Phụ nữ vùng cao khởi nghiệp từ cây trồng bản địa

09/11/2023 - 06:15

PNO - Từ những sản phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương, chị em đã không ngừng học hỏi, tìm cách làm gia tăng giá trị. Họ đã áp dụng kỹ thuật chế biến, đầu tư máy móc để tăng sản lượng, học bán hàng trực tuyến để tiếp cận thị trường…

Hồng vành khuyên treo gió của phụ nữ Tày, Nùng

Hồng vành khuyên là nông sản đặc hữu của tỉnh Lạng Sơn, có chủ yếu tại huyện biên giới Văn Lãng mang lại thu nhập chính cho các nông hộ, phần lớn là người Tày và Nùng. Là người thu mua hồng cho bà con, hơn ai hết, chị Vương Thị Thương hiểu giá trị cũng như sự bấp bênh “được mùa mất giá” của quả hồng quê mình.

Bởi thế, khi nghe tin trong huyện có những gốc hồng bị đốn hạ, chị Thương nghĩ đến việc chế biến hồng, thay vì chỉ bán trái tươi, nhằm làm tăng giá trị kinh tế cho quả hồng, giúp xóa đói giảm nghèo, mang lại thu nhập ổn định cho bà con.

Chị Vương Thị Thương giới thiệu hồng vành khuyên treo gió - ẢNH: M.T.
Chị Vương Thị Thương giới thiệu hồng vành khuyên treo gió - ẢNH: M.T.

Với ý tưởng đó, năm 2017, nghe nói về sản phẩm hồng treo gió, chị Thương đã tìm đọc các tư liệu và mày mò làm thử. Nhưng kết quả không được như mong đợi, cả tạ hồng phải bỏ đi. Chị chia sẻ: “Có lúc tôi muốn bỏ cuộc, chỉ thu mua hồng tươi rồi bán lại, nhưng thấy bà con, nhất là chị em người Tày, Nùng hy vọng vào giá trị mới của trái hồng nên tôi lại cố gắng”.

Năm 2021, nhờ đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Trung ương Hội LHPN Việt Nam được triển khai rộng khắp, chị Thương có cơ hội tham gia chuyến học tập kinh nghiệm về sản xuất hồng treo gió tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Được chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn kỹ thuật, quy trình sản xuất theo công nghệ Nhật Bản, chị Thương quyết định áp dụng công nghệ chế biến này với trái hồng vành khuyên quê mình.

Trở về, chị bàn bạc với chồng vay mượn thêm vốn để mở xưởng sản xuất hơn 1.000m2, gồm khu sơ chế, nhà kính treo hồng, kho lạnh và mua sắm thiết bị…

Có đủ cơ sở vật chất, lại được chuyên gia của Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch hỗ trợ phương pháp bảo quản, chị Thương mạnh dạn thành lập Hợp tác xã (HTX) Toàn Thương. Năm 2022, HTX của chị đã liên kết tiêu thụ trái hồng của 10 hộ dân và 2 HTX khác với tổng diện tích 20ha canh tác hướng hữu cơ, sản lượng khoảng 160 tấn/năm. Đồng thời xuất ra thị trường hơn 5 tạ hồng vành khuyên treo gió đầu tiên với giá bán 300.000 đồng/kg.

Dự kiến vụ hồng năm 2023, HTX sẽ chế biến 150 tấn hồng tươi, thu về 30 tấn thành phẩm, doanh số khoảng 12 tỉ đồng và lợi nhuận khoảng 5 tỉ đồng. Theo chị Thương, hồng vành khuyên treo gió của HTX Toàn Thương có những đặc trưng riêng so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường bởi vị ngọt thanh, vỏ mềm và giữ được mùi thơm tự nhiên, màu sắc đẹp. Hiện thị trường tiêu thụ hồng vành khuyên treo gió chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc. Theo kế hoạch, trong năm 2024 chị sẽ mở rộng thị trường ra khắp toàn quốc, năm 2025 sẽ xuất khẩu đi Thái Lan và Trung Quốc.

Bà Lô Thị Kim Oanh - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Lãng - cho biết, sản phẩm hồng vành khuyên của HTX Toàn Thương đã được huyện lựa chọn tham gia gian hàng của huyện tại các dịp trưng bày sản phẩm của địa phương tại các hội chợ… và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Hướng sắp tới, sản phẩm sẽ được xây dựng thành sản phẩm tiêu biểu của địa phương. Huyện sẽ hỗ trợ HTX tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất.

Biến măng tre thành đặc sản

Măng tre, nứa là nông sản dễ thấy ở khắp các xã Xuân Nha, Tân Xuân và nhiều xã khác của huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Tại xã Xuân Nha có những rừng tre rất lớn, trên 90% số hộ trong xã kiếm sống bằng nghề “đi măng”. Song bao năm, bà con chỉ biết vào rừng lấy măng tươi về bán cho thương lái dưới dạng nguyên liệu, nên giá rất thấp (khoảng 4.000 đồng/kg), thu nhập bấp bênh.

Chị em phụ nữ huyện Vân Hồ sơ chế măng phục vụ chế biến - ẢNH: N.T.
Chị em phụ nữ huyện Vân Hồ sơ chế măng phục vụ chế biến - ẢNH: N.T.

Năm 2019, với sự tài trợ của Chính phủ Úc, Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn đã hỗ trợ, hướng dẫn chị em phụ nữ các xã về cách sản xuất, khai thác măng rừng bền vững, đặc biệt là kỹ thuật chế biến măng rừng theo tiêu chuẩn hữu cơ để nâng cao giá trị nông sản. Ngoài ra, chị em còn được đi học quy trình sản xuất măng ở Yên Bái. Được tiếp nhận những hỗ trợ ấy, chị Lò Thị Nguyễn (bản Tưn, xã Xuân Nha) đã cho ra đời HTX Sản xuất măng sạch Xuân Nha.

Với 13 thành viên, có nhà ươm 1.000m², nhà xưởng 500m² và nhà sấy năng lượng mặt trời 100m², HTX ký hợp đồng thu mua nguyên liệu măng từ 4 tổ hợp tác và khoảng 300 nông hộ. “Đặc biệt, chúng tôi còn được kết nối với 1 doanh nghiệp. Họ thu mua măng tươi cao hơn thị trường 20%. Họ cũng cam kết thu mua tất cả măng chế biến trong 20 năm tới, đồng thời cung cấp 70% vốn cần thiết để mua nguyên liệu thô và chuyển giao kỹ thuật chế biến cho HTX. HTX của chúng tôi có khả năng sơ chế nguyên liệu hái từ 1.000ha măng trồng. Nhờ vậy mà ngay trong năm 2020, HTX đã bán được 30 tấn măng chế biến để họ xuất sang Đài Loan với tổng giá trị là 780 triệu đồng” - chị Nguyễn khoe.

Không chỉ bán măng sơ chế, từ năm 2021, với kỹ thuật sản xuất, khai thác măng rừng bền vững và được sự cho phép của kiểm lâm, HTX đã thu hoạch và xuất khẩu 15 tấn thành phẩm măng hốc muối chua. Sản phẩm này của chị Nguyễn cùng chị em trong HTX đã được huyện Vân Hồ hỗ trợ xây dựng thương hiệu, có tem nhãn trích xuất nguồn gốc và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Với mục tiêu sản xuất măng hàng hóa, ngoài khai thác măng rừng tự nhiên, HTX còn vận động các thành viên chuyển đổi trồng mới 150ha măng tre phục vụ xuất khẩu. 

Bên xã Tân Xuân giáp với nước bạn Lào, HTX Tân Xuân 269 của chị Cao Thị Tâm đã giúp nhiều hộ dân trong xã nâng mức thu nhập từ 70 - 100% so với trước đây. Chị Tâm cho biết, trước đây người dân thu hái măng tươi về sơ chế rồi bán lại cho thương lái với giá chỉ khoảng 4.000-5.000 đồng/kg. Có khi oằn lưng mới mang được gùi măng về nhà, nhưng thương lái không đến, chị em lại phải mang đổ đi. Năm 2017, chị Tâm đã mở 4 điểm thu mua, sơ chế ở các bản để hỗ trợ chị em tiêu thụ. 

Song, chị Tâm cũng gặp nhiều vướng mắc trong kỹ thuật chế biến nên hiệu quả kinh tế chưa được như mong đợi. Đến khi dự án hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế được triển khai ở huyện Vân Hồ, chị Tâm được hỗ trợ về kỹ thuật, thiết bị, máy móc như lò sấy, nồi luộc, máy vắt li tâm, bồn đóng gói… giúp sản lượng tăng lên nhanh chóng.

Chị Cao Thị Tâm  giới thiệu sản phẩm măng nứa khô - ẢNH: N.T.
Chị Cao Thị Tâm giới thiệu sản phẩm măng nứa khô - ẢNH: N.T.

Năm 2020, doanh thu của HTX đạt 900 triệu đồng và chỉ 1 năm sau đã tăng lên 3 tỉ đồng, lợi nhuận khoảng 30 - 35% và tăng dần qua các năm. Chị chia sẻ: “Có được kết quả đó là nhờ chị em trong HTX đã quyết tâm cùng nhau học bán hàng trực tuyến. Chúng tôi được học về bán hàng và cách quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội. Nhờ vậy mà măng khô của chúng tôi tiếp cận được nhiều đối tượng tiêu dùng hơn”.

Đến nay, HTX của chị Cao Thị Tâm có gần 100 thành viên, đa số là chị em người Dao, Thái, Mường, Mông. Ông Vì Văn Thắm - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Bướt (xã Tân Xuân) - cho biết: “Xã Tân Xuân thành lập từ lâu, nhưng đến năm 2017 mới có HTX nông nghiệp đầu tiên là HTX của chị Tâm. Tôi và bà con rất mừng”.

Nhờ hiệu quả từ cách làm mới cho cây trồng bản địa mà từ năm 2020 đến nay, người dân trong xã đã chuyển đổi hơn 40ha đất kém hiệu quả sang trồng măng tre. Hiện măng tre đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực của Tân Xuân, xã đang tiếp tục vận động, khuyến khích người dân mở rộng diện tích, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung; phấn đấu đến năm 2025 có 300ha măng tre để mang lại thu nhập ổn định, bền vững cho bà con. 

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI