PNO - PN - Boyhood (giải Quả cầu vàng 2015) không phải là “Robinhood”, điều đó rõ rồi. Không còn là thời của những người anh hùng cứu khốn phò nguy chiến đấu với cung tên trong tay, xuyên qua bao kẻ thù để đạt tới chiến thắng; Boyhood...
edf40wrjww2tblPage:Content
Người mẹ không chấp nhận hy sinh con cái cho hạnh phúc riêng của mình
Những con người ấy cũng đã phải lần mò qua những con đường, những hành trình nhầm lẫn, những nỗ lực đau đớn để sống sót và trưởng thành. Bộ phim được giới thiệu là đã quay trong 12 năm, với những cuộc đời, những câu chuyện, những gia đình đích thực. Thay vì người anh hùng từ trên màn ảnh rộng sẽ bước vào giấc mơ của những đứa trẻ, với Boyhood, những đứa trẻ từ cuộc đời thực đã bước lên màn hình, mang những trải nghiệm cô độc và đau đớn một cách rất đời thường của mình, để trao đổi với mọi người về một câu hỏi cũ: chúng ta đang sống ra sao, trong thời gian thực của chúng ta, chúng ta buồn hay vui, hạnh phúc hay khổ đau, được hay mất?
Khắc khoải với từng sai lầm, yêu đương, cãi vã của người phụ nữ một mình nuôi hai con nhỏ trong bộ phim, nhưng người xem cảm thấy nhẹ lòng khi người mẹ đơn thân ấy cuối cùng trở thành một giảng viên đại học. 12 năm để giữ một kịch bản phim, gìn giữ từng chi tiết đã quay để cốt truyện không bị phá vỡ - đó thực sự là một canh bạc lớn của đạo diễn. Gần giữa phim là bài giảng của người mẹ đơn thân, một vài câu thôi, nhưng đủ khiến người xem trăn trở:
“Sự tồn tại của con người phụ thuộc vào cách mà họ yêu thương nhau…”.
Các nhân vật trong phim đã chọn những cách rất khác nhau để yêu thương nhau, mặc dù tồn tại giữa họ là đổ vỡ. Một vụ nổ đã bắn tung họ về những phía rất khác nhau. Gia đình chỉ còn là những mảng rời, những mảnh vụn, nhưng mỗi mảnh vụn dù tồn tại lắt lay hay sống còn mãnh liệt theo cách của riêng mình, cũng đã đều chọn cách để yêu thương nhau.
Người mẹ chọn cách vật lộn với cuộc sống làm mẹ đơn thân để tiến lên. Cô mạnh mẽ, can đảm, cứng rắn. Cô có nhiều người đàn ông theo đuổi, cãi nhau với người này, chia tay với người nọ, gây gổ với người kia. Nhưng cốt lõi, cô đã chọn con đường quay lại trường đại học cho dù đã làm mẹ của hai con nhỏ, chọn cách phải học cho xong đại học và trở thành giảng viên, vì một cuộc sống khấm khá hơn, vì một sự độc lập về mặt kinh tế, tri thức. Và cô đã làm được. Đó là cách cô yêu thương lũ trẻ, và yêu thương chính bản thân. Cô đã thành công, đã đến được mục tiêu mà cô mong muốn, và điều quan trọng nhất - cô vẫn là chính mình.
Ông bố, ít ỏi thời gian dành cho con, loáng thoáng xuất hiện trong phim, bồng bột nông nổi. Anh yêu thương hai đứa trẻ, dù không thể tìm được tiếng nói chung với vợ cũ, như anh giải thích với con trai “mình có thể rất giận dữ với một người, nhưng điều đó không thay đổi những mối dây gắn bó, ràng buộc mình đã có với người đó”. Người chồng, người cha trong phim không phải là một mẫu người thành đạt trong cuộc sống. Nhưng anh cũng đã chọn cách mà mình có thể, để yêu thương: đi chơi bowling với các con, đưa con trai đi cắm trại, đưa các con về khu tá túc rất lộn xộn của mình và bạn bè như một cách chia sẻ vô tư. Bởi, anh không thể làm gì khác.
Trong phim, có những đoạn buồn rơi nước mắt, khi người cha cùng ban nhạc hát những ca khúc về các con, về người vợ cũ, hay nói đúng hơn - về gia đình mình từng có. Những lời ca buồn bã ấy không chỉ là tình yêu, nó còn là nỗi băn khoăn bất lực của người đàn ông khi gia đình tan vỡ. Đó là tiếng khóc của người đàn ông đánh mất gia đình, nhưng lớn hơn, đó cũng là cách để người ta yêu thương khi bản thân chỉ còn lại có một nửa. Cho nên, ông bố trong phim không đáng trách, dù có gì đó hơi thiếu tin tưởng, hơi lang bang bốc đồng - anh đã yêu con bằng cách của mình.
Boyhood được đánh giá sẽ lên ngôi ở danh sách đề cử Oscar lần thứ 87-2015. Trong ảnh là gương mặt Ellar Conltrane lớn lên theo thời gian trong phim
Trên nền hôn nhân đổ vỡ, người mẹ trong phim có khi cũng đã chọn một cách tưởng có thể trọn vẹn cho cả mẹ và con: “kiện toàn” một gia đình mới. Người ta không quên ông giáo sư đại học cũng có một gia đình tan vỡ như thế, với một cô con gái và một cậu con trai như thế. Hai gia đình đã có khi kết hợp lại làm một, để rồi kết cục là bạo lực, là xô xát. Những đứa trẻ bất lực trong cuộc kết hợp của bố và mẹ, chúng không thể tự định con đường phát triển của riêng mình trong sự kết hợp tưởng chừng như để dành cho chúng.
Khi nhận ra mẹ đã đem một bạo chúa đặt lên đầu chúng, những đứa trẻ cũng chỉ có một cách trông chờ vào mẹ, giải thoát bằng chính những nỗ lực của mẹ, sự xả thân của mẹ. Những lần thử, những sai lầm như vậy có nhiều trong phim, được diễn đạt một cách tự nhiên, khiến người ta không trách người mẹ: cô đã thử cố gắng bằng tất cả khả năng, nhưng cô không chấp nhận hy sinh lũ trẻ cho hạnh phúc riêng của mình, cũng không chấp nhận duy trì một vỏ bọc hôn nhân giả tạo.
Nhận thức là một quá trình. Con đường trưởng thành của gia đình bé nhỏ ấy là con đường mà người mẹ cùng với hai đứa trẻ lang thang qua hết nơi này đến nơi khác, tìm một cơ hội sống tốt hơn, tìm một việc làm, tìm một tình yêu mới… Cuộc di chuyển của họ có tính biểu trưng, như cuộc tìm kiếm và trưởng thành của ba cá thể, ba tính cách, ba khát vọng. Cuộc đời hiện lên qua hình ảnh con đường: cứ đi, và sẽ đến, dù mục tiêu thực sự của mỗi con người có thể khác nhau ngay cả khi họ là những thành viên thân thiết của một gia đình.
Con người chẳng có ai hoàn thiện, chính vì vậy mới có hôn nhân để bù đắp và hoàn thiện cho nhau. Nhưng chẳng may khi gia đình tan vỡ, “cách mà người ta yêu thương nhau”, cách người ta sống và đối xử với nhau, với con trẻ, mới là điều quan trọng.