Phụ nữ và trẻ em gái phải chịu thiệt thòi đầu tiên khi hạn hán tấn công

22/03/2024 - 19:23

PNO - Hôm 22/3, Liên hiệp quốc (LHQ) cho biết phụ nữ và trẻ em gái phải chịu thiệt thòi đầu tiên khi hạn hán tấn công các vùng nông thôn và người nghèo.

Báo cáo phát triển nước thế giới của Liên hợp quốc cho thấy phụ nữ và trẻ em gái thường chịu trách nhiệm lấy nước - và việc tiếp cận nước là vấn đề chính trong cuộc xung đột ở Gaza. Ảnh: Anadolu/Getty Images
Báo cáo của Liên hiệp quốc cho thấy phụ nữ và trẻ em gái thường chịu trách nhiệm lấy nước trong cuộc xung đột ở Gaza - Ảnh: Anadolu/Getty Images

Theo báo cáo phát triển nguồn nước mới nhất của LHQ, phụ nữ và trẻ em gái là những đối tượng đầu tiên phải chịu thiệt hại khi hạn hán tấn công, nhất là ở các khu vực nông thôn và người nghèo. LHQ đã kêu gọi các nước khắc phục những mặt hạn chế, mất cân bằng về tài nguyên nước.

LHQ cho biết, căng thẳng về tài nguyên nước, cũng như việc sử dụng quá mức và ô nhiễm các hệ thống nước ngọt trên thế giới, là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Các tác giả của báo cáo nhận thấy rằng nếu các nước hợp tác tốt hơn về tiếp cận nước ngọt cũng sẽ đóng vai trò cải thiện cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái.

"Phụ nữ và trẻ em gái chịu trách nhiệm chính trong việc lấy nước ở các vùng nông thôn và những nơi nghèo trên khắp thế giới. Việc thiếu vệ sinh an toàn là nguyên nhân khiến trẻ em gái bỏ học, đồng thời làm tăng tính dễ bị tổn thương của phụ nữ hơn nữa" - trích báo cáo của LHQ.

Audrey Azoulay - Tổng giám đốc của UNESCO cho biết: “Khi căng thẳng về nước tăng lên, nguy cơ xung đột địa phương hoặc khu vực cũng tăng theo. Thông điệp của UNESCO rất rõ ràng nếu muốn gìn giữ hòa bình, chúng ta phải hành động nhanh chóng không chỉ để bảo vệ tài nguyên nước mà còn tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực này”.

Báo cáo cho thấy tác động của tình trạng thiếu nước và căng thẳng về nước bao gồm di cư bắt buộc, mất an ninh lương thực và các mối đe dọa sức khỏe khác cũng như những mối nguy hiểm đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Ngoài ra, căng thẳng về nước cũng đang làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột trên khắp thế giới. Tuy nhiên, theo Alvaro Lario - Chủ tịch Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế - mặc dù vai trò của nước trong chiến tranh thường được đề cập nhưng có quá ít sự chú ý đến tiềm năng hợp tác trên toàn cầu về nước nhằm duy trì hòa bình.

“Nước, khi được quản lý bền vững và công bằng, có thể là nguồn gốc của hòa bình và thịnh vượng. Nó cũng là huyết mạch theo nghĩa đen của nông nghiệp, động lực kinh tế xã hội chính cho hàng tỉ người”- ông nói.

Theo Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế, việc cải thiện nước rất ít trong những năm gần đây do khủng hoảng khí hậu, ô nhiễm và lạm dụng tài nguyên nước ngọt ở một số khu vực đã gây thêm căng thẳng về nước. Gần một nửa dân số thế giới không được tiếp cận với điều kiện vệ sinh hợp lý và khoảng 2,2 tỉ người không thể dựa vào nguồn cung cấp nước uống an toàn.

"Nếu xu hướng này tiếp tục, tình trạng thiếu nước có thể sẽ ảnh hưởng đến nhiều người hơn nữa trong tương lai. Nhu cầu nước ngọt toàn cầu sẽ vượt nguồn cung 40% vào cuối thập kỷ này" - Alvaro Lario nói thêm.

Vào năm 2022, khoảng một nửa dân số thế giới phải trải qua tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng, hạn hán đã ảnh hưởng đến hơn 1,4 tỉ người.

Thảo Nguyễn (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI