Gần nửa thế kỷ trước, khi vừa tốt nghiệp Khoa Sáng tác, Trường Âm nhạc Quốc gia, Phú Quang được đạo diễn Đặng Nhật Minh mời viết nhạc cho bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười. Miền Bắc những ngày thiếu thốn, nhạc cụ thô sơ, phòng thu lạc hậu, nhưng câu chuyện về cuộc đời cô Duyên (vai diễn của diễn viên Lê Vân) trong phim, khiến vị nhạc sĩ giàu lòng trắc ẩn vô cùng xúc động. Ông nghĩ đến mẹ, đến hàng ngàn thân phận phụ nữ trong xã hội Việt Nam thời đó và ngay lập tức viết nên những giai điệu khiến bao thế hệ khán giả nghẹn ngào.
37 năm trôi qua, Phú Quang viết thêm hàng trăm tác phẩm, trở thành cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam. Nhưng, dù ở đâu, dù trong thời đại nào, nhạc của ông vẫn mang đầy trắc ẩn về những phận đời long đong. Đằng sau những khắc khoải cho Hà Nội, cho những cuộc tình dang dở, Phú Quang vẫn luôn dành một phần nhỏ nhưng sâu nặng cho những phụ nữ là vợ, là mẹ, là những người đàn bà đã trở thành một phần máu thịt. Trong đó, nổi tiếng nhất phải kể đến Thương lắm tóc dài ơi và Mùa thu giấu em mà rất nhiều người yêu thích.
|
Nhạc sĩ Phú Quang luôn trân trọng tình yêu, những tri kỷ của đời mình và đền đáp bằng âm nhạc |
Thương lắm tóc dài ơi, cánh chim chiều đã mỏi
Trong âm nhạc hay trong cuộc sống, Phú Quang luôn dành cho những người phụ nữ của mình thái độ yêu thương trân trọng. Cuộc đời Phú Quang trải qua ba cuộc hôn nhân nhưng sau mỗi nhân duyên, dù không hạnh phúc, ông luôn dành những điều tốt nhất còn lại cho người phụ nữ đã qua đời mình. Phú Quang là thế!
Ngay cả người vợ hiện tại - người vợ thứ ba đến với Phú Quang sau khi ông đã đi qua hai lần đổ vỡ, cũng chia sẻ chưa từng nghe Phú Quang nhắc đến những người cũ với thái độ không tốt. Ông cho rằng đời phụ nữ đã khổ, phải gắn bó với người chồng nghệ sĩ càng khổ gấp bội, nên ông không bao giờ sân si mà chỉ tìm cách bù đắp.
Như Phú Quang từng tếu táo giễu nhại chính mình: “Tôi không bao giờ trách móc vợ hay những người yêu. Họ luôn mong chờ ở người chồng một cái gì đó chỉn chu, đúng mực. Mà người sáng tác luôn ở trạng thái không bình thường nên nhiều khi có câu nói đùa: Lấy nghệ sĩ là lấy người dở hơi. Rất khó có người phụ nữ chấp nhận lấy chồng dở hơi”. Cho nên, những người tình, những người phụ nữ trong âm nhạc của ông luôn hiện lên với tất cả yêu thương trìu mến, sự sẻ chia sâu sắc vô ngần:
“Thương lắm, thương lắm tóc dài ơi
Một đời long đong, long đong
Thân cò lặn lội…”
Thương lắm tóc dài ơi được nhạc sĩ viết vào giai đoạn đã chia tay người vợ đầu. Khi đó, con gái lớn của ông (nghệ sĩ Trinh Hương) được mời sang Nga du học nhưng phải tự túc chi phí. Không lo được cho con, vợ cũ của ông gọi điện và khóc suốt một buổi. Sau đó, bà cũng đành bỏ tất cả để sang xứ người lo cho con gái ăn học.
|
Gia đình nhỏ của nhạc sĩ Phú Quang |
Phú Quang khi đó thương vợ thương con, thương phận người phụ nữ cả đời lặn lội hy sinh cho con mà viết nên giai điệu Thương lắm tóc dài ơi - những câu hát không chỉ vợ cũ của ông mà bất cứ người phụ nữ nào nghe cũng cảm thấy nghẹn lòng: “Yếm rách còn ngăn được gió, tình em dang dở, yếm nào che?”.
Thương lắm tóc dài ơi trở thành một trong những bài hát nổi tiếng nhất về thân phận phụ nữ, với phần lời được phỏng theo ý thơ của bản trường ca Tiếng hát quan họ của nhà thơ Hoàng Cầm nên mang màu sắc rất Việt Nam và nhanh chóng lan tỏa trong giới nghệ sĩ. Ca khúc được hàng loạt ca sĩ nổi tiếng thuộc nhiều thế hệ của Việt Nam (Ngọc Tân, Lê Dung, Quang Lý, Tấn Minh, Mỹ Linh, Trọng Tấn, Anh Thơ…) thu âm.
Phú Quang tự nhận mình đào hoa trong âm nhạc nhưng trong cuộc sống, ông là người chỉn chu và có trách nhiệm. Những cuộc chia ly của ông gần như đều nhẹ nhàng và yên ả. Sau này mọi người đều coi nhau là bạn và cùng nhau lo cho con cái. Hai cuộc hôn nhân tan vỡ ít nhiều mang đến cho ông những dằn vặt, xót xa; khiến ông dè dặt hơn và hoài nghi về cái gọi là tình yêu, hạnh phúc.
Thế nhưng, người phụ nữ thứ ba ấy đã đến, một phụ nữ Hà Nội hiền hòa cũng đã từng đi qua đổ vỡ. Sau quá nhiều sóng gió, vị nhạc sĩ phong trần và người phụ nữ bình dị ấy đã tìm thấy nhau: “Có phải mùa thu giấu em lâu đến thế/ Để cuối con đường anh kịp nhận ra em...”. Đó cũng là những khoảnh khắc ông hồi sinh trong tình yêu. Điều đó đã giúp nhạc sĩ viết nên những lời ca đầy lãng mạn như Mùa thu giấu em dành tặng riêng cho vợ. Ca khúc chỉ gồm tám câu thơ mà chất chứa đầy cảm xúc và nỗi niềm
yêu thương.
Dường như cho đến những giai đoạn sau cuối của cuộc đời, khi đã ở tuổi xế chiều, bên người phụ nữ đã cùng ông chia sẻ những đau đớn bệnh tật, ông mới cảm thấy mình đã tìm được bến đỗ cuối cùng: “Giờ Hà Nội cũng chính là nơi tôi dừng bước trong cuộc phiêu lưu tình ái bởi tôi đã tìm thấy “mùa thu” cho riêng mình" - nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ lúc sinh thời.
“Âm nhạc là để tôi trả ơn cho những gì tốt đẹp”
Một cuộc đời vắt qua hai thế kỷ, Phú Quang trải qua nhiều buồn vui, tan hợp của sự đời, giống như ông từng viết “hội ngộ và chia ly, cuộc đời vẫn thế…”. Tuy nhiên, không vì thế mà ông sống bất cần và bạt mạng. Hơn tất cả, Phú Quang đã sống và yêu một cuộc đời tử tế và đẹp đẽ, một cuộc đời dâng hiến mà không mảy may suy tính. Ông thương những người vợ và luôn sống trách nhiệm, chăm lo cho các con.
Như người vợ hiện tại - nàng thơ để vị nhạc sĩ nổi tiếng viết nên Mùa thu giấu em - từng chia sẻ về những năm tháng hạnh phúc bên người chồng nghệ sĩ: “Người đàn ông dung dị của tôi đã giữ thăng bằng giữa vai trò người nhạc sĩ nổi tiếng và người đàn ông đời thường: người chồng, người cha để cho tôi một bến đỗ bình yên đích thực...”.
Ở Phú Quang, người ta luôn thấy một cách sống và một hồn nhạc hào hoa tinh tế của một người trai Hà Nội, một sự nồng nàn đắm đuối trong tình yêu và một sự cảm thông sâu nặng cho những người đàn bà ông gặp trong đời - như những nốt nhạc cao vút trào lộng, kéo dài đến thăm thẳm, rồi chợt nghẹn lại và tưởng chừng muốn giữ mãi nốt im lặng bình yên cuối cùng.
Ông trân trọng tình yêu, những tri kỷ của đời mình và đền đáp bằng âm nhạc, như ông đã nói khi đang giai đoạn chống chọi với bệnh tật: “Âm nhạc là để tôi trả ơn cho những gì tốt đẹp và cả những nỗi buồn mà cuộc đời đã dành cho mình”. Ông quan niệm rằng nếu không có mẹ, không có giai nhân, không có tình yêu thì những người nhạc sĩ đã không có cảm hứng để cho ra đời những tình khúc bất hủ về phụ nữ.
Không chỉ dành sự trân quý cho vợ, cho mẹ của những đứa con mình, với những phụ nữ đã đi qua đời mình như một tri kỷ, Phú Quang cũng luôn dành cho họ một góc riêng trong tâm hồn; điều đó đi vào âm nhạc của ông, trở thành nhiều nhạc phẩm kinh điển như Im lặng đêm Hà Nội, Em ơi Hà Nội phố, Nỗi nhớ mùa đông, Khúc mùa thu… Song, đó là tình cảm của một điều đẹp đẽ đã lùi vào quá khứ. Phú Quang lãng mạn là thế nhưng ông cũng rất thức thời và trân trọng những gì mình đang có. Ông gần như chưa bao giờ để quá khứ ảnh hưởng tới hạnh phúc hiện tại.
Và sau tất cả, dù viết cho những câu chuyện riêng của mình nhưng những lời ca và giai điệu của Phú Quang đã trở thành liều thuốc tinh thần nâng đỡ tâm hồn rất nhiều thế hệ khán giả yêu nhạc Việt Nam, để nhiều người có thể tìm thấy sự đồng cảm trong âm nhạc của ông. Cùng với một lớp nhạc sĩ gạo cội như Nguyễn Cường, Trần Tiến, Phó Đức Phương, Phú Quang đã làm nên một thế hệ nghệ sĩ tài hoa và đầy xúc cảm trong dòng chảy của âm nhạc nước nhà.
Lan Anh