Phụ nữ vùng biên xóa hủ tục nhờ nhận thức bình đẳng giới

29/11/2024 - 06:29

PNO - Phụ nữ dân tộc vùng biên giới Việt - Lào đang dần khẳng định vai trò của mình trong gia đình và xã hội, biết bảo vệ bản thân trước những bất công. Kết quả đó là nhờ họ được trang bị kiến thức và được bảo vệ đúng lúc.

Tuyên truyền đến tận bản làng, gia đình

Đứa con gái út (đứa thứ tư) của chị H.T.N. (thôn Lê Lộc 2, xã Hồng Bắc, Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) năm nay 4 tuổi thì cũng chừng đó năm chị sống trong buồn tủi. Vì không có con trai nên chị N. thường xuyên bị chồng chửi bới, hắt hủi, thậm chí đánh đập. Cũng may là khi con gái đi học, chị T.N. đi làm và được cán bộ hội vận động tham dự các buổi tập huấn về sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình nên chị dần hiểu ra vấn đề. “Đã có 4 con, kinh tế gia đình hết sức khó khăn, nhưng chồng tôi vẫn muốn sinh thêm để có con trai...” - chị N. tâm sự.

Biết là không thể thay đổi được ý định của chồng và gia đình chồng nên chị N. tìm đến tổ truyền thông cộng đồng thôn nhờ can thiệp. Nhờ vậy mà chồng chị N. đã dần từ bỏ ý định sinh cho bằng được con trai. Không những thế, anh còn ngày càng chí thú làm ăn, lo cho các con học hành đến nơi đến chốn.

Nhờ được trang bị kiến thức mà phụ nữ vùng cao huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế)  đã dần xóa bỏ định kiến giới, bất bình đẳng giới
Nhờ được trang bị kiến thức mà phụ nữ vùng cao huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) đã dần xóa bỏ định kiến giới, bất bình đẳng giới

Ông Hoàng Văn Chiến - Tổ trưởng tổ truyền thông cộng đồng thôn Lê Lộc 2 - cho biết: “Những trường hợp đã sinh 3-4 con gái, nhưng vẫn muốn sinh thêm để có con trai trong thôn không ít. Với những trường hợp như vậy, chúng tôi thường xuyên nắm bắt tư tưởng để tuyên truyền, khuyên răn. Nhưng để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, xóa bỏ các định kiến giới, thúc đẩy bình đẳng giới thì phụ nữ và trẻ em gái cần được trang bị kiến thức để thay đổi nhận thức, sẵn sàng đứng lên phản kháng, tìm đến những địa chỉ tin cậy để được hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời”.

Xã Thanh của huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) là địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Cả 6 thôn của xã đều thành lập tổ truyền thông cộng đồng, mỗi tổ có 7-10 thành viên. Chị Hồ Thị Mé ở thôn A Ho, có con trong độ tuổi chuẩn bị kết hôn, tổ truyền thông cộng đồng của thôn thường xuyên đến nhà chị để tuyên truyền, vận động, cung cấp thêm kiến thức về tảo hôn và những hậu quả.

Nhờ vậy, gia đình chị Mé hiểu được kết hôn phải đúng độ tuổi quy định của pháp luật. Chị Mé chia sẻ: “Gia đình tôi rất vui khi được tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình, đặc biệt là quy định về độ tuổi kết hôn. Kết hôn khi chưa đủ tuổi là tảo hôn. Sinh con sớm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng nòi giống. Làm bố, làm mẹ sớm, không có kinh nghiệm và điều kiện kinh tế sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, nên chúng tôi vẫn khuyên bảo các con không để xảy ra tình trạng tảo hôn”.

Bà Hồ Thị Thu Nhường - Chủ tịch Hội LHPN huyện Hướng Hóa - cho biết, với tỉ lệ 80% hội viên phụ nữ là đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, việc thực hiện Luật Bình đẳng giới đã có những chuyển biến tích cực. Chị em đã chủ động, tự tin và quyết đoán hơn trong phát triển các mô hình kinh tế cũng như tham gia các hoạt động xã hội, phong trào thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ...

Người dân đã xóa bỏ đến 80 - 90% hủ tục

Địa hình xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) chủ yếu là đồi núi hiểm trở, đi lại khó khăn, có những bản ở rất xa trung tâm xã, không có điện, không có nước sạch; trẻ em phải đi bộ đường rừng hàng chục cây số (mất cả ngày) đến trường; người Bru - Vân Kiều chiếm hơn 60% dân số, tỉ lệ hộ nghèo còn cao và còn nhiều hủ tục…

Những khó khăn ấy là rào cản rất lớn đối với phụ nữ và trẻ em gái. Đặc biệt, sau khi kết hôn, người phụ nữ còn phải lo toan về kinh tế gia đình, lên nương làm rẫy, trong khi những người đàn ông, người chồng không có sự chia sẻ. Phong tục đã mặc định việc nhà, nuôi dạy con và làm nương rẫy là trách nhiệm của vợ, nhưng họ lại không được tham gia vào những đại sự trong gia đình. Khoảng cách về giới vẫn rất lớn và thiệt thòi vẫn thuộc về người phụ nữ. Tảo hôn, sinh con sớm, hủ tục nối dây, hôn nhân cận huyết… là vòng tròn luẩn quẩn đeo bám nhiều thế hệ phụ nữ Bru - Vân Kiều.

Thế nhưng giờ đây cuộc sống của người Bru - Vân Kiều đã khác. Để có sự thay đổi ấy, tổ truyền thông cộng đồng đã tập hợp lực lượng nòng cốt là cán bộ từ thôn bản, già làng và những người có uy tín trong cộng đồng nhằm tuyên truyền giúp thay đổi nếp nghĩ, cách làm, dần xóa bỏ những hủ tục, thói quen lạc hậu.

Ngoài ra, các thành viên của tổ cũng đồng hành, giúp đỡ phụ nữ và trẻ em gái vượt lên chính bản thân mình. Bà Trần Thị Thùy Dung - Phó chủ tịch UBND xã Trường Sơn - cho biết, nhờ việc tuyên truyền tích cực, mưa dầm thấm lâu, phụ nữ Vân Kiều ở xã Trường Sơn đã không còn “tự bó buộc” trong những hủ tục. Chị em được “giải phóng” khỏi những khắt khe của tục lệ và mở rộng giao lưu với nhau, hội họp, ca hát trong những dịp lễ hội. Cuộc sống của bà con trở nên vui tươi hơn, mọi người cùng nhau vươn lên thoát nghèo.

Tỉnh Quảng Bình có 42 tổ truyền thông cộng đồng
Tỉnh Quảng Bình có 42 tổ truyền thông cộng đồng

“Tổ truyền thông cộng đồng tổ chức các cuộc tuyên truyền tại thôn bản nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, về phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ trẻ em, thay đổi định kiến về giới tính, thậm chí thay đổi tư duy của nam giới chứ không chỉ riêng tuyên truyền cho chị em. Mưa dầm thì thấm lâu, lâu dần tư duy của bà con đồng bào đã khác hơn” - bà Trần Thị Thùy Dung nói.

Từ tổ truyền thông cộng đồng, các bản làng thành lập các câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, “Địa chỉ tin cậy”, các hoạt động có sự tham gia của cán bộ địa phương, thôn bản, thầy cô giáo, học sinh và đồng bào. Các tổ truyền thông cộng đồng, các câu lạc bộ đã triển khai nhiều hoạt động phong phú, phù hợp thực tiễn và thu hút đông đảo đồng bào tham gia như truyền thông, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết, khơi dậy ước mơ được học tập của trẻ em, đặc biệt là các trẻ em gái dân tộc Bru - Vân Kiều. Sự tham gia của nam giới đã tác động tích cực đến suy nghĩ, hành động không chỉ của phụ nữ mà cả nam giới trong cộng đồng.

Anh Hồ Văn Ngọc - người bản Đá Chát, xã Trường Sơn - tâm sự, cuộc sống ngày càng văn minh, tư duy của người dân cũng phải thay đổi. Những hủ tục xưa không còn hợp thời, chỉ làm khổ người phụ nữ thì nên xóa bỏ. Người Vân Kiều ngày nay đã biết làm kinh tế để thoát nghèo. Vợ chồng anh đã đồng lòng, yêu thương, san sẻ công việc với nhau và xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. “Gặp ai mình cũng nói phong tục xưa lạc hậu, nên bỏ đi. Bữa nay người dân đã xóa bỏ hủ tục đến 80 - 90% rồi”.

Bà Châu Thị Định - Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Bình - cho biết, tỉnh hiện có 42 tổ truyền thông cộng đồng tại các khu dân cư, bản làng miền núi biên giới. Đây là một trong những mô hình triển khai dự án 8, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, nhằm thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

Bà Châu Thị Định cho rằng, mô hình này góp phần xóa bỏ các định kiến giới, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, xóa bỏ những tập tục lạc hậu. “Tổ truyền thông cộng đồng hoạt động thực sự có hiệu quả, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, chia sẻ với các hộ gia đình, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế. Phụ nữ không chỉ quanh quẩn việc bếp núc mà dần tham gia những công việc của xã hội” - bà Châu Thị Định trải lòng.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI