PNO - Dân đã gửi đơn cầu cứu đến các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, UBND TP Phú Quốc cũng nhiều lần hứa bố trí tái định cư cho người dân, nhưng dân chờ từ năm này qua năm khác, nay vẫn tiếp tục chờ…
21 năm kể từ khi bị thu hồi đất xây dựng nhà máy điện diesel, đến nay 26 hộ dân thuộc diện giải tỏa đền bù tái định cư ở ấp Cây Thông Trong, xã Cửa Dương, TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) vẫn chưa nhận được đất tái định cư và tiếp tục mòn mỏi đợi chờ.
Bà Nguyễn Thị Tảo - 66 tuổi, là một trong những người bị thu hồi đất - cho biết, từ năm 2003, sau khi bị thu hồi đất cho dự án xây dựng nhà máy điện Phú Quốc, đến nay đã 21 năm, 26 hộ dân vẫn chưa nhận được đất tái định cư. Dân đã gửi đơn cầu cứu đến các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, UBND TP Phú Quốc cũng nhiều lần hứa bố trí tái định cư cho người dân, nhưng dân chờ từ năm này qua năm khác, nay vẫn tiếp tục chờ…
Ông Phan Bá Phát bên ngôi nhà tạm để chờ bố trí tái định cư
Thực ra, vào năm 2013, tức 10 năm sau khi thu hồi đất, chính quyền TP Phú Quốc đã bố trí tái định cư cho các hộ dân. Nhưng khu đất tái định cư cho dân (tại khu vực cầu Bãi Cháy, ấp Cây Thông Trong) lại xảy ra tranh chấp, kiện tụng giữa hộ ông Võ Chí Dũng và bà Trần Thị Lệ với UBND TP Phú Quốc, nên dân chưa thể nhận đất. Vợ chồng ông Phan Bá Phát và bà Trương Thị Hà (ấp Cây Thông Trong) cho biết, từ khi thu hồi đất đến nay, gia đình ông không có đất ở, phải dựng nhà ở tạm trên đất đã bị thu hồi, không có điện, không có nước, muốn tắm hay sạc điện thoại phải nhờ nhà hàng xóm.
Và không ít gia đình, bao năm qua, đã khổ sở như vậy. Họ không có đất canh tác, không có chỗ ở hợp pháp, nên làm việc gì cũng khó. Ông Lê Thành Đức (65 tuổi) kể, năm 1988 gia đình ông từ huyện Bố Trạch (Quảng Bình) vào ấp Cây Thông Trong lập nghiệp. Đến năm 2003, bị thu hồi đất, cả nhà phải sống tạm ở khu vực vành đai nhà máy điện cho đến nay, trong khi sức khỏe của ông và 2 người con bị ảnh hưởng chất độc màu da cam ngày càng yếu. “Tôi đã 65 tuổi. Không biết đến bao giờ mới có chỗ ở để yên ổn tuổi già!” - ông Đức than thở.
Bà Đặng Thị Phượng chỉ phần đất gia đình bà đã bàn giao để xây dựng nhà máy điện
Do không có đất canh tác, không có đất xây nhà, đợi mãi không nhận được tái định cư, nhiều gia đình đã phải đi nơi khác tìm kế sinh nhai. Có người đã qua đời từ lâu mà đến nay người thân vẫn chưa được tái định cư, yên ổn.
Bà Võ Thị Đào - 53 tuổi, một người thuộc diện chờ được tái định cư - cho hay, tại buổi tiếp dân vào tháng 11/2023, tức 20 năm sau khi thu hồi đất, lãnh đạo UBND TP Phú Quốc hứa sau 2 tháng chính quyền thành phố sẽ hoàn thành thủ tục cấp đất. Tuy nhiên, đến nay đã 9-10 tháng trôi qua, dân vẫn không được thông tin gì thêm. Liên hệ thì các cấp lãnh đạo từ xã đến thành phố đều… “bận họp”.
Ngày 1/12/2003, nhà máy điện diesel Phú Quốc (tại ấp Cây Thông Trong, xã Cửa Dương) được khởi công trên tổng diện tích 7,69ha. Có 26 hộ thuộc diện bị thu hồi đất và tái định cư. Đến tháng 4/2004, nhà máy đóng điện vận hành, góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện trên đảo Phú Quốc và thúc đẩy du lịch phát triển.
Đến đầu năm 2014, sau 10 năm hoạt động, nhà máy đóng cửa do dự án cáp ngầm 110 KV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc đã chính thức đi vào hoạt động, đảm bảo cung cấp điện ổn định tại đảo Phú Quốc.
Trong lúc khu đất tại khu vực cầu Bãi Cháy (ấp Cây Thông Trong, xã Cửa Dương) mà TP Phú Quốc bố trí tái định cư cho dân năm 2013 đang bị tranh chấp, kiện tụng, ngày 5/9/2022, UBND TP Phú Quốc ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch giao đất cho các hộ gia đình và cá nhân bị giải tỏa, di dời ngay tại khu đất trên.
Vào ngày 23/9/2022, khi các cơ quan chức năng của thành phố thực hiện cấp đất tái định cư, thì gia đình bà Trần Thị Lệ (một bên tranh chấp) phản đối, vì khu đất đang tranh chấp.
Ngày 11/10/2022, Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM đã đưa vụ việc ra xét xử và kết quả là phía gia đình bà Trần Thị Lệ thắng kiện.
Đến ngày 11/7/2023, UBND TP Phú Quốc lại có đơn đề nghị xem xét giám đốc thẩm. Và ngày 23/4/2024, Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm do Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM xét xử, đồng thời đề nghị hủy bản án phúc thẩm và tạm đình chỉ thi hành án.
Ngày 15/5/2024, Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND TP Phú Quốc nhanh chóng giải quyết khiếu nại của người dân, sớm cấp đất tái định cư cho 26 hộ dân.