Phụ nữ, xin đừng an phận

08/07/2018 - 10:25

PNO - Lẽ ra chị phải làm việc để chia sẻ gánh nặng với chồng, phòng hờ sự cố bất thường, mà tiền bạc có bao giờ thừa với một gia đình có hoàn cảnh khó khăn như anh chị...

Anh bị tai nạn giao thông ở Phú Yên. Nhận tin, vợ con anh từ Sài Gòn tức tốc đón xe đò đi trong đêm. Chưa đến nơi, đã nghe tin anh chết.

Ba mẹ con như hóa đá khi nhận thi thể người thân. Người chồng, người cha hết mực vì vợ con, ra đi không một lời trăn trối, khiến chị sốc đến độ chẳng quyết định được điều gì. Việc thuê xe chở thi thể anh về lại thành phố, việc ma chay, cúng kiếng, tất cả nhờ người thân hai bên đứng ra lo giúp.

Chị gượng dậy ngay sau cái chết của chồng, vì bây giờ chị phải thay anh làm trụ cột. Anh từng là nhân viên hành chính, còn làm thêm ngoài giờ, thu nhập mỗi tháng chừng bảy, tám triệu đồng. Chị ở nhà may gia công. Công việc không ổn định, hàng lúc có lúc không, nên tất cả trông cậy vào anh.

Phu nu, xin dung an phan
Chị gượng dậy ngay sau cái chết của chồng. Hình minh họa

Anh mất đi, cảm giác chông chênh, lo lắng bám lấy chị. Bạn bè giúp chị tìm việc. Rảnh, chị nhận hàng gia công làm thêm, kêu gọi các con giúp sức, kêu gọi chi tiêu tiết kiệm. Rồi cuộc sống dần ổn định.

Lúc bấy giờ chị mới thôi định kiến về quỹ thời gian eo của vợ chồng Hạnh. Trong những cuộc gặp gỡ bạn bè, vợ chồng Hạnh bao giờ cũng đến trễ, nên hay bị  bạn bè ghẹo “lo làm giàu dữ”, Hạnh luôn bảo “còn trẻ phải cày, mai mốt già rồi, muốn làm cũng không còn sức”. Ngày ấy, chị không bỏ ngoài tai những gì Hạnh nói, nhưng lại nghe theo lời chồng. Chồng chị muốn nhà cửa tươm tất, con cái được mẹ tận tay chăm chút, rằng đàn ông phải gánh việc nặng nhọc.

Hơn mười năm ở nhà chăm con, làm… gánh nặng cho chồng (bây giờ chị lại nghĩ như thế), chị tự trách mình lẽ ra phải biết lo xa hơn chút nữa. Chẳng hạn, khi việc may gia công không hiệu quả, chị phải chuyển việc khác.

Bởi ngoài giờ đưa rước con cái, dọn dẹp nhà cửa, quỹ thời gian của chị vẫn còn nhiều. Lẽ ra chị phải làm việc để chia sẻ gánh nặng với chồng, phòng hờ sự cố bất thường, mà tiền bạc có bao giờ thừa với một gia đình có hoàn cảnh khó khăn như anh chị.

Quan niệm đàn ông ra ngoài kiếm tiền, đàn bà vào bếp, chăm con, dù xưa như trái đất nhưng không ít bạn bè chị áp dụng. Như câu chuyện của Thảo.

Tốt nghiệp đại học, ra trường làm việc nhiều năm, khi kinh tế ổn định, cũng là lúc các con bước vào tuổi cập kê. Điều quan trọng đối với vợ chồng Thảo lúc này không phải chuyện kinh tế, mà vấn đề con cái được đặt lên hàng đầu. Thảo chấp nhận “hy sinh” làm “hậu phương” một cách đầy cân nhắc, vì sự phát triển của các con, vì hạnh phúc gia đình.

Phu nu, xin dung an phan
Phụ nữ biết đấu tranh vì bản thân, vì những người mình yêu thương. Hình minh họa

Từ câu chuyện của hai người bạn, chị nhận thấy: Hạnh đấu tranh để được đi làm, được chia sẻ gánh nặng kinh tế với chồng. Thảo đấu tranh với bản thân khi quyết định ở nhà nội trợ, chăm con. Kết quả: người được đi làm, người thì ở nhà. Cả hai đều thỏa ước nguyện.

Còn chị, xưa nay chị không nghĩ đến chuyện đấu tranh với chồng, vì chị muốn an phận, từng nghe theo chồng mà không suy nghĩ trước sau.

Bây giờ, con gái chị đã trưởng thành, đến tuổi lập gia đình. Trước ngưỡng cửa hôn nhân, chị muốn chia sẻ để con gái hiểu rằng: phụ nữ đừng an phận, phải biết đấu tranh vì bản thân, vì những người mình yêu thương, vì trách nhiệm và nghĩa vụ gia đình, không để bị động trong bất kỳ tình huồng nào.   

Tất nhiên, không phải đấu tranh để dành phần thắng, hay phần đúng sai.

                                                                                              Bình Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI