‘Phục chế’ món chè con ong của ngoại

13/03/2020 - 07:09

PNO - Miếng chè kẹp giữa bánh tráng, giòn tan từ ngoài, béo bùi đậu phộng, trong cùng là cái dẻo ngọt của nếp, của đường, lỡ mà lưỡi có chạm phải sợi gừng giã cay cũng rất đã.

Tôi nhớ thửa ruộng bên hông nhà ngoại ngày xưa, chỗ ấy giờ là mảnh vườn đầy cây trái. Có cây ổi sẻ ruột đỏ mọc ven bờ, mùa nước lụt đúng vụ ổi chín oằn trĩu cành xuống ruộng.

Mấy chị em lén ngoại đội mưa lội bì bõm đứa trên cây, đứa dưới nước vặt ổi chín. Một góc ruộng bị những vệt giày dép hằn lên đẫm sình lầy.

Thể nào đám con nít cũng bị ngoại la, vì đó là ruộng nếp. Giống nếp ngoại để dành mấy mùa trước, những hạt mẩy nhất để gieo, rồi kỳ công bón phân, vô nước. Nếp thu hoạch không nhiều, đâu dăm ba chục ký để xôi chè, bánh trái cho giỗ chạp, Tết nhất của cả họ.

Tôi đã thử 'phục chế' lại món chè đầy ký ức tuổi thơ.
Tôi đã thử 'phục chế' lại món chè đầy ký ức tuổi thơ.

 Ngoại vo nếp, cho vào cái nồi gang, đổ xăm xắp nước, đặt lên bếp và bảo tôi ngồi canh lửa. Bếp lửa trấu phải liên tục canh tro cho lửa đều, khói nhọ nhem mặt mũi.Tôi nhớ ngày rằm của tháng ngày ấy ngoại hay nấu chè nếp thắp hương. Thấy ngoại giở khạp, xúc nếp, lấy dao gọt củ gừng, xắt đường cục là cái bụng mình mừng rơn. 

Nếp sôi thì giở nắp nồi, dùng chiếc đũa cả khuấy đều, đến khi đáy nồi sít lại, nếp vừa chín, ngoại cho đường đen và gừng vào.

Lúc này chỉ cần tàn tro đỏ của trấu để giữ cho chè không bị cháy, và cứ thế đôi tay gân guốc của ngoại khuấy đều cho đến khi chè dẻo sệt.

Mùi gừng, mùi mật mía tươm ra từ đường nâu thơm đậm, ngọt ngào quyện khói cả một góc xóm làng. 

Những hạt nếp thấm đợm đường bóng ngọt nằm xếp đều đặn bên nhau như tổ ong.
Những hạt nếp thấm đợm đường bóng ngọt nằm xếp đều đặn bên nhau như tổ ong.

Chè sau khi thắp hương ngoại sai chị em tôi mang cho hàng xóm mỗi người một bát. Còn lại ngoại cất trong gạc-măng-rê dành cho bữa sáng, bữa xế ăn cùng bánh tráng.

Thi thoảng món chè còn được ngoại rắc thêm đậu phộng hoặc mè rang, cũng là thức quà hàng xóm thu hoạch mang biếu.

Miếng chè kẹp giữa bánh tráng, giòn tan từ ngoài, béo bùi đậu phộng, trong cùng là cái dẻo ngọt của nếp, của đường, lỡ mà lưỡi có chạm phải sợi gừng giã cay cũng rất đã.

Cái cảm giác ngọt ngào ấy không lẫn vào đâu được theo cả một chặng đường ấu thơ cho đến tận giờ...

Một hôm tôi tình cờ bắt gặp chợ kia có bán đường đen, thế là mua về mày mò “phục chế” lại món chè của ngoại. Có nơi gọi món này với cái tên rất kêu: “chè con ong”.

Tôi nghe dăm ba lần, đến khi tìm hiểu cách nấu thì không khác gì món chè nếp đường đen của ngoại.

Cũng từng ấy nếp, đường, gừng, đậu, nhưng sẽ hơi khác đôi chút, vì món chè ngoại tôi có nếp từ thửa ruộng hông nhà, gừng vườn bác Tám, đường sau vụ mía nhà dì Năm, đậu và mè lại từ cô Tư cuối xóm.

Sự sẻ chia thơm thảo ấy nhờ bếp của ngoại nấu lên, nên vị chắc chắn ngon hơn bất kỳ món chè nào được ăn trong đời.

Bài, ảnh: Nguyên Cao

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI