Phụ nữ Zimbabwe lần đầu biết đến 'sức khỏe sinh sản'

12/05/2015 - 10:59

PNO - PN - Khi Nyarai Nyirenda, 25 tuổi, tham gia một tổ chức phụ nữ tại làng mình, cô không hề biết rằng quyết định đó đã giúp cuộc đời cô sang một trang mới. Lớn lên tại Gaza, một khu vực nông thôn xa xôi và nghèo đói ở Zimbabwe, Nyirenda...

edf40wrjww2tblPage:Content

Phu nu Zimbabwe lan dau biet den 'suc khoe sinh san'

Cô Nyarai Nyirenda - Ảnh: The Zimbabwean

Sau đó, Nyirenda tham gia Dự án nâng cao sức khỏe sinh sản cho phụ nữ nông thôn, một dự án được tổ chức hỗ trợ các gia đình bệnh nhân AIDS (FAST) khởi xướng tại địa phương. Dự án do USAID tài trợ, ra đời năm 2011, nhắm đến việc vận động nữ thanh niên ở nông thôn trở thành tuyên truyền viên cho vấn đề sức khỏe tình dục và sinh sản. Đến nay, Nyirenda đã trở thành một trong 50 “thủ lĩnh trẻ” được đào tạo các kỹ năng tuyên truyền về sức khỏe sinh sản và những vấn đề liên quan đến cuộc sống hàng ngày của phụ nữ nông thôn.

Nhóm của Nyirenda huấn luyện cho những nhóm ở các làng khác, giúp phụ nữ mạnh dạn thể hiện chính kiến, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và trở thành những nhà lãnh đạo trong cộng đồng.

Phu nu Zimbabwe lan dau biet den 'suc khoe sinh san'

Phụ nữ Zimbabwe - ẢNH: ALL AFRICA

Nữ thành viên Jennifer Kuture cho biết, tại Zimbabwe, phụ nữ hầu hết đều lập gia đình và có con sớm. Cô nói: “Tỷ lệ các bà mẹ tử vong khi sinh tại đây rất cao, tỷ lệ nhiễm HIV cũng cao. Không hề được giáo dục về việc lây nhiễm và điều trị HIV, nên nhiều chị em phải sống trong nhục nhã và kỳ thị. Do đó chúng tôi giúp các phụ nữ trẻ nhận ra rằng họ chính là người có trách nhiệm trong việc bảo vệ và ngăn ngừa nguy cơ này”.

Một số phụ nữ được học hỏi từ chương trình cho biết, dự án của FAST giúp họ hiểu biết về sức khỏe sinh sản và tình dục, cũng như cho họ có thêm niềm tin vào những quyền chính đáng của mình. Giống như các phụ nữ khác ở Zimbabwe, Nyirenda từng nghĩ rằng cô không có quyền lên tiếng về cuộc sống của mình. “Chúng tôi được dạy theo truyền thống rằng, mình phải làm tất cả những gì người đàn ông yêu cầu vì anh ta là người chủ gia đình. Chúng tôi phải làm việc nhà, việc đồng áng, phải sinh con, phục vụ nhu cầu sinh lý của chồng mỗi khi anh ta muốn. Nhưng, dự án này đã thay đổi cuộc đời tôi. Bây giờ, tôi hiểu rằng, phụ nữ cũng có quyền nói không với những điều mình không muốn’’, Nyirenda chia sẻ.

Một phụ nữ giấu tên nói, giờ cô mới biết HIV lây truyền bằng những con đường nào. Cô từng bị ép lấy chồng khi tuổi còn quá trẻ. Vì người chồng đã trả một khoản tiền để cưới, nên cô cảm thấy có trách nhiệm phải phục vụ mọi nhu cầu của chồng, mà không hề lên tiếng về tổn thương của chính mình cũng như nhu cầu cần được bảo vệ. Sau khi tham gia chương trình, cô đã làm xét nghiệm và phát hiện mình bị nhiễm HIV.

Phu nu Zimbabwe lan dau biet den 'suc khoe sinh san'

Phụ nữ Zimbabwe - Ảnh: All Africa

Angeline Parisai, cũng là một phụ nữ có HIV cho biết, cô và hầu hết những người khác trong cộng đồng hiểu rõ nỗi đau khổ mà người có HIV phải gánh chịu. Cô nói: “Trước đây tôi cũng phân biệt đối xử với những người có HIV. Tôi không muốn lắng nghe, tiếp xúc với họ. Nhưng bây giờ, với những điều được học và trải nghiệm của riêng mình, tôi cảm thấy yêu thương và bắt đầu biết chăm sóc người bệnh”.

Những phụ nữ nông thôn Zimbabwe đã phá vỡ sự im lặng đối với một vấn đề nghiêm trọng nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Nhờ sự hậu thuẫn của cộng đồng, họ sát cánh bên nhau để nâng cao sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở những vùng nông thôn lạc hậu còn lại.

Zimbabwe là một quốc gia nghèo với dân số hơn 13 triệu người nằm ở phía Nam châu Phi, thu nhập bình quân theo đầu người dưới mức 600 USD/năm. Tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV ở Zimbabwe vào loại cao nhất thế giới, đạt xấp xỉ một phần tư.

DƯƠNG BÍCH LIÊN
(Theo The Zimbabwean, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI