Vấn đề nhức nhối
Hội nghị được sự chung tay góp sức của Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, UN Women và PeD.
Với chủ đề "Công tác xã hội trong hỗ trợ bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực giới tại cơ sở y tế và trong bối cảnh dịch COVID-19", hội nghị được sự quan tâm của rất nhiều nhà chuyên môn, lãnh đạo các tổ chức bảo vệ phụ nữ, trẻ em, cùng đội ngũ y, bác sỹ và nhân viên công tác xã hội của 40 bệnh viện trên địa bàn thành phố, giảng viên, sinh viên ngành Công tác xã hội các Trường Đại học…
|
Bà Lê Thị Phương Thúy - Trưởng phòng Tư vấn, Trung tâm Phụ nữ và phát triển Hà Nội - kể về nỗi uất ức của những chị em bị bạo lực |
Sở dĩ thu hút được sự quan tâm của đông đảo, theo bà Trương Thị Ánh - Phó Chủ tịch Hội Đồng Nhân dân TPHCM, khách mời của chương trình - vì đây là vấn đề nhức nhối, đau lòng, cần cái nhìn thông suốt; là vấn đề không thể né tránh mà cần bắt tay làm ngay.
Hội nghị đã lắng nghe những trải nghiệm của đội ngũ cán bộ y, bác sỹ, nhân viên công tác xã hội - là những người trong cuộc đã và đang hỗ trợ cho bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực giới tại các cơ sở y tế. Đó là câu chuyện những phụ nữ bị bạo hành xin tá túc ở Ngôi nhà bình yên do bà Lê Thị Phương Thúy - Trưởng phòng Tư vấn, Trung tâm Phụ nữ và phát triển Hà Nội kể lại; là câu chuyện về bà mẹ trẻ đành đoạn bỏ rơi con của bác sỹ Phạm Quốc Hùng - Trưởng phòng Công tác xã hội, bệnh viện Hùng Vương; là những mảnh đời éo le, bất hạnh của những nạn nhân bị bạo lực...
Theo thông tin từ hội nghị, mùa dịch bệnh covid-19 vừa qua, Việt nam không là ngoại lệ trong tình trạng gia tăng bạo lực trên cơ sở giới. Tuy nhiên, do cách thống kê, kiểm đếm nên chúng ta chưa thể thống kê được chính xác số nạn nhân. Các đại biểu đã chỉ ra rằng, bệnh nhân là nạn nhân bạo lực giới nhận được hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố; song sự gắn kết giữa nạn nhân bạo lực giới, bác sỹ, nhân viên công tác xã hội với các đơn vị cung cấp dịch vụ gặp nhiều thách thức và chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của các bên.
Với mong muốn tạo ra diễn đàn để cùng nhau nghe trải nghiệm của các bên, tháo gỡ những khó khăn và rà soát cơ chế phối hợp liên ngành, liên lĩnh vực trong hỗ trợ cho bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực giới tại cơ sở y tế trong bối cảnh dịch COVID-19.
|
Hội nghị đã nghe rất nhiều tình huống "dở khóc dở cười" của nhân viên y tế, cán bộ bảo vệ phụ nữ, trẻ em, khi chính nạn nhân cũng bao che, dung dưỡng cho kẻ ác |
|
Có những câu chuyện về nạn nhân bị bạo lực mà nhân viên y tế khi nhắc đến đã không kìm được nước mắt |
Đừng giấu số liệu!
Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế, thành viên Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới TPHCM cho biết, thành phố đã có nhiều chính sách để hạn chế bạo lực trên cơ sở giới như các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nạn nhân, đường dây nóng tiếp nhận và xử lý các trường hợp, xử phạt đối tượng gây bạo lực… song tình trạng bạo lực vẫn liên tiếp xảy ra và có xu hướng gia tăng tỷ lệ thuận với số nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới. Xuất phát từ lý do này, Phòng Công tác xã hội tại các bệnh viện đã được thành lập với mong muốn hình thành đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp để đồng hành cùng đội ngũ y, bác sỹ trong điều trị và trợ giúp bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực giải quyết các vấn đề khó khăn mà họ đang gặp phải, từ đó giúp họ tạo ra những thay đổi để hòa nhập xã hội, tiếp cận được với chính sách, nguồn lực, dịch vụ xã hội nhằm đáp ứng những nhu cầu mà nạn nhân cần đến để chấm dứt bị bạo lực”.
Thực tế, hiện nay, bệnh nhân bị bạo lực nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ về nhiều mặt của nhà nước, chính quyền các cấp, cộng đồng xã hội và đặc biệt là nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện cùng với cán bộ tại địa phương, đã góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của bệnh nhân và gia đình họ. Tuy vậy, về phương diện và mức độ, những hoạt động này còn mang tính hình thức, sự phối kết hợp giữa các nghành, các cấp còn lỏng lẻo, hoạt động công tác xã hội tại một số bệnh viện còn mờ nhạt, chưa chuyên sâu nên chưa đáp ứng đúng những nhu cầu của bệnh nhân và gia đình họ. Trong khi đó để trợ giúp bệnh nhân, chân viên công tác xã hội phải đóng nhiều vai trò là “người tiếp nhận và cung cấp thông tin”, “người cung cấp các dịch vụ hỗ trợ”, “người chăm sóc”, “người giám sát, đánh giá”, “người kết nối nguồn lực” và “người trợ giúp pháp lý” để đồng hành với đội ngũ y, bác sĩ trong phòng ngừa, giảm nhẹ, giải quyết vấn đề của bệnh nhân bạo lực giới từ cấp độ cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Và hiện nay, trong bối cảnh COVID-19, vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em có thể xảy ra trong các khu vực cách ly là một vấn đề mà ngành Y tế, nhân viên công tác xã hội đặc biệt quan tâm.
Ông Hưng hy vọng, diễn đàn này là bước khởi đầu quan trọng để Sở Y tế cùng đồng hành với các ngành, các cấp của thành phố chung tay hành động vì bình đẳng giới, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em góp phần từng bước hiện thực hóa các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.
Chia sẻ cảm nghĩ về hội nghị, ông Nguyễn Lữ Gia, cán bộ quản lý dự án tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam (Save The Children), cho rằng, việc ngành y tế cùng các bệnh viên lên tiếng về bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực đối với trẻ em là một bước tiến bộ thật sự của công tác bảo vệ phụ nữ trẻ em. Chỉ có con số tại bệnh viện mới có thể nói lên sự thật về bạo lực gia đình. Tuy nhiên, ông Gia cho rằng, để triệt để bảo vệ các nạn nhân thì việc kết nối số liệu, hệ thống hỗ trợ… từ những bệnh viện trung ương, thành phố đến các trạm y tế xã phường hãy còn là một thách thức không nhỏ với Việt Nam. Nếu không có sự quyết liệt thay đổi hình thức báo cáo số liệu, thì con số chính xác về bạo lực trên cơ sở giới sẽ không thể thống kê đầy đủ cho dù một hai năm nữa chứ đừng nói gì mùa dịch bệnh COVID-19 này.
Xin đừng giấu số liệu nạn nhân, bởi không có thống kê đầy đủ về con số nạn nhân thì chúng ta làm sao bảo vệ hữu hiệu cho phụ nữ và trẻ em như đã tuyên bố!
Nghi Anh