Phủ thảm xanh cho hôn nhân

14/03/2016 - 07:31

PNO - Lúc mới cưới, các cặp vợ chồng thường đặt nhiều hy vọng vào cuộc hôn nhân của mình, nhưng mức độ hài lòng cứ suy giảm theo từng thời kỳ.

Phu tham xanh cho hon nhan
Tọa đàm Xói mòn hôn nhân, làm sao để tránh?

Lúc mới cưới, các cặp vợ chồng thường đặt nhiều hy vọng vào cuộc hôn nhân của mình, nhưng mức độ hài lòng cứ suy giảm theo từng thời kỳ, nhất là giai đoạn có con đầu lòng. Số người rất hài lòng với hôn nhân hiện tại chỉ dừng ở 15%. Quan hệ bạn bè, tài chính, sinh hoạt hằng ngày, điện thoại/game, đối xử hai bên nội ngoại là năm vấn đề chính gây bất đồng và có thể “ăn mòn” hôn nhân.

Kết quả khảo sát tại TP.HCM và Hà Nội của Công ty nghiên cứu thị trường TiTa công bố trong cuộc tọa đàm Xói mòn hôn nhân, làm sao để tránh? do báo Phụ Nữ và Công ty TiTa phối hợp tổ chức ngày 12/3 đã khiến người tham dự không khỏi nhìn lại tình trạng hôn nhân của mình và tự soạn “giáo án” riêng để giải cứu.

Thời gian không trở lại, những cuồng nhiệt, đắm say như buổi đầu không bao giờ tái diễn nên cả hai phải cùng giữ lửa, nuôi dưỡng những thói quen tốt trong từng giây phút bên nhau. Ngay từ đầu nên đặt ra những quy ước hôn nhân như đắp con đê ngăn dòng, phân lũ, như trồng hàng phi lao đương đầu với bão cát.

Vì đâu gia đình "rớt hạng"?

Trong nhịp sống đô thị, thời gian cứ như bị ai đó đánh cắp. Bữa cơm gia đình có sứ mệnh nuôi lớn những thành viên; nuôi dưỡng không gian đầm ấm, yêu thương dần bị cắt giảm vì hàng tỷ thứ khác. Chiều tối, cha bận tiếp khách ở nhà hàng, mẹ lao ra từ công sở đến trường đón con, ghé lại lề đường mua chút thức ăn nhanh, rồi vội vàng đèo con đến chỗ học thêm. Bữa cơm một tô, một nắm lên ngôi; bữa cơm gia đình trở thành xa xỉ .

Ông Phan Quang Thịnh, Giám đốc Công ty TiTa khẳng định, các thành viên càng dành thời gian cho gia đình thì gia đình càng hạnh phúc. Trong khảo sát, nhóm tự nhận là rất hạnh phúc thường dành trọn buổi tối để cùng nhau nấu ăn, vui chơi, trò chuyện, xem ti vi… trong khi nhóm bình thường - ít hạnh phúc hạn chế dành thời gian sinh hoạt chung, thay vào đó, các thành viên làm việc cá nhân, tự giải trí theo cách riêng, mỗi người cắm mặt vào màn hình phẳng hoặc về nhà muộn. Có khi các thành viên vẫn tồn tại bên nhau trong không gian vật lý nhưng không có tương tác, đối thoại, gắn bó.

Anh Huỳnh Phước Hải (40 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) chia sẻ, khi gia đình anh còn ở New Zealand, công việc cũng khá bận nhưng vợ chồng, con cái vẫn sắp xếp cùng ăn tối với nhau. Còn giờ sống ở TP.HCM, việc gia đình quây quần bên nhau, ăn chung, chơi chung sao mà khó! Với những thứ ngổn ngang trong cuộc sống và thấy gì cũng quan trọng nên chẳng biết bắt đầu lại từ đâu, anh cùng vợ xác định mấu chốt để điều chỉnh: tập trung vào các con.

Mong muốn trong cuộc sống thì vô cùng vô tận nhưng con cái là quan trọng nhất nên cần gạt bớt những yếu tố khác để ưu tiên cho “mũi nhọn” này. Tuy nhiên, ngay cả việc giáo dục con cũng không dễ có tiếng nói chung. Chị hướng đến giải quyết, can thiệp những tình huống con có vẻ bất ổn trong ứng xử, anh lại nhận thấy không cần thiết, cứ để con rèn sự độc lập, tự tin. Tranh cãi, bất đồng, có lúc anh chị đã đi đến đánh giá thấp tầm nhìn và kỹ năng của nhau trong việc dạy con. Tuy nhiên, nhờ chấp nhận, tôn trọng sự khác biệt, anh chị dần điều chỉnh và bổ sung cho nhau, cùng nuôi dạy con tốt. Tình cảm vợ chồng thêm gắn bó khi đồng hành trên mọi bước đường trong cuộc sống.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), hôn nhân bị xói mòn do nền tảng gia đình lung lay, nếp sống thiếu ổn định, các thành viên chểnh mảng vai trò trong gia đình, các giá trị đạo đức như lòng chung thủy, tự trọng, đức hy sinh… bị xem nhẹ. Định hướng giá trị phiến diện, sai lệch khiến người ta mải mê chạy theo tiền bạc, danh vọng, quan hệ xã hội mà lơ là sức khỏe, gia đình, gắn bó người thân, bồi đắp các giá trị tinh thần.

Người bước lên xe hoa chưa chuẩn bị kiến thức hôn nhân, thiếu kỹ năng quản lý gia đình, nghệ thuật ứng xử, từ đó không cân bằng được các mục tiêu cuộc sống và các mối quan hệ. Nhịp sống hiện đại cuốn người ta ra ngoài, làm cho tương tác trong nhà sút giảm, giao tiếp đứt gãy, vợ chồng, con cái không hiểu nhau, khoảng cách xa dần khiến gia đình “rớt hạng” từ gia đình hài hòa thành gia đình không hài hòa với liên kết thụ động, rời rạc, tan vỡ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI