Phụ nữ & vấn nạn bị chèn ép tại nơi làm việc

13/05/2014 - 12:04

PNO - PN - Một khảo sát trên 23.000 phụ nữ tại Anh mới đây đã khiến mọi người giật mình: 52% cho biết họ bị ức hiếp, chèn ép tại nơi làm việc trong vòng ba năm qua, từ việc đối xử không công bằng cho đến bị chặn đường tiến thân,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Cuộc khảo sát có tên Dự án 28-40, đã nêu ra những vấn đề người lao động hay gặp phải như: lạm dụng chức quyền, đồng nghiệp hay sếp xem thường công việc họ đang làm, sếp bắt làm việc quá sức và thường xuyên chỉ trích. Có 17% bị cho ra rìa hoặc làm chốt thí, 18% cảm thấy con đường tiến thân của mình bị ngăn chặn một cách cố tình. Một số đông cũng lo sợ khi nghĩ đến việc mang thai, sợ đồng nghiệp phật ý...

Một người tham gia khảo sát cho biết: “Chỗ tôi làm ai cũng thấy sếp nam theo đuổi các nhân viên nữ trẻ tuổi. Có thể chỉ là đùa giỡn, nhưng đã nhiều đến mức khó chấp nhận”.

Một biểu hiện đối xử phân biệt khác là khách hàng nam thường hỏi ý kiến nam nhân viên, dù nữ nhân viên là người phụ trách chính công việc. Khách hàng thường xuyên nhầm nữ lãnh đạo là phụ tá của nhân viên nam.

Điều đáng buồn là một số nạn nhân còn bị chính người cùng phái chèn ép. Những người này trở thành nạn nhân vì sếp nữ của họ cảm thấy bị đe dọa bởi khả năng của cấp dưới. Mặt khác, sự rụt rè của phụ nữ tạo điều kiện khiến họ dễ bị “tấn công” hơn. Kết quả một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, việc phụ nữ ức hiếp người cùng phái trong môi trường làm việc là có thật. Phụ nữ thường chọn phụ nữ vì đó là đối tượng ít phản kháng những cuộc gây hấn hoặc đối đầu. Một nữ nạn nhân thú nhận: “Tôi không thích phản kháng. Nếu thấy ai đó cãi nhau, tôi vội lẩn tránh. Khi bị ghi nhầm tên, tôi xin lỗi người ghi tên. Tôi chờ cho họ đi khỏi rồi mới than vãn với đồng nghiệp khác nếu họ chịu lắng nghe”.

Phu nu & van nan bi chen ep tai noi lam viec

Nghiên cứu này cũng chỉ ra việc những phụ nữ giữ chức vụ cao trong công ty ít nâng đỡ hoặc dìu dắt nhân viên nữ trên con đường sự nghiệp. Tiến sĩ Michelle Duguid cho rằng: “Luôn có một mối e ngại nếu nữ đồng nghiệp có bằng cấp cao, làm việc tốt hơn hoặc được yêu mến hơn mình. Bên cạnh đó, sếp nữ cũng e ngại khi có nhân viên nữ khác kém tài hơn, bởi như vậy dễ mang lại định kiến tiêu cực rập khuôn về phụ nữ”. Bà nhận định thêm, phụ nữ lên đến vị trí cao thường quên mất những năm tháng còn ở cấp thấp. Họ hòa nhập với cách nghĩ của cấp lãnh đạo “hãy bơi hoặc chết chìm” và khẩu hiệu của họ là “tôi từng bị đối xử như rác rưởi, vậy thì cô cũng phải chịu cùng số phận nếu muốn đi lên”.

Một nghiên cứu khác tại New Zealand đã làm rõ hơn vì sao một số trường hợp sếp nữ “mạnh tay” với đồng nghiệp nữ, đó là: nếu có sự phân biệt giới tính trong môi trường làm việc, phụ nữ sẽ cư xử như đàn ông, vì họ e ngại nam giới sẽ cười nhạo khi họ giúp đỡ các đồng nghiệp nữ khác.

Debbie White, Tổng giám đốc Công ty quốc tế Sodexo, đã tham gia cuộc khảo sát Dự án 28-40 và nhận xét kết quả khảo sát là điều không thể chấp nhận trong thế kỷ XXI. Bà kêu gọi các công ty và tổ chức có những chính sách đơn giản và minh bạch để nhân viên có thể báo cáo ngay khi xảy ra việc bị chèn ép, đồng thời phải giải quyết triệt để tình trạng này. Ruby McGregor-Smith, Tổng giám đốc Công ty Mitie đồng tình: “Việc tường trình với cấp trên rất quan trọng. Chúng ta phải làm mọi cách để nhân viên cảm thấy tự tin khi báo cáo sự việc. Phải có một hệ thống mở để mọi người có thể chỉ rõ vấn đề ngay khi mới phát sinh”.

Kathryn Nawrockyi, Giám đốc tổ chức Opportunity Now, tác giả của công trình nghiên cứu trên hy vọng tiếng nói của 23.000 phụ nữ có thể đánh động dư luận, mang lại được sự thay đổi, tạo lập bình đẳng trong môi trường làm việc.

PHAN QUỲNH DAO (Theo Times, FMJ và Levo.com)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI