Phụ nữ và trẻ em khốn khổ trong cuộc khủng hoảng chiến sự ở Ukraine

22/02/2022 - 19:13

PNO - Những trận xả súng dai dẳng suốt 8 năm qua ở Ukraine không nhắm vào phụ nữ và trẻ em, nhưng cuộc sống của họ bị vây ở đó, trở thành đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Những đứa trẻ phải học cách thở để đối phó các cơn hoảng loạn

Sasha (12 tuổi) và anh trai của mình là Sergey (16 tuổi) đang trên đường đi tập bóng vào đầu tháng 2 thì bất ngờ nghe thấy tiếng súng phát ra gần nhà, tại ngôi làng tiền tuyến Krasnohorivka của Ukraine.

“Chúng tôi phải lập tức chạy về nhà như mọi khi chúng tôi vẫn làm lúc có tiếng nổ súng. Tôi thích vui chơi bên ngoài nhưng tôi không bao giờ biết liệu có ai đó sẽ bắn chết mình hay không” - Sergey tâm sự.

Vào ngày 17/2, Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết ngôi làng tiền tuyến Stanytsia Luhanska của nước này đã bị nã pháo khiến các cơ sở hạ tầng dân sự bị hư hại. Các nhân viên cứu trợ cho biết ít nhất 3 người bị thương sau vụ việc và một quả đạn pháo đã đâm xuyên qua tường của một trường mẫu giáo.

Trẻ em tại Trung tâm Phục hồi chức năng Leleka ở thị trấn tiền tuyến của Popasna.
Trẻ em tại trung tâm phục hồi chức năng Leleka ở vùng tiền tuyến Popasna

Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (OCHA), khoảng 378.000 trẻ em cần được bảo vệ và hỗ trợ trên các vùng chiến tuyến đang tranh chấp giữa quân đội Ukraine và phe ly khai.

Sau gần 8 năm xung đột âm ỉ giữa 2 lực lượng ở khu vực miền đông Ukraine, trẻ em vẫn nằm trong số những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi không thể rời khỏi khu vực chiến sự, hứng chịu pháo kích liên tục và không ít trường hợp trẻ tử vong vì các vụ đánh, xả súng.

Theo OCHA, 250.000 trẻ em hiện nay thường xuyên bị pháo kích và tiếp xúc với bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, khiến các em dễ bị thương và gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tại vùng chiến sự miền đông Ukraine, Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) đã ghi nhận 12 dân thường thương vong liên quan đến các cuộc xung đột trong năm 2021. Trong đó có 3 bé trai và 1 bé gái thiệt mạng vì bom mìn còn sót lại, còn 8 người khác bị thương trong các vụ nổ và pháo kích.

Trong 8 năm qua, nhiều trẻ em và giáo viên đã bị thiệt mạng trên đường đến trường. Theo Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, một cậu bé 7 tuổi đã chết khi trường mẫu giáo cậu theo học bị trúng đạn pháo vào năm 2015. Tháng 3/2020, một nữ sinh 17 tuổi bị thương do pháo kích khi đang trong một trường học ở Oleksandrivka.

Bên cạnh những vết thương về mặt thể xác, trẻ em Ukraine còn hứng chịu nhiều tổn thương về mặt tinh thần. Để tránh những sự cố đáng tiếc khi căng thẳng đang liên tục gia tăng trong những tuần gần đây, tại ngôi làng tiền tuyến ở Novomykhailivka, các tình nguyện viên đã quyết định vẽ tranh lên tường để dạy trẻ cách tránh bom mìn khi chơi ngoài trời. Trong một trường học ở Krasnohorivka, các nhà trị liệu cũng hướng dẫn trẻ em các bài tập thở cơ bản để bảo vệ chúng khỏi các cơn hoảng loạn. 

Hàng loạt phụ nữ sống cô độc

Nikolaevna là một phụ nữ mù do biến chứng của bệnh tiểu đường, hiện sống một mình trong căn hộ 3 phòng ngủ ở thị trấn Chasiv Yar, miền đông Ukraine.

Ở tuổi 83, bệnh tình của bà ngày càng trầm trọng, sức khỏe đang dần xấu đi vì hệ thống sưởi không hoạt động và thường xuyên bị thiếu nước uống.

Nhiều phụ nữ sống cô độc sau khi chồng con qua đời tại vùng chiến tuyến miền đông Ukraine.
Nhiều phụ nữ sống cô độc sau khi chồng con qua đời tại vùng chiến tuyến miền đông Ukraine

"Chồng tôi chết vì đau tim và đứa con trai duy nhất của tôi cũng đột ngột biến mất. Trong gia đình, giờ tôi là người duy nhất còn lại” -  bà Ala Nikolaevna cho biết.

“Khi không có lò sưởi, tôi mặc nhiều quần áo và cầu nguyện. Tôi chỉ có một điều ước: Con trai tôi có thể ôm tôi một lần nữa” - bà nói thêm.

Trong bối cảnh cuộc chiến giữa quân đội Ukraine và phe ly khai đã giết chết khoảng 14.000 người kể từ năm 2014, nhiều phụ nữ lâm vào cảnh không người thân, mất chồng con, gặp nhiều vấn đề sức khỏe và sống cô độc gần chiến tuyến.

Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, tất cả đàn ông đều gia nhập quân đội hoặc tìm việc làm ở các khu vực khác của Ukraine, khiến hiện tại chủ yếu là phụ nữ sống một mình gần các chiến tuyến.

OHCA cho biết 1,6 triệu trong số 2,9 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo ở miền đông Ukraine là phụ nữ.

Tại vùng chiến sự, công việc duy nhất mà đàn ông có thể làm là trở thành một thợ mỏ; do đó không ít nam giới phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và chết trẻ. Điều này là nguyên nhân khiến những ngôi làng ở tuyến đầu chỉ toàn những bà mẹ đơn thân, sống đơn độc.

Lizaveta Zhuk, một nhân viên của OCHA Ukraine, nói với Al Jazeera: “Ở các khu vực do chính phủ Ukraine kiểm soát, 71% chủ hộ là nữ”.

Thu Hương (theo FP và Aljazeera)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI