“Lỗ trăm tỉ” hô biến thành lãi?
Theo cáo trạng, sau khi Thủ tướng chấp thuận đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về việc chuyển giao quyền thu phí trên cao tốc TPHCM - Trung Lương, ông Đinh La Thăng - cựu Bộ trưởng Bộ GTVT - đã gọi điện thoại cho Dương Tuấn Minh (Tổng giám đốc Công ty Cửu Long, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT được giao tiếp nhận bàn giao Đề án chuyển giao quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương) để giới thiệu Đinh Ngọc Hệ.
Cựu Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị ông Minh cho Công ty Yên Khánh của Út "trọc" được tham gia đấu giá quyền thu phí cao tốc.
|
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ tại tòa sáng 15/12 |
Sau đó, Hệ cùng bị cáo Phạm Văn Diệt - Tổng giám đốc điều hành Công ty tập đoàn Đức Bình - liên hệ và tiếp cận đề án bán quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương. Đinh Ngọc Hệ biết rõ điều kiện để tham gia mua đấu giá là doanh nghiệp phải có nguồn tài chính bảo đảm cho việc thanh toán vốn đúng hạn khi trúng thầu. Cụ thể, theo quy chế bán đấu giá do Bộ GTVT ban hành, doanh nghiệp tham gia mua đấu giá phải có hạch toán độc lập; tình hình tài chính lành mạnh: kinh doanh 2 năm liên tiếp không lỗ.
Để tham gia mua quyền thu phí, Út “trọc” đã sử dụng 2 pháp nhân: Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An do mình thành lập và chỉ đạo hoạt động để đăng ký mua quyền thu phí.
Thực tế hai công ty trên không có năng lực tài chính và kinh doanh thua lỗ. Báo cáo tài chính của Công ty Yên Khánh tại Chi cục thuế quận 1 (TPHCM) thể hiện: năm 2011 lỗ hơn 262 triệu đồng; năm 2012 lỗ 2,44 tỉ đồng. Công ty Khánh An lỗ 69 triệu đồng (năm 2011), lãi 168 triệu đồng (năm 2012).
Để “làm đẹp” báo cáo tài chính, Hệ chỉ đạo bị cáo Tô Phước Hùng (sinh năm 1970, Kế toán trưởng) sửa chữa số liệu báo cáo tài chính từ lỗ thành lãi hơn 68 tỷ và 73 tỷ đồng; giao bị cáo Phạm Tấn Hoàng (sinh năm 1985, Phó phòng kế toán Công ty Yên Khánh) sửa chữa số liệu báo cáo tài chính của Công ty Khánh An để bị cáo Vũ Thị Hoan (cháu ruột Hệ, cựu giám đốc Công ty Yên Khánh) và Lê Thị Thảo (kế toán Công ty xăng dầu Thái Sơn, Giám đốc Công ty Khánh An) ký tên, đóng dấu. Sau đó hồ sơ đem tới UBND phường 2, quận 4 (TPHCM) sao y chứng thực.
Tiếp đó, Hệ sai nhân viên nộp hồ sơ tham gia đấu giá gồm 2 báo cáo tài chính (đã sửa) và 2 báo cáo kiểm toán giả để nộp hồ sơ đăng ký tham gia mua đấu giá với Tổng công ty Cửu Long.
Đem hợp đồng thế chấp ngân hàng, chây ì trả nợ
Theo cáo trạng, sau khi trúng quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương trong 5 năm (từ 0g ngày 1/1/2014 kết thúc lúc 0g ngày 1/1/2019) với giá 2.004 tỉ đồng, để có nguồn tiền thanh toán, Út “trọc” tiếp tục chỉ đạo Vũ Thị Hoan ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô vay số tiền 1.703 tỉ đồng, thế chấp bằng chính hợp đồng mua quyền thu phí cao tốc và một tài sản của bên thứ 3 là quyền sử dụng thửa đất 3.531m2.
Số tiền còn thiếu, Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo Phạm Văn Diệt, Tô Phước Hùng (là Phó tổng giám đốc và Kế toán trưởng Công ty Yên Khánh) lấy từ chính nguồn thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương để trả cho Tổng công ty Cửu Long.
Như vậy, cơ quan chức năng nhận định, toàn bộ số tiền thanh toán quyền thu phí cao tốc, Công ty Yên Khánh của Út “trọc” đều lấy từ nguồn vốn vay và từ chính tiền thu phí cao tốc này đã thể hiện, đơn vị này không đủ năng lực thanh toán.
Không chỉ có vậy, thời hạn quyền thu phí theo hợp đồng mua bán quyền đã ký, Công ty Yên Khánh cũng liên tục vi phạm hợp đồng, chây ì việc thanh toán.
Cụ thể, theo hợp đồng đã ký, số tiền trúng quyền thu phí 2.004 tỉ đồng, Công ty Yên Khánh phải thanh toán 3 đợt trong vòng 10 tháng. Đợt 1 nộp 801 tỉ đồng (40% trị giá hợp đồng) ngay sau khi hợp đồng có hiệu lực (ngày 30/12/2013); đợt 2 nộp 601 tỉ đồng (30% giá trị hợp đồng) vào ngày 30/6/2014 và đợt cuối cùng nộp 601 tỉ đồng vào ngày 30/10/2014.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng xác định, ngay từ lần đầu nộp tiền, Công ty Yên Khánh đã thực hiện không đúng quy định và tiếp tục vi phạm thời hạn thanh toán trong các lần tiếp theo, phải qua 15 lần nộp, đến ngày 31/3/2017 (sau 3 năm 6 tháng), Công ty Yên Khánh mới thanh toán đủ số tiền theo hợp đồng mua bán quyền thu phí đã ký.
Trách nhiệm của ông Đinh La Thăng và đồng phạm?
Theo kết luận cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, dự án cao tốc TPHCM - Trung Lương được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước. Do vậy, việc bán quyền thu phí là bán tài sản nhà nước và số tiền thu được từ việc bán quyền thu phí là tài sản của nhà nước.
Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao là đơn vị chủ trì xây dựng đề án, thực hiện việc chuyển giao quyền thu phí để hoàn trả ngân sách nhà nước. Khi triển khai, bị can Đinh La Thăng, với chức vụ Bộ trưởng, xuất phát từ động cơ cá nhân, thông qua mối quan hệ quen biết từ trước nên đã gọi điện thoại trực tiếp cho bị can Dương Tuấn Minh, là Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long để giới thiệu, đưa Đinh Ngọc Hệ vào tiếp cận đề án, sau đó tạo điều kiện cho công ty của Hệ trúng đấu giá quyền thu phí đường cao tốc.
Sau khi trúng giá, Đinh Ngọc Hệ đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền Nhà nước (số tiền hơn 725 tỉ đồng, từ việc sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống quản lý thu phí - PV).
|
Bị cáo Đinh La Thăng tại tòa |
Các bị cáo Nguyễn Hồng Trường - cựu Thứ trưởng Bộ GTVT, Dương Tuấn Minh, Dương Thị Trâm Anh, Nguyễn Chí Thành, Lê Trung Cường, Nguyễn Thu Trang và các cán bộ dưới quyền của Đinh La Thăng, do biết mối quan hệ giữa Đinh La Thăng và Đinh Ngọc Hệ, nên khi được giao nhiệm vụ triển khai đề án chuyển giao quyền thu phí, tùy vị trí công tác đã làm trái các quy định về đấu giá tài sản cụ thể:
Quyết định cho đơn vị trúng thầu thanh toán 3 lần trái quy định; xây dựng giá khởi điểm, quyết định phê duyệt giá khởi điểm để bán đấu giá không thành lập hội đồng định giá tài sản; không kiểm tra năng lực tài chính thực tế của Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An, mặc dù hai công ty này thua lỗ, không đủ năng lực tài chính và các điều kiện theo quy định nhưng vẫn được công nhận đủ điều kiện tham gia đấu giá.
Tổ chức bán đấu giá, quyết định phê duyệt kết quả bán đấu giá quyền thu phí là tài sản nhà nước trái quy định; khi Công ty Yên Khánh vi phạm nghĩa vụ thanh toán đã không ra quyết định đình chỉ quyền thu phí, chấm dứt trước thời hạn…
Kết quả các hành vi trên đã tạo điều kiện để Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm gây thất thoát số tiền hơn 725 tỉ đồng của Nhà nước.
Các bị cáo khai gì tại tòa?
Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Vũ Thị Hoan (cháu của Út "trọc", nguyên Giám đốc Công ty Yên Khánh), bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm giúp sức cho Đinh Ngọc Hệ chiếm đoạt tiền thu phí tại đường cao tốc TPHCM - Trung Lương.
Cụ thể, bị cáo đã có hành vi ký đơn tham gia đấu giá, ký làm giả báo cáo tài chính của Công ty Yên Khánh từ lỗ thành lãi để công ty này tham gia đấu giá mua quyền thu phí.
Bị cáo còn ủy quyền cho Phạm Văn Diệt thay mặt tham gia buổi đấu giá, ký văn bản chấp thuận mua quyền thu phí, ký hợp đồng mua bán quyền thu phí, ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô vay 1.703 tỉ đồng để thanh toán mua quyền thu phí, ký vào 7 công văn gửi Tổng công ty Cửu Long (thuộc Bộ GTVT), tham gia tiêu hủy hồ sơ, chứng từ kế toán và để hợp thức hóa nguồn tiền thu phí, ký khống 17 phiếu chi...
Tại phiên xét xử chiều 14/12, bị cáo Vũ Thị Hoan khai mình là Giám đốc Công ty Yên Khánh trên danh nghĩa, thực tế không góp vốn, không tham gia điều hành hoạt động của công ty.
Tại tòa, bị cáo khai, với các hồ sơ để đăng ký mua quyền thu phí, bị cáo có ký nháy của Phạm Văn Diệt hay Tô Phước Hùng (Kế toán trưởng Công ty Yên Khánh), bị cáo sẽ ký thay công ty.
Trong phiên xử sáng 15/12, bị cáo Phạm Văn Diệt (hầu tòa với tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản") khai nhận bị cáo làm mọi việc theo chỉ đạo từ bị cáo Hệ. Bị cáo này khai Công ty Yên Khánh do bị cáo Vũ Thị Hoan đứng tên trên giấy tờ. Bị cáo Hoan là người ký tất cả giấy tờ quan trọng.
Bên cạnh đó, bị cáo thừa nhận bản thân trực tiếp tham gia đấu giá và tham gia ký hợp đồng bán quyền thu phí. "Nhưng mọi việc đó do bị cáo Hệ sắp đặt từ trước, bị cáo chỉ ký tên" - bị cáo Diệt nói.
|
Hoài An - Hiếu Nguyễn