Phú Quốc nên nhìn lại mình để cứu du lịch

15/10/2023 - 20:12

PNO - Ngành dịch vụ du lịch Phú Quốc nên dũng cảm nhìn lại những yếu kém đang tồn tại và khắc phục, nếu muốn cứu du lịch.

Năm 2011, tôi đến Phú Quốc bằng tour du lịch 3 ngày 2 đêm. Chuyến đi năm đó có nhiều sự việc "lần đầu" đối với tôi: lần đầu đi tàu cao tốc, lần đầu ra đảo và lần đầu tắm biển không phải ở bãi biển công cộng.

Các điểm tham quan khi đó là vườn tiêu, bãi Dài, Dinh Cậu, làng chài Hàm Ninh, xưởng nước mắm, di tích nhà tù Phú Quốc...

Đường sá Phú Quốc lúc ấy không được tốt. Chiếc xe 16 chỗ chở chúng tôi đi chơi hơi cũ, khá dằn xóc do đường xấu. Ăn uống không có gì đặc trưng trừ việc món lẩu rất ít rau và rau bổi gọi thêm phải trả thêm tiền, khá mắc so với đất liền.

Sau này tôi có thêm nhiều lần đến với Phú Quốc. Mỗi lần đến lại có thêm điểm tham quan mới. Từ Bảo tàng Cội Nguồn, đến chùa Hộ Quốc, từ khu du lịch Suối Tranh đến Hòn Thơm… Phú Quốc có đường cáp ngầm vượt biển đưa điện lưới quốc gia ra đảo, và đến nay thêm đường dây vượt biển trên không nên Phú Quốc không sợ thiếu điện nữa.

Sân bay Phú Quốc được xây mới, đưa vào khai thác năm 2012 là sân bay quốc tế thứ 3 của khu vực phía Nam. Khi các tập đoàn kinh doanh du lịch nổi tiếng như Vin Group, Sun Group... đầu tư những công trình tầm cỡ quốc tế ra đảo ngọc, du lịch Phú Quốc phát triển vượt bậc.

Phú Quốc còn có sự hỗ trợ của ngành ngoại giao đã là địa điểm tổ chức những đám cưới của giới siêu giàu Ấn Độ. Được Chính phủ đưa ra chính sách miễn thị thực cho tất cả công dân trên khắp thế giới nếu lưu trú ở Phú Quốc trong vòng 30 ngày, Phú Quốc có đủ điều kiện trở thành “con gà đẻ trứng vàng” cho không chỉ Kiên Giang mà còn góp phần phát triển cả ngành du lịch quốc gia.  

Mới đây, theo số liệu của Sở Du lịch Kiên Giang dịp lễ 2/9, Phú Quốc đón khoảng hơn 62.000 khách, giảm hơn 26,5% so với cùng kỳ năm 2022. Lượng khách lưu trú cũng giảm đến 38,6%. Những số liệu thống kê đáng lo ngại khiến UBND tỉnh Kiên Giang phải tổ chức hội nghị bàn về cơ chế vé máy bay và giải pháp kích cầu du lịch Phú Quốc. Hội nghị đã yêu cầu Sở Du lịch Kiên Giang chủ trì làm cầu nối với các hãng hàng không, lữ hành… để đưa ra giải pháp. Tất nhiên là chưa có biện pháp cụ thể.

Nhưng theo tôi, khách đến Phú Quốc giảm có một nguyên nhân chủ yếu là giá cả. Hiện nay Phú Quốc đang chịu sự cạnh tranh trong, ngoài nước rất lớn. Ưu thế có sân bay đón được máy bay cỡ lớn không còn ưu việt nữa, khi mạng lưới các đường cao tốc khánh thành gần đây chạy dài khắp các tỉnh miền Trung.

Đến Phú Quốc là du lịch biển đảo, trong khi đó các tỉnh miền Trung ngoài biển còn có núi và các di tích văn hóa các dân tộc thiểu số. Liên kết với các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh miền Trung có lợi thế rất lớn trong cuộc cạnh tranh du lịch với Phú Quốc.

Phú Quốc còn phải cạnh tranh với du lịch nước ngoài, gần nhất là Phuket (Thái Lan) và Bali (Indonesia) nổi tiếng với giá du lịch trọn gói có thời điểm còn có thể thấp hơn đi Phú Quốc.

Muốn du lịch thành ngành hái ra tiền thì phải có khách. Muốn khách đến với mình, Phú Quốc phải làm mới mình bằng sự cạnh tranh về chất lượng và giá cả. Các khu tham quan chỗ nào hoang sơ phải ra hoang sơ, hiện đại phải ra hiện đại, nhưng tất cả đều phải xanh, sạch, đẹp, không được có rác dù chỉ là 1 túi ni lon, 1 hộp xốp.

Tác phong phục vụ cần lấy việc làm khách hài lòng làm lẽ sống của mình. Dù bình dân hay sang trọng, mọi thứ phải phù hợp, không thể ở biển mà khách du lịch ăn hải sản lại phải trả giá đắt hơn rất nhiều so với đất liền. Đó là chưa nói đến Phú Quốc phải có gì cho người ta mua về để lưu niệm hay làm quà cho người thân. Và phải đổi mới hàng năm để người ta quay lại.

Một hòn đảo như Phú Quốc trở thành “Đảo Ngọc” khi và chỉ khi thu hút được khách du lịch đến với mình. Ngành dịch vụ du lịch Phú Quốc phải tự nhìn nhận lại mình và tự mình đổi mới để có thể phát triển như kỳ vọng.

Nguyễn Thu Đăng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI