1. Giữa những ngày ngột ngạt ở chốn thị thành, trong một giấc trưa oi bức, tôi như nghe thấy thanh âm của biển cả vang vọng trong giấc mơ. Suốt đợt dịch, nghiêm chỉnh chấp hành lệnh giãn cách, tôi đã bấu víu vào ký ức tươi đẹp của những chuyến đi cũ như một kẻ cuồng chân.
Tôi từng có hơn 600 ngày lang bạt ngang dọc nhiều miền đất ở Đông Á và Đông Nam Á nhưng vẫn chưa một lần “bén duyên” với đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận).
Vào một ngày đầy ngẫu hứng của tuổi trẻ, tôi và bạn thân nghiêm túc lên kế hoạch hành trình xuyên Việt bằng xe máy. Và vào những ngày trời xanh trong đến ngỡ ngàng, chúng tôi đã thỏa thích chiêm ngưỡng một trong những hòn đảo miền Trung còn nguyên vẻ đẹp ban sơ.
Cái nắng bỏng rát của dải đất Bình Thuận không thể ngăn trái tim khát biển.
Tôi từng xem những thước phim, hình ảnh về Phú Quý nhưng lại không tìm đọc những bài review như cách tôi thường làm trước mỗi chuyến đi suốt mấy năm nay. Với đảo ngọc, tôi muốn dành một trái tim chân phương nhất để đón nhận cái mộc mạc, nguyên sơ của nơi đây, giữ cho mình sự hào hứng trọn vẹn.
|
Vẻ đẹp bình yên ở hòn Tranh |
2. Đảo Phú Quý thuộc tỉnh Bình Thuận, cách đất liền khoảng 120km. Hòn đảo này trước đây có diện tích chừng 21km2; với khoảng 33.000 dân sinh sống nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 16km2 do bị xâm thực. Ngư dân địa phương kể với tôi rằng bờ kè Bảy Sắc hay vịnh Triều Dương đều đang được kè lại để chống xâm thực. Thật tiếc khi cảnh quan phần nào đã không còn nguyên vẹn như 6-7 năm trước.
Từ bộ phim Anh thầy ngôi sao, du khách khắp nơi tìm đến Phú Quý ngày càng nhiều. Thế nên dù mang tiếng đảo hoang sơ nhưng trên Google Maps, một số phượt thủ tốt bụng đã giúp hiển thị đầy đủ các địa điểm check-in đẹp nao lòng. Bạn đừng quá bận tâm nếu chẳng biết sắp xếp lịch trình đi đâu trước, sau trên đảo, vì chủ homestay là “thổ dân” nơi đây sẽ nhiệt tình hướng dẫn; thậm chí anh Lĩnh - chủ nhà kiêm cán bộ đảo - còn vẽ cả bản đồ vì sợ chúng tôi lạc đường.
Phú Quý nhỏ lắm, chạy xe máy chừng nửa ngày là giáp vòng. Trên đảo có hơn 20 cụm điểm để tham quan, nằm rải rác quanh đảo như một bản đồ kho báu dần hé mở cho người lữ khách ham mê khám phá. Bạn nên đi theo lộ trình hai cụm điểm gần kề nhau. Cụm một gồm có: vịnh Triều Dương, dốc phượt, cột cờ chủ quyền (điểm đón bình minh thật đẹp lúc 5g30 sáng), bãi Nhỏ, gành Hang, hồ Vô Cực, bè cá Làng Dương.
Cụm hai gồm những điểm ở xa hơn - những nơi có thể ngắm bình minh, hoàng hôn tuyệt đẹp như: chùa Linh Sơn (núi Cao Cát), núi Cấm (ngọn Hải Đăng), mộ Thầy (Dinh mộ Thầy Nại), Phong điện Phú Quý, bờ kè Bảy Sắc, đền thờ Công Chúa Bàn Tranh, bờ kè Bãi Lăng, chùa Linh Quang, Vạn An Thạnh, hòn Tranh, hòn Đen.
Mỗi điểm cách nhau không quá xa. Chúng tôi chỉ đổ 30.000 đồng xăng, sau khi rong ruổi suốt hai ngày, kim xăng vẫn chưa nhích đến vạch giữa. Càng đi tôi càng không khỏi ngỡ ngàng vì hòn đảo bé xíu này lại được tạo hóa ưu ái nhiều về cảnh sắc đến vậy.
Là một trong những điểm được giới trẻ “săn lùng” nhờ những thước phim đẹp như mơ, núi Cao Cát hút mắt tôi bởi những vách đá cao sừng sững với kiến tạo đặc biệt, thảm thực vật xanh mướt ở độ cao 106m so với mực nước biển. Khi hoàng hôn buông xuống, bên tai là thanh âm của gió biển, trước mặt là toàn bộ quang cảnh của đảo nhỏ, ngồi bên những người bạn thân thương, tôi thấy bình yên, hạnh phúc chính là thế, chẳng cần tìm kiếm xa vời.
Hồ nuôi cá cũng là điểm đến chúng tôi trót “say nắng” ngay từ lần đầu trông thấy. Bên cạnh những hồ nước được người dân kè biển để nuôi tôm, nuôi cá, người dân địa phương cũng chỉ cho chúng tôi hồ nuôi cá bỏ hoang sau Dinh mộ Thầy.
Đảo nhỏ nhưng rất chỉn chu, đường sá sạch sẽ, thông thoáng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những đoạn đường sỏi, đất đỏ đậm chất hoang sơ.
Tôi vẫn thấy người ta đổ xô đến Phú Quý vào cuối tuần, check-in những địa điểm nổi tiếng chỉ trong 24 giờ để kịp về đất liền đi thăm thú nơi khác. Nhưng tôi đã dành trọn hai ngày hai đêm sống cùng dân đảo, thầm cảm ơn vì bản thân đã phớt lờ những review “vội đến vội đi” nhan nhản trên mạng. Phú Quý xứng đáng với tên gọi “đảo ngọc”, song nếu ở đây trong khoảng thời gian quá ngắn, có lẽ bạn sẽ chẳng kịp cảm nhận, còn đảo sẽ chẳng kịp mở lòng với bạn. Tôi tình cờ nhập hội với một nhóm bạn đã “ăn nằm” cả tuần với nơi này, ngày nào cũng dành một khoảng thời gian lên khu mộ Thầy để ngồi nghe chuyện từ một ngư dân kể chuyện lịch sử rất hay.
Mà đúng là phải ở đảo lâu một chút mới có thể thưởng thức nét ẩm thực đặc trưng của miền biển xinh đẹp này.
Phú Quý có rất nhiều lồng bè hải sản (lồng bè Đại Nam, Sáng, Làng Dương, Hải Thiện, Sinh, Phánh…) - nơi du khách đi những nhóm đông có thể ghé thăm quy trình nuôi trồng và thưởng thức những đặc sản của biển ngay tại lồng bè. Với đủ các loại hải sản như: cua đỏ, cua đá, cua mặt trăng, ốc nhảy, ốc bàn tay, mực, cá mú, cá bớp, tôm hùm… du khách sẽ có những bữa ngon nhớ mãi không quên. Nếu không thể xuống tận lồng bè, khách du lịch cũng vẫn thường rỉ tai nhau những nhà hàng giá cả phù hợp như: Long Vĩ, Cột Buồm, Lưới, Hải Thắm, Lộc Phát, Đông Ba, Ông Già…
Còn tôi và bè bạn, để được sống như dân đảo chính hiệu, đã mua hải sản từ sáng sớm, chế biến và nấu cơm để cảm giác trọn vẹn sự gần gũi, gắn kết với người địa phương. Buổi chiều, sau khi đằm mình trong làn nước biển mát lạnh, chúng tôi kéo nhau trở về homestay dọn bữa cơm chiều hệt như người dân địa phương.
|
Núi Cao Cát kiến tạo từ những vách đá dựng đứng hút mắt du khách |
3. Thành thật mà chia sẻ, chẳng có gì để gọi là “bình yên” trên đảo nhỏ, khi du lịch hóa đã kéo cả trăm ngàn lượt khách đến đảo vào mỗi ngày cuối tuần.
Muốn thưởng thức trọn vẹn Phú Quý, bạn nên chọn những ngày đầu tuần. Cảm giác như mình cũng là dân đảo, chỉ thiếu sự hài hước duyên dáng và làn da sạm nắng phong sương. Cư dân đảo sinh tồn với biển, yêu thương và trân trọng mọi thứ biển cả ban tặng. Nhịp sống của họ cũng chậm rãi như cách bọt biển hiền hòa vỗ bờ cát suốt ngàn năm.
Không có tắc đường lúc tan tầm, không có những vội vã bon chen của chốn thị thành, người ở đảo có một đời sống rất… “Phú Quý” bởi sự vui vẻ thường trực trên những khuôn miệng cười và bởi lòng hiếu khách.
Có lẽ bởi vậy mà hòn đảo nhỏ xinh này được đặt tên như thế: giàu sang phú quý về cảnh sắc, sản vật, tình người. Tôi không đến Phú Quý để kiếm tìm những thứ hiển hiện ấy. Tôi “cảm nắng” hòn đảo nhỏ chỉ vì dường như Phú Quý đã “sinh” bình yên.
Quê tôi cũng là vùng biển. Ở gần biển suốt 18 năm đầu đời, tôi thấy mình có cùng tần số với sóng biển. Nghe tiếng biển xanh rì rào, lá bàng vuông lao xao trong gió, những ngổn ngang của tuổi trẻ đều hóa thành bọt sóng, cuộn dâng rồi tan biến giữa bờ cát mịn. Hơi thở của biển và sự hồn hậu của con người nơi đây có lẽ là liều “vitamin” bình yên đến vô tận.
Những ngày lưu lại đây, chúng tôi thử nếm vài món đặc sản dân dã của người địa phương, ngồi nghe đôi ba câu chuyện lịch sử xen lẫn truyền thuyết lúc đêm khuya, thưởng thức nhum nướng mỡ hành đúng điệu dân đảo. Bạn cũng có thể tìm những quán bánh tráng lề đường nướng bằng than dậy mùi, ngồi bên nhau lúc chiều tà, nhắm mắt lặng nghe bên tai là thanh âm của biển, sóng, chim muông và tiếng gió lao xao…
Tôi đã phải lòng Phú Quý vào một chiều lộng gió. Đôi lúc, bình yên là khi ta xem một nơi xa lạ như nhà mình, mở lòng đón nhận mọi điều xung quanh bỗng trở nên thân thuộc như hơi thở của chính mình.
|
Toàn cảnh đảo nhỏ nhìn từ núi Cao Cát |
|
Hồ cá phía sau mộ Thầy và góc chụp “thần thánh” được nhiều người săn đón |
|
Cột cờ chủ quyền Tổ quốc tại đảo Phú Quý |
|
Một chiều muộn bình yên ở xã Tam Thanh, Phú Quý |
Vì không có chuyến bay thẳng đến đảo Phú Quý nên du khách đổ về đây bằng đường tàu thủy. Lưu ý: Phan Thiết có hai cảng. Hãy hỏi kỹ xem cảng nào mới là nơi đỗ tàu thủy ra Phú Quý.
- Hiện có ba tàu chở khách ra đảo: Superdong, Phú Quý Express, Hưng Phát. Tàu chạy khoảng 2,5 tiếng. Giá vé: từ 350.000 đồng/người/chiều.
- Hãy thử trải nghiệm dậy sớm từ 5g sáng và đi mua hải sản tươi sống từ dân chài vừa kéo lưới về, đảm bảo vừa tươi ngon vừa rẻ bất ngờ.
|
Nguyễn Thùy Trang