Phụ nữ vô gia cư ở Hồng Kông ngày càng tăng trong đại dịch

21/08/2021 - 14:59

PNO - Các cơ quan xã hội ở Hồng Kông ghi nhận sự gia tăng đáng báo động của số lượng phụ nữ vô gia cư trong đại dịch COVID-19 đồng thời kêu gọi có thêm các biện pháp để giúp đỡ họ.

Sau một đêm ngủ thiếp đi trong công viên ở Mong Kok, May giật mình tỉnh giấc và phát hiện ra một người đàn ông đã đến nằm bên cạnh cô từ lúc nào. “Tôi đã rất sợ hãi. Tại sao lại ngủ bên cạnh tôi khi còn nhiều không gian khác trong công viên?”, cô nhớ lại.

Đó không phải là tình huống không mong muốn duy nhất mà May trải qua trong công viên nơi cô đã ngủ kể từ tháng Tư. Ít nhất ba lần cô đã hét lên khi những người đàn ông khác ngủ bên cạnh hay phơi bày những điều tồi tệ trước mặt cô.

Năm nay 49 tuổi và đang thất nghiệp, May cho rằng cô đã sợ hãi và sẽ báo cảnh sát nếu sự việc tái diễn. “Mặc dù tôi là người vô gia cư, nhưng tôi không can đảm nhìn những điều đó", cô nói, giọng run run. "Tôi không biết làm thế nào để giải quyết những việc này".

Tìm một không gian an toàn để ngủ là một thách thức đối với những phụ nữ vô gia cư ở Hong Kong. Ảnh: Xiaomei Chen
Tìm một không gian an toàn để ngủ là một thách thức đối với những phụ nữ vô gia cư ở Hồng Kông

May đã từ bỏ căn hộ công cộng của mình cách đây bảy năm, vì khi đó cô có một công việc trên một hòn đảo xa xôi và được cung cấp nhà ở trong một ký túc xá. Nhưng May đã mất việc cách đây 5 năm và đã sống lang thang trên đường phố kể từ đó.

Không kết hôn và bị anh chị em ghẻ lạnh, May tâm sự rằng cô không có ai để hướng về.

Gần đây nhất, cô đã chia sẻ một căn hộ ở Prince Edward với tám người đàn ông và hai phụ nữ. Đó được gọi là một “ngôi nhà quan tài”, với những không gian sống nhỏ bé xếp chồng lên nhau, thường được cho thuê với giá từ 1.000 đô la Hồng Kông (128 USD) đến 4.000 đô la Hồng Kông mỗi tháng.

Nhưng May đã rất sợ hãi và khó ngủ khi nhiều người đàn ông chỉ mặc nội y và đi quanh căn hộ nhỏ bé.

Tìm một không gian an toàn để ngủ là một thách thức chung đối với những phụ nữ vô gia cư như May. Số liệu mới cho thấy con số này đã tăng gấp ba lần từ năm 2014 đến nay. Số người vô gia cư đã tăng từ 787 người vào năm 2014 lên mức cao kỷ lục 1.562 người vào cuối tháng Sáu. Theo số liệu chính thức, tỷ lệ phụ nữ trong số họ tăng gần gấp đôi từ 5,5% năm 2014 lên 10,9% năm nay.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết số lượng người vô gia cư thực sự có thể sẽ cao hơn nhiều, với hàng ngàn người thuê nhà sống trong những căn hộ nhỏ như chiếc hộp hoặc những ngôi nhà “lồng” trên đường phố.

Các chuyên gia cho biết, một số phụ nữ vô gia cư có thể phản đối việc đến nhà tạm lánh vì thiếu sự riêng tư và phải sống trong ký túc xá. Ảnh: Dickson Lee
Nhiều phụ nữ vô gia cư đã sống tạm bợ trong những chiếc lều (còn được gọi là nhà lồng) trong trong viên hay dưới gầm cầu

Từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 3 năm nay, Hiệp hội các tổ chức cộng đồng Hồng Kông đã phỏng vấn gần 100 phụ nữ và phát hiện ra rằng 4/5 người cần hỗ trợ tinh thần.

Với các dịch vụ dành cho người vô gia cư chủ yếu tập trung vào nam giới, nhiều nhóm hoạt động xã hội cho rằng Hồng Kông cần phải làm nhiều hơn nữa cho phụ nữ vô gia cư và khuyến nghị chính phủ thành lập một nhóm chuyên hỗ trợ họ.

Jeff Rotmeyer, người sáng lập ImpactHK - một tổ chức giúp đỡ những người vô gia cư trên đường phố và có việc làm, cho biết ông rất lo lắng về số lượng phụ nữ trẻ vô gia cư ngày càng tăng trong năm qua. Ông ước tính rằng khoảng 1/3 trong số khoảng 300.000 người sống trong các "hộp quan tài", nhà lồng, nhà trên sân thượng bất hợp pháp và các căn hộ có vách ngăn...

Rotmeyer còn nói rằng phụ nữ trên đường phố là những người dễ bị tổn thương và có thể bị lợi dụng khá dễ dàng nên họ rất cần sự an toàn, được hỗ trợ và chăm sóc.

Trước khi đại dịch COVID-19 đến, hàng trăm người đã ngủ qua đêm tại các cửa hàng 24 giờ, các cửa hàng thức ăn nhanh. Nhưng khi các cửa hàng phải đóng cửa vì dịch, những người này đã phải xuống đường, ra công viên ngủ.

Ng Wai-tung, nhà tổ chức cộng đồng của Hiệp hội vì Tổ chức Cộng đồng (SoCO), nói rằng đại dịch khiến ngày càng có nhiều phụ nữ ngủ trên đường phố hơn và điều này khiến cho họ bị quấy rối tình dục nhiều hơn. Theo Ng Wai-tung, nạn quấy rối tình dục phụ nữ là phổ biến và khi nó xảy ra, nhiều phụ nữ vô gia cư không dám báo cảnh sát vì họ lo lắng rằng cảnh sát sẽ không xem xét các khiếu nại của họ một cách nghiêm túc.

Các chuyên gia cho rằng, nhiều phụ nữ vô gia cư đang phải sống chung với các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng. Nhân viên xã hội Olivia Chan Man-shan cho biết hầu hết những phụ nữ mà cô đã gặp qua 5 năm làm công việc tiếp cận cộng đồng tại Cơ quan quan tâm của Hiệp hội Người vô gia cư đều mắc bệnh tâm thần.

“Vì các vấn đề sức khỏe tâm thần mà họ khó hòa nhập với gia đình, kiếm việc làm và giao tiếp với những người khác. Vì vậy, họ lại ở một mình và tiếp tục ra đường sống lây lất", cô nói.

Trọng Trí (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI