Phụ nữ vùng đầm phá khấm khá nhờ trồng rừng

11/04/2023 - 05:41

PNO - Từ việc chỉ biết bắt cá, tôm để đổi lấy miếng cơm, manh áo hằng ngày, nay chị em ở vùng phá Tam Giang đã biết trồng rừng, làm du lịch, tạo sinh kế bền vững trên chính quê mình.

 

Chị Lường Thị Hiền (áo tím, bìa phải) làm hướng dẫn viên du lịch, đưa du khách tham quan phá Tam Giang
Chị Lường Thị Hiền (áo tím, bìa phải) làm hướng dẫn viên du lịch, đưa du khách tham quan phá Tam Giang

Bảo vệ môi trường, tăng nguồn lợi thủy sản

Dẫn tôi tham quan cánh rừng ven phá Tam Giang thuộc thôn Vĩnh Trị, xã Hải Dương, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, chị Hoàng Thị Thê - hội viên Hội LHPN xã Hải Dương - vui vẻ kể, ban đầu, khi chi hội phụ nữ thôn bắt tay vào dự án trồng rừng ngập mặn, các ông chồng không mấy ủng hộ, bởi cho rằng “phụ nữ thì biết gì mà bày đặt trồng rừng chống biến đổi khí hậu”. Nhưng rồi, khi những khoảng rừng ven phá phát triển, thấy được hiệu quả của nó, các ông cũng tích cực tham gia trồng rừng. 

“Lúc đầu, mọi người không biết trồng cây bần chua sao cho sống được, sống đều. Nhờ cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (CSRD - tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở TP Huế) nhiều lần tập huấn, hỗ trợ giống, nay chị em đã trồng thành thạo. Rừng đã phủ xanh vùng ngập mặn ven phá. Mọi người ai cũng vui vì cây sống, phát triển nhanh, giúp thủy sản dưới tán rừng có môi trường sinh sôi, phát triển” - chị Thê hào hứng.

Đến nay, ở xã Hải Dương có hơn 100 hội viên phụ nữ tham gia trồng rừng theo dự án “Nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng và hệ sinh thái ven biển miền Trung Việt Nam” của CSRD. Trong hơn 3 năm, phụ nữ xã này đã trồng được gần 4ha rừng bần chua ở vùng ven phá Tam Giang thuộc xã Hải Dương. 

Không chỉ hỗ trợ phụ nữ 32 xã nằm ven phá Tam Giang trồng rừng ngập mặn, CSRD còn chú trọng thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động như ươm cây, trồng cây, truyền thông, chia sẻ kinh nghiệm mưu sinh. Vườn ươm các loài cây rừng ngập mặn giúp chị em có thu nhập, đồng thời bảo đảm cung ứng cây con cho việc mở rộng diện tích rừng ngập mặn hiện có. Chị em đã ươm được tổng cộng khoảng 28.000 cây giống, trong đó có 7.000 cây đước đôi, 21.000 cây bần chua. 

Đặc biệt, dự án trồng rừng ven phá Tam Giang còn giúp chị em thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường. Những cánh rừng như những tấm khiên chắn sóng, chắn gió trong mỗi mùa mưa bão. Ngoài ươm, trồng, phụ nữ còn tận tình chăm sóc, tích cực bảo vệ rừng, ngăn kẻ xấu chặt phá.

Khấm khá nhờ làm du lịch  

Ngoài trồng rừng làm tăng nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường, với giúp đỡ của CSRD, các hội viên phụ nữ vùng phá Tam Giang thuộc huyện Quảng Điền còn tận dụng lợi thế của rừng trồng để phát triển du lịch cộng đồng. Chị Lường Thị Hiền là một ví dụ. 

Du khách tham quan chợ nổi ở thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền
Du khách tham quan chợ nổi ở thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền

Quê chị Hiền ở tận vùng núi Thanh Hóa. Chị theo học ngành du lịch và làm việc ở TP Đà Nẵng, quen và nên vợ chồng với chàng trai ở thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Điền. Do việc làm ăn ở TP Đà nẵng khó khăn, vợ chồng chị khăn gói về thôn Ngư Mỹ Thạnh, cùng chị em trồng rừng ven phá và mưu sinh bằng nghề đặt lừ (lờ) trên phá Tam Giang. Khi cây phát triển thành rừng, chị cùng người dân làm quen với mô hình du lịch cộng đồng. 

Nhờ vào 3.500ha mặt nước đầm phá và gần 50ha rừng ngập mặn, chị Hiền cùng nhiều phụ nữ xã Quảng Lợi làm du lịch cộng đồng, lúc đầu chỉ là những chòi nhỏ trên mặt nước để du khách ăn uống. Sau này, mọi người mở thêm dịch vụ để du khách trải nghiệm việc mò cua, đánh bắt cá, trìa (ngao nước lợ), chèo SUP (ván đứng) dạo mát trong rừng. Chị cũng vào Hợp tác xã Dịch vụ du lịch cộng đồng Tam Giang Quảng Lợi, được bầu làm phó giám đốc hợp tác xã - nơi quy tụ 30 xã viên. 

“Vào mùa hè, mỗi người có thu nhập bình quân 300.000 đồng/ngày. Mình rất vui khi được góp sức vào việc trồng rừng, làm du lịch này ở quê chồng” - chị Hiền phấn khởi.

Phụ nữ thôn Vĩnh Trị, làng Thai Dương Hạ, xã Hải Dương, TP Huế tích cực trồng rừng
Phụ nữ thôn Vĩnh Trị, làng Thai Dương Hạ, xã Hải Dương, TP Huế tích cực trồng rừng

Theo số liệu của CSRD, tỉnh Thừa Thiên - Huế có khoảng 500.000 người đang sinh sống ở 32 xã vùng trũng trên và ven đầm phá, ven bờ biển, trong đó có khoảng 100.000 phụ nữ sống dựa trực tiếp vào tài nguyên đầm phá tham gia dự án “Nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng và hệ sinh thái ven biển miền Trung Việt Nam”. 

Bà Nguyễn Thị Nhật Anh - Giám đốc CSRD - cho biết, sở dĩ CSRD chọn các xã ven phá Tam Giang để triển khai dự án trồng rừng là do tỉnh Thừa Thiên - Huế chịu tác động lớn từ những hiện tượng thời tiết cực đoan, với tần suất dày và cường độ cao. Đặc biệt, khu vực đầm phá Tam Giang - vùng nước lợ lớn nhất Đông Nam Á - là nơi thường xuyên hứng chịu các cơn bão từ biển Đông. Phụ nữ là nhóm đối tượng dễ bị tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có bão, lụt, hạn hán, đồng thời cũng là nhóm đối tượng có thể đóng góp lớn vào các giải pháp chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Bà nói: “Phụ nữ không chỉ thấu hiểu hoàn cảnh thực tế của địa phương mà còn có những kỹ năng quan trọng cũng như khả năng và khát vọng thay đổi để có cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình mình. Điều thành công nhất của chúng tôi là giúp chị em thay đổi nhận thức, hỗ trợ chị em có được sinh kế bền vững từ việc trồng rừng ngập mặn trên chính quê hương mình”. 

Dự án “Nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng và hệ sinh thái ven biển miền Trung Việt Nam” của CSRD được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt thực hiện trong giai đoạn 2021-2023. Dự án nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ trong quản lý rủi ro thiên tai, tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng và hệ sinh thái ven biển ở địa bàn có nguy cơ ngập lụt cao của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Các hợp phần chính của dự án bao gồm xây dựng vườn ươm cây ngập mặn, trồng giặm cây bần ở khu vực đầm phá thuộc xã Hải Dương, phối hợp với Hội LHPN các xã ven phá Tam Giang tổ chức hoạt động truyền thông về giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào hệ sinh thái, tổ chức cuộc thi sáng kiến sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái.

“Chúng tôi nhận thấy, việc tuyên truyền, nâng cao năng lực cho phụ nữ về vai trò và khả năng đóng góp của họ trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu là hết sức cần thiết. Đặc biệt, cuộc thi sáng kiến truyền thông và sáng kiến sinh kế do CSRD tổ chức từ cơ sở đến cấp tỉnh đã tạo không khí sôi nổi và là động lực cho người dân tìm hiểu về biến đổi khí hậu, hệ sinh thái rừng ngập mặn cũng như sinh kế bền vững dựa vào tự nhiên”.

Bà Ngô Thị Ánh Tuyết

- Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên - Huế

Bài và ảnh: Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI