Phú Quang: Đắp tượng đài cho những người tình bằng âm nhạc

13/07/2013 - 05:12

PNO - PNCN - Phú Quang lúc nào cũng mặc đẹp, ngồi quán cà phê đẹp, xung quanh là những phụ nữ đẹp. Có nhà báo nói đùa, mỗi đêm nhạc Phú Quang hết mấy dãy ghế là tình cũ, vừa nghe nhạc vừa rút mùi-xoa chấm nước mắt (hẳn do đinh ninh...

Đàn ông kỹ lưỡng từ áo chemise ủi thẳng nếp, túi xách sang trọng (một cách kín đáo), đến chiếc bật lửa, cái bút… mang theo phải “đủ chuẩn” lịch lãm - hẳn phải là người yêu bản thân lắm. Thế nhưng trong các câu chuyện của Phú Quang, luôn có gì đó thật cay đắng, ẩn sau những hài hước, những cố tình diễu nhại chính mình và sự đời… 

Còn nhớ, vào trước buổi diễn đêm nhạc Phú Quang tại Nhà hát Hòa Bình TP.HCM (tháng 4/2011), nhạc sĩ phải đi cấp cứu. Những người vào thăm kể, tình trạng sức khỏe của ông thê thảm lắm. Trước đó, ông vẫn bị bạn bè tếu táo gọi là “chủ tịch hội tiểu đường VN” (Phú Quang chung sống với bệnh đái tháo đường suốt 20 năm nay, lại hay khoe “có một đống u cục trong người”) - nên những người yêu mến ông không khỏi lo lắng. May mọi chuyện lại ổn. Lần này gặp lại, thấy Phú Quang tóc (nhuộm) đen nhánh, da dẻ hồng hào, phục sức thời trang, trẻ trung hơn rất nhiều so tuổi thật. Câu chuyện với ông bắt đầu bằng chủ đề sức khỏe và chợt nhận ra lý do Phú Quang vượt qua được những lần bạo bệnh có vẻ như không phải nhờ yoga như ông nói; mà hình như nhờ chính “màu” thanh xuân trong tinh thần và cách sống của ông.

Phu Quang: Dap tuong dai cho nhung nguoi tinh bang am nhac

Cuộc đời bị thử thách đến tận cùng 

* Quá nhiều lần bệnh tật, ông có còn bị sốc khi nghe những chẩn đoán xấu của bác sĩ về sức khỏe của mình?

- Ngày xưa bác sĩ từng bảo, giỏi lắm cậu sống được tới 30 tuổi. Hồi trẻ, tôi đã ốm đau quặt quẹo: gai đôi cột sống, thần kinh tọa, áp huyết cao 180/140… đến nỗi cứ đến trưa là đầu tôi như bốc khói, mạch đập rần rật muốn nổ tung. Tôi luôn đau đớn đến mức mỗi bước chân là một giọt nước mắt phải bật ra. Lần đầu đối diện với cảm giác sinh tử là năm 23 tuổi, tôi bị một khối u ở lưng có chín cái “chân” đã ăn lan vào gần phổi. Phẫu thuật xong, một đoàn bác sĩ của Pháp thăm khám, tôi nghe họ trao đổi riêng với nhau “khổ thân, bệnh nhân trẻ này bị ung thư”. Sau đó, tôi sống trong tâm trạng của người chờ tuyên án tử chính thức. Trong 15 ngày hậu phẫu, chứng kiến sự qua đời của những bệnh nhân cạnh giường mình - cảm giác ở ngưỡng cửa cái chết thật khủng khiếp. May là đến lần xét nghiệm thứ ba, có kết quả là không phải u ác tính. Sau cú sốc năm 23 tuổi, những tin dữ về bệnh tật sau này không làm tôi chấn động như thế nữa. Ngay cả chuyện đời sống cũng vậy, khi bạn đã phải trải qua một chuyện khủng khiếp quá ngưỡng rồi, những tai nạn đều là bình thường, bạn có thể thản nhiên và bình tĩnh đối diện. Cách đây hơn 10 năm, bác sĩ cũng ba lần báo tôi bị ung thư tuyến giáp, chẳng biết có thật hay không nhưng đến giờ tôi vẫn ổn. Người Hà Nội có câu rất hay: “Những thằng hay ăn hay chơi, sống 30 tuổi bằng người 100” - thì tính ra, tôi đã sống quá dài ấy chứ…

* Ông luôn có phong thái như một đại gia nhàn tản, ngoài 60 tuổi vẫn là một trong những nhạc sĩ đắt show nhất, vợ mới thì trẻ đẹp, con cái là nghệ sĩ tài danh… Ông trời đã bù đắp cho sự thiệt thòi về sức khỏe để tặng Phú Quang một đời sống có thể gọi là nhung lụa đó thôi…

- Nhung lụa là cái bề mặt mọi người vẫn thấy, còn phía sau nó là biết bao vết sẹo của sự hồ nghi, tổn thương và vùi dập mà suốt thời trai trẻ tôi đã phải trải qua. Nhìn lại, tôi thấy cả cuộc đời mình đều bị thử thách đến tận cùng. Tôi có câu hát “Một đời đam mê, một đời giông tố”, nó như vận vào mình. Vì thế, âm nhạc là để tôi trả ơn cho những gì tốt đẹp và cả những nỗi buồn mà cuộc đời đã dành cho mình.

* Để vượt qua được “những vết sẹo” của đời sống như ông nói, hẳn phải có một phương cách?

- Để sống được đơn giản, mình là chính mình, khó khăn lắm. Tôi phải tự nhắc mình nhìn cuộc đời bằng cách nhìn của A.Q, để dễ sống. Khi gặp cay đắng quá, tôi thường tự nhủ “Trời có mắt, không phụ ai có lòng”. Hình như bây giờ ông trời ấy nôn nóng khẩn trương hơn? Luật nhân quả không chờ cho tới kiếp sau đâu bạn, vay kiếp này - trả luôn kiếp này đấy! Mình cứ sống cho phải với chính cái tâm của mình.

Phu Quang: Dap tuong dai cho nhung nguoi tinh bang am nhac

 Tôi rất dễ tổn thương 

* Cái tôi cốt lõi của Phú Quang có gì gần với hình ảnh người đàn ông bảnh bao, phụ nữ đẹp vây quanh, dùng đôi mắt A.Q để nhìn cuộc đời?

- Có vẻ như tôi được cuộc đời cho nhiều. Nhưng, cái giá Phú Quang thật sự phải trả lại luôn đắt hơn người khác. Thực tế tôi rất dễ tổn thương, nhưng tự thấy việc chảy nước mắt hay nhận lòng thương hại của người khác là việc đáng xấu hổ nên đã luôn phải tìm cách giấu con người thật của mình, diễn vai vui vẻ và giễu cợt. Tôi không được yên tĩnh lắm, nhưng bộ mặt nhăn nhó hay buồn bã thì hầu như không ai có thể thấy. Bạn sẽ luôn gặp tôi với diện mạo bảnh bao và hài lòng.

* Cái vai diễn vui vẻ và hài lòng ấy hẳn đã làm yên tâm nhiều người và biết đâu cũng là cách ám thị để bản thân sống dễ hơn? Bạn bè ông vẫn bảo, Phú Quang tỉnh táo lắm, ông ta chẳng dại gì mà điên dở kiểu “nghệ khùng” đâu…

- Điên dở có khi chỉ là cái vỏ để dọa ma, nó không quyết định năng lực sáng tạo của người nghệ sĩ. Cái tỉnh táo nhất của tôi là điều gì đã đổ vỡ, thì không loay hoay tìm cách cứu vãn hay lấy lại, tôi sẽ dùng phương pháp A.Q để khỏi vật vã: mình không có điều đó trong đời, mất công tiếc làm gì!

Phu Quang: Dap tuong dai cho nhung nguoi tinh bang am nhac

* Nhưng nếu đổ vỡ lại liên quan đến biến cố cuộc đời của những người khác, thì sự tỉnh táo ấy có khi lại là lạnh lùng nhẫn tâm?

- Có phải bạn muốn ám chỉ đến chuyện tan vỡ hôn nhân của tôi và biến cố lên những đứa con? Có những chuyện thuộc về số phận thì ta dù cố gắng cũng không thể cứu vãn. Tôi đã hết sức thận trọng trước khi sự đổ vỡ xảy ra, còn đến lúc khóc lóc cũng không đem điều gì trở lại được, thì ích gì nếu ta tự mình day dứt? Tôi không quan niệm, phải duy trì cuộc hôn nhân duy nhất trong đời mới là người tử tế. Điều đó trong nhiều trường hợp là áp đặt khiên cưỡng và đày đọa. Với tôi, quan trọng là các con đều trưởng thành lành mạnh, chúng yêu thương và coi bố như người bạn lớn. Và, tôi có thể đàng hoàng gặp tất cả những vợ cũ, tình cũ như bạn bè.

* Một người đàn ông trải nghiệm nhiều cuộc hôn nhân, thì sướng hay khổ?

- Nếu anh ta định có nhiều vợ thì cũng nên lần lượt, chứ đồng thời thì đương nhiên khổ rồi (cười to).

* Những người đàn bà để lại trầm tích sâu sắc trong đời ông, có dễ quên họ được không? 

- Tôi đã đắp tượng đài cho những người tình bằng âm nhạc. Theo bạn có thể quên được không?

* Phú Quang không có chuyện tình ái với các ca sĩ (hoặc có mà chưa bị lộ), vì sao nhỉ?

- Khi làm việc với một ca sĩ, nghĩa là phải “bóc” tâm hồn của họ đến tận cùng. Mà tình yêu thì luôn cần những khoảng mờ tối và bí ẩn. Nếu rõ ràng quá như thế, tôi không còn rung động để yêu được.

Phu Quang: Dap tuong dai cho nhung nguoi tinh bang am nhac

Không còn thời gian để oán ghét

* Ông bán vé các liveshow của mình thật giỏi, người ghét Phú Quang cũng phải công nhận điều ấy…

- Cũng có không ít nhà sản xuất hỏi tôi “vì sao ông tổ chức bán vé siêu thế?”. Câu hỏi đã cho thấy sự thất bại của họ, bởi băn khoăn gốc rễ phải là “làm thế nào để khán giả xúc động và muốn gặp lại?” thì họ lại không nghĩ đến. Tôi tự hào, vé các đêm nhạc của tôi có thể bị chê đắt, nhưng chương trình Phú Quang thì không có người bỏ về giữa chừng. Người ta cứ nói vì ông Phú Quang quan hệ giỏi, nhiều người nể nang ủng hộ mua vé. Cứ cho là đúng như thế, thì tôi cũng chỉ bán được một lần thôi, hoặc nể quá họ thà cho tiền để khỏi đi xem cho phí thời gian. Làm sao có thể bịp được khán giả suốt hơn 20 năm nếu tôi không hết lòng trân trọng khán giả? Tôi quan niệm trân trọng khán giả nghĩa là mình phải làm tử tế hết khả năng, từ âm nhạc của mình, những yếu tố sân khấu, cho đến tấm vé người ta cầm trên tay…

* Bài hát Điều giản dị của ông có cái tứ rất thú vị: càng xa thì càng yêu. Ông nhận ra điều này từ chia cách nào?

- Tôi viết bài này không chỉ qua chiêm nghiệm về tình yêu trai gái như người ta vẫn nghĩ, mà còn về những điều tha thiết trong cuộc sống. Sẽ có nhiều lúc trong đời mỗi người, đến khi mất mát hay cách xa mới biết là đáng quý. Trường hợp cá nhân tôi thì “càng xa em, ta càng thấy yêu em” là cảm xúc với “người tình” Hà Nội. Chính vì thế, cuối cùng tôi phải trở về, bởi Hà Nội là cội rễ tâm hồn của tôi.

* Trong chuyện tình yêu, ông có phải trải qua mất mát nào mới nhận ra là mình tha thiết?

- Cái gì quý giá, tôi đều tự biết để ý thức giữ gìn. Nhưng tôi không có cái vĩ đại là chết vì mối tình không đạt đến. Nói thật, tôi chẳng mất công đau khổ để yêu những người không yêu mình. Nếu mình không xứng đáng được người ta yêu thì họ cũng không xứng đáng với tình yêu của mình. Ở đây, trường hợp nào thì cũng đủ lý do để không cần tồn tại tình yêu ấy.

* Không còn ở tuổi có thể phung phí năm tháng, ông dành ưu tiên cho điều gì?

- Đã đến tuổi phải bình thản trước mọi điều, tôi vẫn tiếc và lúc nào cũng thấy mình thiếu thốn thời gian. Bây giờ, tôi không còn thời gian và tâm trạng để nghĩ đến kẻ xấu và những chuyện oán ghét nữa. Tôi nhận ra rằng, sống ở đời phải biết, chứ không phải là sống khôn hay sống dại.

* Ông đã từng cho ai đó niềm tin không?

- Có! Tôi đã cho bằng âm nhạc. Tôi nhớ mãi câu chuyện của một bệnh nhân suy thận, cô ấy định tự tử để chấm dứt cuộc sống không lối thoát. Tôi đã tặng cô ấy những album của mình, cô gái nhỏ khóc, nói rằng: “Âm nhạc của chú đã tái sinh cháu, cho cháu biết là không được đầu hàng số phận”. Bạn tin không, cảm giác khi biết âm nhạc của mình đã cứu vớt được cho một ai đó, đấy chính là hạnh phúc!

* Cảm ơn nhạc sĩ Phú Quang về cuộc chuyện trò này. 

Quỳnh Lam (thực hiện)

Từ khóa Phú Quang
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI