Phụ thuộc quá nhiều trí tuệ nhân tạo làm giảm khả năng tự học của con người

25/10/2024 - 20:51

PNO - Phụ thuộc quá mức vào AI làm giảm khả năng tự học, phản xạ của học sinh; tiềm ẩn rủi ro về quyền riêng tư, tạo ra hiện tượng "ảo giác AI".

Ngày 25/10, Trường đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) đã tổ chức diễn đàn quốc tế Lãnh đạo trẻ toàn cầu về phát triển bền vững năm 2024 (The Forum of Young Global Leaders for Sustainable Development 2024). Sự kiện quốc tế này được tài trợ bởi Viện FNF (Đức).

Chia sẻ trong phiên thảo luận tại sự kiện, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Vĩnh Khang - Kỹ sư phòng thí nghiệm, Trường đại học Việt Đức, nhận định, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể cải thiện năng suất học tập bằng cách cung cấp các công cụ học tập thông minh, sử dụng thuật toán để nhắc nhở người dùng hoàn thành bài học. Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá mức vào AI có thể làm giảm khả năng tự học và phản xạ của học sinh. Ngoài ra, AI cũng đặt ra các rủi ro về quyền riêng tư và nguy cơ thao túng tâm lý, khi thông tin sai lệch có thể dẫn đến hiện tượng "ảo giác AI". Do đó, cần sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ để lấy cảm hứng, nhưng phải thận trọng và duy trì sự tò mò để học hỏi sâu hơn.

các nhà nghiên cứu, giảng viên cấp cao chia sưer tại diễn đàn quốc tế Lãnh đạo trẻ toàn cầu về phát triển bền vững năm 2024 - Ảnh: UEF
Các nhà nghiên cứu, giảng viên cấp cao chia sẻ, thảo luận tại diễn đàn quốc tế Lãnh đạo trẻ toàn cầu về phát triển bền vững năm 2024 - Ảnh: UEF

Tương tự, thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Tri - Giám đốc thư viện, Trường Đại học Việt Đức, cũng cho biết, AI giúp tiết kiệm thời gian và cải thiện hiệu quả trong việc viết các bài nghiên cứu và đề xuất. AI có khả năng tìm kiếm thông tin nhanh chóng và hiệu quả, hỗ trợ người dùng tiếp cận dữ liệu cần thiết. Tuy nhiên, việc áp dụng AI không phải lúc nào cũng dễ dàng và đòi hỏi sự hiểu biết đúng đắn để tận dụng tối đa. Hợp tác với bạn bè và đồng nghiệp từ nhiều quốc gia cũng rất quan trọng để nâng cao chất lượng nghiên cứu và phát triển các ý tưởng mới.

Khi áp dụng AI, cần cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro. Sinh viên cần được hướng dẫn cách sử dụng AI một cách có trách nhiệm để tránh việc lạm dụng và đảm bảo tính công bằng trong đánh giá. Trước khi chia sẻ thông tin, cần kiểm tra tính chính xác và nguồn gốc của nó để đảm bảo không phát tán thông tin sai lệch.

Tại sự kiện, các nhà nghiên cứu, giảng viên cấp cao, trưởng ngành tại các trường đại học quốc tế, CIO, CEO tại các công ty, tập đoàn kinh tế cũng thảo luận sôi nổi về chủ đề AI cũng như khả năng thích nghi và cơ hội dành cho người trẻ trong thời đại công nghệ. Sinh viên có cơ hội để học hỏi, nhận thức sâu sắc hơn về các vấn đề toàn cầu, về vai trò của người trẻ trong nền kinh tế số.

Theo đại diện UEF, diễn đàn hướng đến các mục tiêu nâng cao nhận thức, năng lực và thúc đẩy vai trò của thanh niên Việt Nam về hội nhập quốc tế, chuyển đổi số và phát triển bền vững tại Việt Nam; tạo cơ hội cho sinh viên phát huy tính chủ động, tích cực và sáng tạo trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; thúc đẩy giao lưu, thảo luận và hợp tác trong các dự án và sáng kiến lãnh đạo trẻ giữa các trường đại học quốc tế tại Việt Nam.

Diễn đàn Lãnh đạo trẻ toàn cầu về phát triển bền vững năm 2024 diễn ra với nhiều hoạt động, gồm: triển lãm poster “Sustainable Development Initiatives”; phiên tổng thể “Young Global Leaders in the Digitalization Era” giúp sinh viên giải đáp các vấn đề của thời đại - làm thế nào để trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu thành công và vai trò của nhà lãnh đạo toàn cầu đối với số hóa và phát triển bền vững; hoạt động networking; 7 phiên workshop, seminar song song với các nội dung về: vai trò của các nhà lãnh đạo trẻ trong các thách thức toàn cầu, ứng dụng AI trong nghiên cứu, vai trò của phân tích dữ liệu trong chuyển đổi số, kết nối cộng đồng và phát triển bền vững, nghề nghiệp tác động xã hội thế hệ mới, kỹ năng lãnh đạo chuyển đổi, chuyển đổi số và giáo dục đại học.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI