Phụ nữ Việt Nam, Lào, Campuchia chung tay nâng vị thế, quyền năng nữ giới

18/09/2017 - 09:09

PNO - Trong khuôn khổ hợp tác giữa các tỉnh biên giới, ba nước đã đi sâu các nội dung giảm nghèo, đào tạo nghề, hợp tác về y tế, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật, đặc biệt trong hoạt động phòng chống tội phạm mua bán người.

Diễn đàn “Phụ nữ Việt Nam - Lào - Campuchia xây đắp quan hệ hữu nghị hợp tác, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030” là một trong nhiều hoạt động nhân kỷ niệm 40 năm ngày ký hiệp ước hữu nghị - hợp tác Việt Nam - Lào, 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào, 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia.

Trước đó, tại Lào và Campuchia, ngày 7 và 12/9, lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam đã lần lượt ký các bản thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2017-2022 giữa Hội LHPN Việt Nam với Hội LHPN Lào và Hội PN Campuchia vì hòa bình và phát triển.

Những vòng ôm, cái siết tay thật chặt của gần 100 đại biểu Hội phụ nữ (PN) ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia ở diễn đàn “PN Việt Nam - Lào - Campuchia xây đắp quan hệ hữu nghị hợp tác, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030” diễn ra vào sáng 15/9 tại TP.HCM thể hiện niềm tin, sự giao kết tiếp tục phát huy truyền thống hợp tác, hỗ trợ nhau trên mọi lĩnh vực. Nâng cao vị thế, quyền năng nữ giới là nội dung chiến lược được các đại biểu nhất trí cùng nhau thực hiện.

Hợp tác ngăn chặn buôn bán người

Phu nu Viet Nam, Lao, Campuchia chung tay nang vi the, quyen nang nu gioi
Lãnh đạo Hội phụ nữ ba nước chủ trì diễn đàn

Bình đẳng giới và trao quyền cho PN, trẻ em gái là một trong năm mục tiêu hàng đầu, then chốt của Chương trình nghị sự vì phát triển bền vững đến năm 2030 mà 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đã ký kết vào tháng 9/2015. Tại diễn đàn, đại biểu Hội PN ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia nhất trí đồng hành giải quyết những vấn đề cốt lõi trên, trong đó nổi bật là vấn nạn mua bán người và định kiến xã hội đối với PN. 

Bà Chompheng Phumpanya - Trưởng ban Tổ chức Hội LHPN Lào - nhận định, sự phân hóa giàu nghèo, sự chuyển dịch lao động vùng miền, quốc gia cùng sự nở rộ dịch vụ môi giới kết hôn đã và đang tạo “đất sống” cho hoạt động mua bán người mà nạn nhân chủ yếu là PN và trẻ em gái. Cùng với nỗ lực của nhiều ban, ngành, Hội LHPN Lào đã đưa vấn đề này vào chương trình phát triển lâu dài, nhưng kết quả vẫn không mấy khả quan.

“Không thể tự giải quyết tội phạm xuyên biên giới chỉ trong phạm vi một đất nước” - bà Chompheng Phumpanya khẳng định, đồng thời khẩn thiết đề nghị Hội LHPN Việt Nam và Hội PN Campuchia vì hòa bình và phát triển tích cực hỗ trợ thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm trong việc giải quyết vấn nạn này. 

Theo Hội LHPN Việt Nam, bình quân mỗi năm, cơ quan chức năng của Việt Nam phát hiện hơn 300 vụ mua bán người, giải cứu hơn 800 nạn nhân. Do đó, không chỉ hưởng ứng lời kêu gọi của bà Chompheng Phumpanya, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - còn khẳng định: “Bình đẳng giới vừa là mục tiêu, vừa là điều kiện của phát triển bền vững, do đó, Việt Nam cam kết chung tay ngăn chặn nạn mua bán người”.

Tại Việt Nam, Lào và Campuchia, mặc dù vị thế của PN ngày càng được khẳng định trên nhiều lĩnh vực nhưng nhìn chung, tiếng nói nữ giới vẫn chưa được coi trọng, năng lực chưa được nhìn nhận đúng và đầy đủ. Lao động nữ vẫn chiếm phần lớn trong các khu vực việc làm phi chính thức, chuyên môn thấp, giản đơn. Trong khi đó, theo nhiều nghiên cứu, nếu tỷ lệ PN tham gia lực lượng lao động tăng 10% thì thu nhập bình quân đầu người tăng đến 30%. Do đó, tại diễn đàn, đại diện Hội PN ba nước nhất trí sẽ phối hợp hành động để thúc đẩy việc trao quyền cho PN, nâng cao vai trò, vị thế của PN trên mọi lĩnh vực. 

Phu nu Viet Nam, Lao, Campuchia chung tay nang vi the, quyen nang nu gioi

Tiếp tục hợp tác vì sự thịnh vượng của ba nước 

Từ ngày 4 - 14/9, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Chuyến xe hữu nghị, qua đó thăm và làm việc tại hai nước Lào, Campuchia với thành phần là đại biểu Hội LHPN Việt Nam và hơn 20 tỉnh, thành có đường biên giới giáp với Lào, Campuchia và có quan hệ kết nghĩa với các tỉnh, thành của hai quốc gia này.

Hành trình trải nghiệm sâu sát thôi thúc các đại biểu quyết tâm chung tay hơn trong sự gắn kết, đi lên của ba quốc gia. Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk - cho hay: “Đắk Lắk có 73km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Modulkiri của Campuchia và đã ký kết thỏa thuận hợp tác vì hòa bình và phát triển với tỉnh này.

Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp, xây dựng công trình hữu nghị - nhà làm việc cho Hội PN tỉnh Mondulkiri trị giá 450 triệu đồng cùng nhiều hoạt động khác. Tuy không có đường giáp biên với Lào, song Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk vẫn kết nghĩa, ký kết hợp tác với với bốn tỉnh của Lào là Champasak, Attapu, Salavan, Sê Kông và đã hỗ trợ xây phòng dạy nghề trị giá 400 triệu đồng cho Hội PN tỉnh Champasak. Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục tăng cường kết nghĩa với nhiều tỉnh thành hai nước bạn”.

Bà Men Sam An - Ủy viên Ban thường vụ Đảng Nhân dân Campuchia, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Chủ tịch Hội PN Campuchia vì hòa bình và phát triển - cho rằng, lãnh đạo ba nước đã đề ra chiến lược Xây dựng đường biên giới hữu nghị, hòa bình, phát triển và hợp tác.

Trong khuôn khổ hợp tác giữa các tỉnh biên giới, ba nước đã đi sâu các nội dung giảm nghèo, đào tạo nghề, hợp tác về y tế, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật, đặc biệt là trong hoạt động phòng chống tội phạm mua bán người. Bà Men Sam An mong rằng, sự hợp tác giữa Hội PN ba nước sẽ tiếp tục bám sát những đặc điểm chiến lược, lâu dài và ngày càng chặt chẽ, bền vững để góp phần cùng với đảng, chính phủ mỗi nước tăng cường củng cố hợp tác trên mọi lĩnh vực.

Ông Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam - nhận định: “Hội PN ba nước đã có nhiều kết quả đáng khích lệ trong sự hợp tác, đoàn kết như xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn, đào tạo nghề và tạo việc làm cho PN; chăm sóc sức khỏe PN và trẻ em gái; giao lưu, hợp tác các vùng giáp biên, phát triển du lịch... Tôi có niềm tin rằng, các chị em đang đi đầu trong thay đổi tư duy, cách tiếp cận và hành động mạnh mẽ để cùng vun đắp tình hữu nghị và thịnh vượng của ba nước, tạo nền tảng quan trọng cho một cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và phát triển bền vững”. 

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng nhìn nhận, trên quy mô toàn cầu, cục diện thế giới tiếp tục định hình nhanh với nhiều chuyển dịch lớn và sâu sắc. Chương trình nghị sự của Liên Hiệp Quốc đến năm 2030 - thỏa thuận lịch sử đầu tiên đạt được trên toàn cầu về phát triển bền vững, trong đó nhiệm vụ trung tâm là bình đẳng giới - đang mang lại những cơ hội lớn chưa từng có để thúc đẩy xu thế hợp tác và phát triển, cũng như nâng cao vai trò và đóng góp của PN.

Tuy nhiên, chặng đường phía trước không dễ dàng. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa ổn định và có phần chậm lại, đòi hỏi các nền kinh tế phải tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới. Trong khi đó, 90% các nền kinh tế toàn cầu tiếp tục duy trì ít nhất một chính sách hoặc quy định mang tính phân biệt đối xử với PN. Do đó, sự hợp tác của Hội PN ba nước trong việc nâng cao vai trò nữ giới là rất cần thiết, cần được phát huy mạnh mẽ. 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI