Thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số về giới
Đại dịch COVID-19 đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số toàn cầu khi ngày càng có nhiều người làm việc, kinh doanh trực tuyến. Điều này tạo ra cơ hội mới nhưng cũng là rủi ro cho phụ nữ và trẻ em gái.
|
Phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số về giới - Ảnh: UNDP MAURITANIA |
Ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi điện thoại di động là phương tiện chính để lên mạng, tỷ lệ phụ nữ sở hữu điện thoại thông minh vẫn thấp hơn 20% so với nam giới. Trên toàn cầu, nữ giới cũng chỉ chiếm 29% lực lượng lao động trong lĩnh vực STEM (các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học).
Dù còn nhiều khó khăn trong cố gắng thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số giữa hai giới, theo các chuyên gia, việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số vẫn là động lực thúc đẩy bình đẳng giới, mang lại cho nữ giới thông tin, cơ hội và nguồn lực mới.
Bà Claire Sibthorpe, Giám đốc chương trình Connected Women thuộc Hiệp hội Hệ thống thông tin di động toàn cầu (GSMA), cho biết việc truy cập internet cho phép phụ nữ cảm thấy an toàn, kết nối và tự chủ hơn, cũng như phát triển sự độc lập về giáo dục và kinh tế của họ: “Nếu nghĩ về việc phải giáo dục con cái khi trường học đóng cửa, tiếp cận thông tin về đại dịch, tạo ra các nguồn thu nhập thay thế cho gia đình… thì internet càng quan trọng hơn đối với phụ nữ”.
|
Veronika, một trong những thí sinh tham gia Technovation challenge (chương trình do UNDP hỗ trợ, mời các cô gái và phụ nữ trẻ làm việc theo nhóm để viết các ứng dụng di động…), cho biết: “Mọi người nói con trai thường làm việc trong lĩnh vực công nghệ nhưng tôi nghĩ con gái cũng có thể làm được điều đó vì khi bắt tay vào làm, tôi thực sự thích và nó truyền cảm hứng cho tôi” - Ảnh: UN TECHNOVATION |
Dẫu đã có những thay đổi tích cực đáng kể, sự phân chia giới tính vẫn tồn tại trong việc tiếp cận kỹ thuật công nghệ, một phần do các chuẩn mực xã hội cũng như định kiến giới đã ăn sâu vào nhận thức.
“Một trong những nỗi lo lớn của tôi sau khi tốt nghiệp không phải là tìm được việc làm mà là được chấp nhận tại nơi làm việc” - Marlee Kopetsky, một sinh viên kỹ thuật y sinh tại Học viện Công nghệ Stevens, Mỹ chia sẻ về khó khăn với tư cách một nữ sinh đang theo đuổi lĩnh vực STEM.
Năm 2019, UNDP (Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc) đã bắt đầu hành trình chuyển đổi số. Điều cơ bản là đảm bảo toàn xã hội được tiếp cận công bằng với khoa học, công nghệ. Hệ thống theo dõi phản ứng giới tính toàn cầu COVID-19 do UNDP và UN Women phối hợp thực hiện đã giám sát các biện pháp ứng phó với đại dịch, trực tiếp giải quyết vấn đề kinh tế và an sinh xã hội của phụ nữ - bao gồm thị trường lao động cũng như bạo lực mà nữ giới phải gánh chịu.
Quyền tiếp cận an toàn của phụ nữ trong thế giới trực tuyến
|
Tại Azerbaijan, một chương trình cố vấn kết nối phụ nữ trẻ với các nhà lãnh đạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) giúp họ nhận được hỗ trợ - Ảnh: UNDP AZERBAIJAN |
Những lo ngại về an toàn dữ liệu và mối đe dọa bị quấy rối trực tuyến là rào cản lớn đối với việc tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật số của phụ nữ hiện nay. Ở Mỹ Latinh, khả năng bị quấy rối và vi phạm quyền riêng tư khiến phụ nữ ngại sử dụng công nghệ, đặc biệt là tại Guatemala và Mexico. Quấy rối cũng là vấn đề lớn ở châu Phi. Tại Nam Phi, 22% phụ nữ nói mình là nạn nhân của nạn trên.
Priya, ở Mumbai, Ấn Độ cảm thấy bất lực khi biết bạn trai cô đã chia sẻ một bức ảnh thân mật của họ mà không được sự đồng ý của cô: “Anh ấy nói tất cả những người đàn ông khác đều mơ ước có tôi nhưng chỉ có anh ấy có được tôi. Hành vi chia sẻ ảnh có thể không phải là bạo lực thể xác nhưng khiến tôi xấu hổ và mang lại rắc rối cho tôi” - Priya trả lời Reuters.
Không riêng Priya, hàng triệu phụ nữ cùng trẻ em gái đã và đang trở thành nạn nhân của nạn lạm dụng qua mạng. Những cuộc tấn công có thể khiến họ hạn chế tương tác trực tuyến, thậm chí đẩy họ lánh xa các mạng xã hội, từ đó làm suy yếu mạng lưới hỗ trợ và đoàn kết do phụ nữ tạo ra để những phụ nữ khác thấy rằng họ không đơn độc, ngay cả trong không gian mạng.
Luật sư Akhila Kolisetty, người đồng sáng lập Tổ chức End Cyber Abuse, New York, cho biết: “Ở các quốc gia không có quy định cụ thể, các nạn nhân bị lạm dụng, quấy rối tình dục rất khó tìm được công lý vì cảnh sát thường không xem xét các khiếu nại của họ một cách nghiêm túc".
Nhận thức rõ vấn đề còn tồn đọng, các văn phòng của UNDP trên toàn thế giới đang phát triển các công cụ phù hợp để giúp phụ nữ nhận biết và phục hồi sau hành vi lạm dụng trực tuyến. Tại Kyrgyzstan, UNDP đã hỗ trợ phát triển phần mềm chatbot, cho phép phụ nữ xác định các dấu hiệu lạm dụng tâm lý và tài chính trực tuyến. Họ cũng giúp gần 100 quốc gia trong việc chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới. Trong khi đó, Tòa án Nhân quyền châu Âu đã đưa ra những chỉ dẫn quan trọng về nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong việc bảo vệ phụ nữ khỏi nạn bạo hành qua mạng.
Ở Pháp, bắt nạt trực tuyến đối với phụ nữ và trẻ em gái đã bị coi là tội hình sự. Luật pháp ở Slovenia và Ba Lan cũng xử lý hình sự cả biểu hiện ngoại tuyến và trực tuyến của tội theo dõi. Ý đã coi việc phổ biến bất hợp pháp các hình ảnh hoặc video khiêu dâm là hành vi phạm tội.
Phát triển sản phẩm phục vụ phụ nữ và trẻ em gái
|
Diletta Giuntini khuyên các bạn gái trẻ: “Đừng ngần ngại theo đuổi lĩnh vực STEM để nắm bắt những cơ hội đầy cảm hứng; tránh lãng phí thời gian và sức lực vào những định kiến hay những suy nghĩ tiêu cực” - Ảnh: RESEARCHGATE |
Dù xã hội đã có rất nhiều cố gắng trong việc thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số về giới nhưng chúng ta vẫn phải thừa nhận lực lượng lao động chính trong các ngành khoa học, công nghệ vẫn là nam. Trong tương lai, thế giới cần tạo ra nhiều không gian hơn cho phụ nữ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, bởi việc nữ giới nắm bắt được các kiến thức kỹ thuật sẽ là bước ngoặt mang tính chuyển đổi và là chìa khóa để thu hẹp khoảng cách về giới.
"Tôi tin rằng sự đa dạng đóng vai trò quan trọng trong việc trao quyền cho mọi người, cải thiện mọi khía cạnh của công việc và xã hội nói chung. Những câu chuyện và quan điểm khác nhau sẽ mang đến các giải pháp sáng tạo" - Diletta Giuntini, trợ lý giáo sư tại Đại học Công nghệ Eindhoven, Hà Lan chia sẻ lý do tại sao phụ nữ lại cần làm việc trong STEM.
Tại châu Âu và Trung Á, UNDP đã tạo ra nền tảng STEM4ALL sử dụng kiến thức và vận động chính sách để thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc trong các ngành công nghiệp lâu nay do nam giới thống trị như khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.
Ấn Độ đã phát triển các công cụ lấy phụ nữ làm trung tâm như ứng dụng di động Ajeevika. Ứng dụng đã kết nối 100.000 phụ nữ nông thôn với các nhóm giúp họ tiếp cận các chương trình an ninh của chính phủ, thông tin đào tạo và chăm sóc sức khỏe.
Song song với việc phát triển sản phẩm phục vụ nhu cầu cho phụ nữ và trẻ em gái, các chuyên gia tin rằng việc nâng cao và bảo vệ tiếng nói đa dạng trong các cộng đồng địa phương cũng quan trọng không kém.
Chung Thu Hương