Thích ứng để đổi mới
Hôm qua, 24/11, hội thảo khoa học quốc tế “Cải thiện sinh kế cho phụ nữ trong bối cảnh biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai” đã được phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM tổ chức tại TP.HCM. Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo thông tin, đến nay, đã có 29.914 cơ sở Hội có ít nhất một mô hình tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường hoặc mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ở cấp trung ương, Hội đã ký kết các chương trình phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức… nhiều sự kiện truyền thông phát động, hưởng ứng ngày Môi trường thế giới, ngày Đại dương thế giới, chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”, tuần lễ Nước sạch và vệ sinh môi trường, tuần lễ Quốc gia phòng chống thiên tai; triển khai đề tài khoa học - dự án sản xuất thử nghiệm “Nghiên cứu ứng dụng mô hình hỗ trợ phụ nữ các dân tộc đồng bằng sông Cửu Long ứng phó biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn”; hỗ trợ xây dựng bốn mô hình phụ nữ phát triển kinh tế tại các tỉnh chịu ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển miền Trung…
Nói thêm về các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai, bà Hồ Thị Quý - Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN Việt Nam - khẳng định: “Các mô hình sinh kế của các cấp Hội đã được đổi mới để thích ứng. Từ nguồn vốn tín dụng của Hội, nay Hội quan tâm hỗ trợ các “nguồn vốn tín dụng xanh”, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
Việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp cũng lựa chọn các ý tưởng gắn với các tiêu chí đổi mới sáng tạo, có tính liên kết bảo vệ môi trường.
|
Hội LHPN TP.HCM với các hoạt động bảo vệ môi trường |
Trung bình, mỗi năm Trung ương Hội nhận từ 300 đến 900 đề án, trong đó có đến 90% đề án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và các đề án có tính đổi mới, áp dụng công nghệ nhằm thích ứng với tự nhiên như: tiết kiệm nước, sử dụng năng lượng tự nhiên, tạo ra cây con giống, sản phẩm thích ứng với biến đổi khí hậu như mô hình khởi nghiệp từ mật hoa dừa của hội viên phụ nữ tỉnh Trà Vinh, mô hình sản xuất cua lột theo chuỗi liên kết bền vững tại Phú Yên… đã giúp thu nhập được cải thiện”.
Riêng tại TP.HCM, các cấp Hội chủ động thực hiện nhiều hoạt động ứng phó trước biến đổi khí hậu. Phụ nữ H.Cần Giờ phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ thành lập câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường biển” gắn với các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm nơi cán bộ, hội viên phụ nữ, người dân trong việc bảo vệ tài nguyên biển. Hội LHPN H.Củ Chi thành lập các câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường” tại các cơ sở Hội, thường xuyên ra quân tổng vệ sinh, trồng và chăm sóc cây xanh, vận động phụ nữ không chôn rác, đốt rác. Đến nay, đã có gần 10.000 cây xanh được trồng trên các tuyến đường giao thông nông thôn.
Ngoài ra, Hội còn hỗ trợ phụ nữ nông thôn vay vốn không lãi để xây dựng hầm biogas nhằm tận dụng khí làm chất đốt trong sinh hoạt gia đình, hạn chế xả chất thải, nước thải trong chăn nuôi ra môi trường. Hội LHPN Q.6 thành lập nhóm “Biệt đội xanh” thu gom rác thải tái chế, Hội LHPN Q.Gò Vấp thực hiện “Ngày hội thu gom vỏ hộp sữa giấy”. Hội LHPN Q.Tân Phú vận động xây dựng mảng xanh, vườn rau dinh dưỡng tại hộ gia đình… và các hoạt động hỗ trợ phương tiện sinh kế để chị em thay đổi công việc, ngành nghề thích ứng với điều kiện sống.
Đi lên trong thách thức
Tiến sĩ Tạ Duy Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch - cho rằng để thích ứng với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai, vai trò của người phụ nữ được thể hiện rõ trong phát triển du lịch, nhất là phát triển du lịch theo hướng “thuận thiên” của làng Văn hóa - du lịch Khmer, du lịch tự thân tại Cồn Hô (Trà Vinh).
Xã hội hóa nghề rừng góp phần bảo vệ môi trường
Rừng là lá phổi xanh. Bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Để thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, tỉnh Quảng Trị đã giao đất, giao rừng cho các chủ rừng thuộc mọi thành phần kinh tế quản lý với diện tích hơn 200.000ha, chiếm 61,7% tổng diện tích đất lâm nghiệp. Trong đó, giao hơn 20.000ha rừng tự nhiên cho cộng đồng và hộ gia đình nông dân quản lý.
Hằng năm, diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cũng được giao khoán trên 90.000ha thông qua các nguồn vốn sự nghiệp kinh tế trung ương hỗ trợ thực hiện. Dịch vụ môi trường rừng trở thành điểm sáng trong việc xã hội hóa ngành lâm nghiệp và thực hiện giải pháp gia tăng giá trị từ rừng, thu nhập từ kinh tế lâm nghiệp từ 10 đến 15 triệu đồng/hộ/năm.
Hằng năm giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động làm nghề rừng, nâng cao thu nhập cho hơn 1.500 hộ gia đình, cá nhân là chủ rừng. Xã hội hóa nghề rừng đã tạo thêm sinh kế, việc làm cho người nông dân cũng như góp phần bảo vệ môi trường.
Phương Thiện
|
“Cồn Hô với diện tích ban đầu 27ha, qua 5 năm đã sạt lở và trôi mất 5ha đất. Dân cư nơi đây phần đông là phụ nữ, sống trong điều kiện thiếu thốn, không điện, không đường, họ rất mong có được sự tiếp xúc với những người sống bên ngoài cồn. Chúng tôi đã hướng dẫn, hỗ trợ họ phát triển du lịch tự thân theo hướng nhà có gì mang ra phục vụ, xây dựng du lịch trải nghiệm ăn cơm với đèn dầu chẳng hạn. Và cách thức ấy đã tạo điều kiện cho người dân nơi đây phát triển nhờ du lịch” - tiến sĩ Linh cho biết.
Quảng Trị là tỉnh vừa phải hứng chịu các trận lũ với lượng mưa và mực nước cao nhất trong lịch sử. Lũ lụt và sạt lở đất đã làm thiệt hại nhiều tài sản và gần như toàn bộ gia súc, gia cầm, hoa màu, thủy hải sản đang nuôi trồng… của người dân. Để hỗ trợ ứng phó với thiên tai, Hội LHPN tỉnh tập trung hỗ trợ phương tiện làm ăn giúp chị em khôi phục chăn nuôi, sản xuất như: hỗ trợ con giống, các loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu; hỗ trợ người dân các biện pháp phòng chống nắng hạn và ngập úng; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Công tác cứu trợ, giúp đồng bào vùng bão lũ, vùng ngập mặn miền Tây Nam Bộ cũng được người dân cả nước, nhất là TP.HCM nhiệt tình sẻ chia. Nhưng ứng phó với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai mà chỉ một mình tổ chức Hội Phụ nữ ra tay thì sẽ rất khó khăn nên rất cần có sự đồng lòng, mọi người cùng nhau hành động vì môi trường sống an toàn cho chính chúng ta.
Thiên Ân