTQ) đứng thứ 5 trong 10 loại ung thư hàng đầu nam giới thường mắc phải. Tùy vào giai đoạn phát hiện, người bệnh sẽ được xạ trị, phẫu thuật cắt một phần hay toàn bộ thanh quản. Không chỉ liên quan đến sức khỏe, UTTQ còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giao tiếp sau điều trị do người bệnh bị mất toàn bộ hoặc một phần giọng nói.

Hút thuốc nhiều: nguyên nhân chính gây UTTQ

Một trong những nguyên nhân chính gây UTTQ là do hút thuốc lá nhiều.

Triệu chứng nhận biết UTTQ là nếu ở giai đoạn sớm người bệnh sẽ bị khàn tiếng, nuốt đau; khi qua giai đoạn muộn hơn thì có cảm giác nuốt vướng, ho, ho ra máu, đau cổ, đau họng, sụt cân không nguyên nhân, sưng vùng cổ, tiếng nói thay đổi.

Tùy vào giai đoạn phát hiện, vị trí khối ung thư, thể trạng, độ tuổi, nghề nghiệp của người bệnh, bác sĩ sẽ chọn phương pháp: xạ trị, mổ hở hay mổ nội soi. Khi bệnh ở giai đoạn sớm có thể xạ trị, sẽ phục hồi tốt giọng nói, nhưng tỷ lệ tái phát có phần hơi cao; cũng có thể mổ hở, ít tái phát nhưng mức độ phục hồi giọng nói hạn chế; mổ nội soi (laser) ít gây sang chấn hơn, cho tiếng nói khá hơn mổ hở nhưng tái phát cao hơn mổ hở. Giai đoạn muộn hơn thì có thể cắt toàn phần thanh quản cùng với xạ trị hay hóa trị.

Phuc hoi giong noi sau dieu tri ung thu thanh quan

Bệnh nhân bị cắt một phần thanh quản đang luyện thanh

Tập luyện thanh quản

Theo ThS-BS Lê Văn Cường, Khoa Ngoại 3, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, với những phương pháp hỗ trợ trong y học, bệnh nhân sau điều trị UTTQ vẫn có nhiều hy vọng trong việc tìm lại giọng nói.

Thanh quản liên quan đến ba chức năng nói, nuốt và bảo vệ đường hô hấp. Với những trường hợp phát hiện UTTQ ở giai đoạn sớm, bệnh nhân chỉ bị cắt một phần thanh quản. Sau mổ, nếu bệnh nhân kiên nhẫn tập luyện thì có thể phục hồi chức năng giọng nói. Thông thường, một tháng sau phẫu thuật, khi vết thương đã ổn định, người bệnh sẽ được bác sĩ hướng dẫn luyện thanh theo những bài tập cụ thể, với các phần tập khởi động, thư giãn dây thanh, làm mềm cơ cổ khi phát âm, làm hơi dài hơn khi nói… Bài tập sẽ được thay đổi thường xuyên. Vì vậy, để việc luyện tập đạt hiệu quả, người bệnh cần tái khám định kỳ để bác sĩ đánh giá kết quả và đưa ra bài tập mới. Quan trọng hơn, người bệnh được bác sĩ hướng dẫn thực hiện động tác chuẩn xác. Nếu luyện tập đúng, tập đủ, sau khoảng ba tháng, người bệnh có thể giao tiếp tốt.

Song song với luyện tập, chăm sóc dây thanh cũng là điều cần lưu ý. Chỉ nên giữ mức độ giao tiếp thông thường, tránh nói quá nhiều. Uống nước đủ (được thể hiện bằng tình trạng nước tiểu trong) để tránh việc dây thanh bị khô. Hạn chế tuyệt đối việc hút thuốc lá và uống rượu vì đây là hai tác nhân khiến ung thư có nguy cơ tái phát, đồng thời làm quá trình phục hồi giọng nói chậm hơn.

Giải pháp cho bệnh nhân bị cắt thanh quản toàn phần

Có nhiều cách để lấy lại giọng nói cho người bệnh bị cắt hoàn toàn thanh quản. Trong đó, thanh quản điện tử (electrolarynx) hay còn gọi máy hỗ trợ tiếng nói là thiết bị giúp bệnh nhân bị cắt dây thanh quản toàn phần có thể giao tiếp bằng giọng nói nhanh nhất sau phẫu thuật. Để giao tiếp, bệnh nhân chỉ cần áp đầu máy lên da vùng cổ và nói. Tuy nhiên, tiếng nói từ máy với độ cao như nhau, tạo ra một giọng nói giống giọng robot. Tiếng nói có dễ hiểu hay không còn tùy thuộc vào cơ vận động lúc phát âm, vào vị trí đặt đầu máy khi phát âm và kỹ năng sử dụng máy của từng người.

Tuy nhiên, TS-BS Trần Thanh Phương cho biết, phương pháp hiệu quả nhất để phục hồi giọng nói, hiện đã được áp dụng ở nhiều nước phát triển và sắp tới sẽ được thực hiện tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM là phẫu thuật đặt van khí thực quản. Người bệnh có thể chọn đặt van khí thực quản ngay khi phẫu thuật ung thư hoặc sau vài tuần, vài năm. Với cách đầu, người bệnh có thể nói và được nói ngay sau cuộc phẫu thuật ung thư.

 An Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI