Tôi đặc biệt thích các số liệu thống kê. Bởi mỗi khi xem bất kỳ số liệu thống kê nào trong mọi hạng mục của đời sống, nó đều mang đến những bất ngờ, kinh ngạc khiến ta hoang mang, sợ hãi, ám ảnh hoặc thậm chí cười chảy nước mắt.
Ví như tỷ lệ ly hôn chẳng hạn, ngày càng tăng vọt như tên lửa (từ thường dùng của báo chí quốc tế để nhấn mạnh tỷ lệ ly hôn ở thế kỷ XXI - skyrocket). Năm 2011, ở Mỹ, cứ 6,8/100 đám cưới thì có 3,6 vụ ly hôn (53%). Ở Anh và xứ Wales, năm 2012 có 262.240 đám cưới nhưng cũng tận 118.140 vụ ly hôn (gần một nửa)…
Ở Trung Quốc, các đôi uyên ương đến đăng ký kết hôn nhận được một tấm giấy chứng nhận màu hồng có in hình đôi chim chụm mỏ vào nhau. Khi các cựu uyên ương quay lại tòa xin giấy ly hôn, họ lại được nhận tấm giấy chứng nhận có hình hai con chim… quay lưng vào nhau.
Kết hôn hay ly hôn, chỉ đơn giản ở tư thế của đôi chim vậy thôi. Cứ 5 đôi thì có một đôi ly hôn, mỗi ngày 1 vạn cặp ly hôn, đó là con số ấn tượng của Trung Quốc bên cạnh những chỉ số rất ấn tượng khác. Theo thống kê ở Anh, phần lớn số người đâm đơn là các bà vợ, chiếm tới hơn 70%, lý do là vì hành vi không ổn của các đức ông chồng. Từ đó suy ra, tỷ lệ tên lửa nói trên là do các ông chồng phạm lỗi.
Việt Nam chúng ta vốn vẫn thường đứng cuối trong hầu hết các bảng xếp hạng trên thế giới, ngoại trừ lạm phát và tham nhũng, tỷ lệ ly hôn cũng không nằm ngoài quy luật này. Ở Việt Nam, cứ một trăm đôi thì có bốn đôi ly hôn, đứng gần áp chót trong bảng thống kê 100 nước, chỉ trên Chile với tỷ lệ ly hôn 3% và Ấn Độ 1%. Số liệu này nói lên hai điều: một, những đôi uyên ương Việt Nam nằm trong số hạnh phúc nhất thế giới, tay trong tay đến tận đầu bạc răng long.
Hai là suy ra từ “suy ra” ở trên, phụ nữ Việt Nam giỏi chịu đựng nhất thế giới. Bởi theo thống kê từ các phiên tòa, 2/3 lý do ly hôn bắt nguồn từ bạo lực gia đình, còn nguyên nhân phổ biến thứ hai là do ngoại tình. Mà phần lớn những trường hợp bạo hành gia đình hay ngoại tình cũng phải lặp đi lặp lại với tần suất tăng cao đến mức đối phương chịu không nổi thì mới dẫn đến kết cục xấu nhất.
Chẳng cần đọc số liệu thống kê thì trong quá trình phỏng vấn tất cả những người bạn đã từng ly hôn của tôi (khá đông, cứ như thể cái tỷ lệ 4% kia rơi hết vào bạn tôi vậy), các bà vợ thường đổ lỗi cho những ông chồng cũ, còn các ông chồng lại thường nhận lỗi về mình. Nhưng trong tất cả các vụ ly hôn của bạn bè tôi, không có cặp nào nằm trong số hai nguyên nhân trên cả.
|
Ảnh minh họa |
Trái lại, trong những trường hợp còn “đương hạnh phúc”, có khá nhiều trường hợp ông chồng “phạm lỗi thứ hai” nhưng các cô bạn của tôi lại lờ đi. Có vẻ người Việt Nam, coi cái sự “phạm lỗi” của nam giới là chuyện thường tình.
Thời bao cấp, người ta còn giữ kẽ sợ bị kiểm điểm, khi mà ở bất kỳ nơi công cộng nào cũng thấy trưng khẩu hiệu cảnh báo “ở đây tai vách mạch dừng. Có gì bí mật xin đừng nói ra”. Còn bây giờ, ở thế kỷ XXI, nếu một nhóm nam giới đã có gia đình ngồi nói chuyện với nhau, nhiều người còn muốn khoe ra “sai lầm” của mình, thậm chí ai không có “sai lầm” còn bị cho là “đụt”, là “râu quặp”.
Còn đối với bạn bè thân thiết, dường như chẳng có đấng mày râu nào thấy cần thiết phải giấu đi chuyện này. Và những ông bạn vàng, như một luật bất thành văn, sẽ “ngậm hột thị” cho tới cuối đời, bản lĩnh như một điệp viên.
Trong một lần tôi tham gia talk show với đạo diễn Lê Hoàng, anh có bảo tôi một cách hãnh diện: “Đàn ông chúng tôi là thông minh lắm, các bà phòng ngừa thế nào cũng không lại được”. Anh kể rằng: “Tôi có một anh bạn. Anh bạn này có một cô bồ. Ai cũng biết chuyện đó trừ bà vợ của anh ta. Tất cả chúng tôi thấy thế đã phục lắm rồi.
Ai ngờ hôm anh ta mở tiệc tại gia, chúng tôi đến nhà mới té ngửa vì thấy cô bồ kia đang… đứng nấu cơm dưới bếp cùng bà vợ”. Rồi sau khi phổ biến “kinh nghiệm” rằng đàn ông nếu có bị “bắt tận tay, day tận trán” thì cũng phải chối bay chối biến, Lê Hoàng cho rằng đàn ông trước sau thế nào cũng được tha thứ, vì phụ nữ vô cùng giàu lòng vị tha và chẳng bà vợ nào muốn truy bức đến cùng cả.
Một lần trả lời phỏng vấn “Nếu bị vợ phát hiện ngoại tình, anh sẽ xử sự thế nào?”, nhà văn Doãn Dũng, đồng thời là giám đốc thương hiệu thời trang Ivy Moda, nói rất khôn ngoan rằng: “Phụ nữ thông minh là người không bao giờ đuổi cùng giết tận. Vợ tôi thông minh hơn tôi ấy”. Phần lớn đàn ông nghĩ thế và kêu gọi như thế. Họ phong tặng các danh hiệu “thông minh”, “vĩ đại” và “vị tha” cho các bà vợ. Nếu có xảy ra chuyện gì, đến bước đường cùng thì họ lý giải “chúng tôi là đàn ông”.
Suhail M. Al Dhaheri, một vị hoàng thân của các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, người sở hữu nhiều cung điện xa hoa ở Dubai và bốn bà vợ xinh đẹp, đồng thời là chủ tịch tập đoàn Al Manhal International, trong một lần sang Việt Nam để đầu tư vào một dự án lớn, ông tò mò hỏi tôi rằng: “Có phải đàn ông Việt Nam ngoại tình nhiều lắm phải không? Tôi nghe nói thế. Người ta cứ phê phán chúng tôi lấy bốn vợ, còn các bạn có một vợ thôi nhưng “vợ” bên ngoài lại rất nhiều”.
Rồi ông ta gặng hỏi quan điểm của tôi một cách mỉa mai: “Nào theo cô, thế nào thì hơn. Bốn vợ hay một vợ?”. Tôi cũng đành nhún vai: “Bốn vợ tốt hơn… nếu các ngài chỉ có bốn vợ và suốt đời không khám phá thêm bất cứ người phụ nữ nào nữa”. Suhail im lặng không nói gì.
Phần lớn phụ nữ Việt Nam cũng nghĩ đến sự “thông minh”, họ sẵn sàng tha thứ cho những lỗi lầm của đàn ông, thậm chí không phải chỉ những lỗi “như gió thoảng” mà ngay cả khi phải sống trong địa ngục thì họ cũng nghĩ rằng như thế này còn tốt hơn là… không có chồng, “có còn hơn không”, miễn rằng anh ta vẫn tử tế, theo cách mang tiền về nuôi vợ con và không bạo hành là được.
Còn đàn ông láng quáng bên ngoài ấy là chuyện thường, có muốn quản lý cũng không được vì họ “tinh vi” vô cùng. Mà nhìn quanh thấy “bố tôi cũng vậy, anh tôi cũng vậy, sếp tôi, thầy giáo tôi, những người tôi kính mến nhất bao năm nay, cứ hết giờ làm nhất nhất chỉ về nhà ăn cơm tối cùng vợ, hóa ra cũng… Vậy thì cái ông chồng tôi là doanh nhân, đẹp trai, có xe hơi, ngày cuối tuần giải trí bằng golf và quần vợt, đàn bà cứ chạy vòng xung quanh, sao tránh khỏi…”.
Quan điểm này được lưu hành ngay cả trong cộng đồng những phụ nữ trẻ hiện đại, độc lập về kinh tế, có nhan sắc và tri thức. Tôi hay được bạn bè chia sẻ chuyện chồng “phạm sai lầm” và nghe qua thì thấy họ không quá đau khổ khi bắt quả tang chứng cứ trong email hay điện thoại của chồng. Hoặc đúng ra thì đã từng đau khổ nhưng nay thì… quen rồi.
Cái sự gì cũng sốc ở lần đầu, sau thì cảm xúc nó mài mòn đi, nhiều quá đâm hóa nhàm. Hỏi biện pháp trừng phạt “tàn khốc” nhất họ dành cho “tội đồ” là gì, có bạn chia sẻ: “Giấu hết quần áo mới của chồng đi (những thứ nghi là của bồ tặng)”, có bạn hùng hồn: “Ngủ riêng giường hai ngày”.
Rồi họ hỏi kinh nghiệm phòng chống và đối mặt của tôi, không phải vì tôi đã từng xử lý những vụ này, mà chỉ có vẻ như họ cảm thấy tôi có gì đó tin tưởng giống… Tầm Thư (có lẽ họ không biết rằng những người đóng vai Thanh Tâm, Tầm Thư, Tâm Giao… cho các mục gỡ rối tơ lòng ngày Chủ nhật lại thường thuộc vào nhóm 4). Tôi thấy rất khó trả lời.
Bởi với những người đã có khả năng chịu đựng phi thường những cú “phạm lỗi” thường niên của bạn trăm năm, mọi lời khuyên của tôi là vô nghĩa, khi mà sau khi nghe lời thuyết phục đầy sức mạnh của tôi, họ sẽ hùng hồn bước ra khỏi quán cà phê nơi chúng tôi vừa ngồi với quyết tâm của một quan tòa, để rồi khi trở về nhà, họ sẽ lại tự biến mình thành luật sư bào chữa: Dù sao chồng mình cũng là đàn ông…
Di Li