Phụ nữ và "cuộc chiến" cân bằng công việc - cuộc sống

13/12/2024 - 06:14

PNO - Đối với nhiều phụ nữ đang đi làm, cân bằng giữa công việc và cuộc sống đang là một “cuộc chiến” khi họ phải chịu áp lực lớn về việc chu toàn từ công việc cho đến gia đình, đáp ứng các kỳ vọng của gia đình và xã hội.

Chúng tôi không ổn

Một cuộc thăm dò mới từ tổ chức phân tích - tư vấn Gallup (Mỹ) cho thấy: sự cạnh tranh giữa công việc và gia đình là vấn đề đau đầu đối với phụ nữ. Kết quả này thu được từ 4 cuộc khảo sát riêng biệt với gần 20.000 người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên, đang làm việc toàn thời gian hoặc bán thời gian tại Mỹ.

So với nam giới, phụ nữ đang phải giải quyết các trách nhiệm cá nhân hoặc gia đình ngay tại nơi làm việc hằng ngày, thậm chí là nhiều lần trong ngày. Ngược lại, họ cũng cần giải quyết các trách nhiệm liên quan đến công việc ngoài giờ làm việc. Báo cáo lưu ý: “Những gián đoạn thường xuyên - cho dù đó là lên lịch hẹn khám răng cho con giữa các cuộc họp hay trả lời email sau giờ làm việc - đều liên quan đến mức độ căng thẳng, lo lắng và kiệt sức cao hơn. Đối với nhiều phụ nữ đi làm, việc cố gắng tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống giống như một cuộc chiến dai dẳng, mỗi bên đều đòi hỏi mức độ hiện diện và chú ý cao hơn”.

Kristy Denette - một người mẹ ở Canada - cố gắng làm việc trong khi 2 con của cô học trực tuyến vào năm 2021  - Nguồn ảnh: The Canadian Press
Kristy Denette - một người mẹ ở Canada - cố gắng làm việc trong khi 2 con của cô học trực tuyến vào năm 2021 - Nguồn ảnh: The Canadian Press

Trên hết, so với những người chồng làm việc, các người vợ đi làm có nhiều khả năng phải từ chối hoặc trì hoãn việc thăng chức tại nơi làm việc vì các bó buộc về nghĩa vụ cá nhân hoặc gia đình. Họ cũng có nhiều khả năng trở thành người xử lý “mặc định” các vấn đề chăm sóc trẻ em bất ngờ hơn so với nam giới. Các phát hiện này tương đồng với xu hướng thường được những người mẹ đi làm thể hiện trên TikTok - nơi có 1,2 triệu video gắn thẻ #workingmom. Trong một video đăng năm 2023, có 4,4 triệu lượt xem, tiktoker Honestly Kaitlin chia sẻ: “Chúng tôi là những bà mẹ đi làm. Đừng hỏi chúng tôi rằng chúng tôi có ổn không. Chúng tôi không ổn”.

Hoàn thành mọi việc theo cách phù hợp nhất

Nghiên cứu của Gallup cũng phát hiện: 51% phụ nữ đi làm cho biết họ cảm thấy căng thẳng rất nhiều vào ngày hôm trước (so với 39% nam giới). Ngoài ra, 42% phụ nữ cũng cho biết công việc có tác động tiêu cực hoặc cực kỳ tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của họ trong vòng 6 tháng gần nhất (so với 37% nam giới).

Những vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến các tổ chức nơi phụ nữ làm việc. Sự suy giảm hạnh phúc của họ có liên quan đến mức độ gắn kết thấp hơn, tình trạng kiệt sức cao hơn và thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm việc làm mới. Trong báo cáo, chỉ có 26% phụ nữ hoàn toàn đồng ý rằng tổ chức của họ quan tâm đến hạnh phúc cá nhân của nhân viên. Điều này cho thấy, các tổ chức hiện không làm đủ trong việc phát triển chính sách, chương trình và nguồn lực tập trung vào nữ giới hoặc các dịch vụ phúc lợi hiện tại không đáp ứng thỏa đáng nhu cầu của phụ nữ.

Neha Kumar - giáo sư tại Đại học California, Los Angeles (Mỹ), đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của doanh nghiệp Full Glass Wine - cho biết: “Phụ nữ thế hệ chúng tôi được dạy phải có tham vọng, phải ra ngoài và làm mọi thứ, đạt được những gì bạn muốn. Nhưng sau đó, ngay khi tôi có con, tôi được bảo rằng: hãy là người mẹ tốt nhất, hãy chăm sóc con bạn trước tiên”. Khi được hỏi về việc cân bằng giữa làm mẹ và sự nghiệp, Kumar khuyên: “Bạn không cần phải làm mọi thứ, hãy hoàn thành mọi việc theo cách phù hợp nhất”.

Đối với cô, điều đó có nghĩa là ưu tiên những điều bản thân muốn hoàn thành, chẳng hạn như đảm bảo các con cảm thấy được yêu thương và chăm sóc, cùng chúng đến cuộc hẹn với bác sĩ và dành thời gian chất lượng cho gia đình.

Theo các nhà nghiên cứu từ Gallup, đối với các công ty, bước đầu tiên để tăng cường phúc lợi cho phụ nữ là xem xét lại các chính sách, chương trình và tài nguyên hiện tại để hiểu cách chúng được người lao động sử dụng. Việc truyền đạt rõ ràng và nhất quán về các chính sách, chương trình phúc lợi giúp đảm bảo rằng nhân viên biết và cảm thấy được khuyến khích sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ tổ chức. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp dựa trên phúc lợi cũng nên bắt đầu bằng việc các nhà lãnh đạo thúc đẩy giao tiếp cởi mở về tầm quan trọng của hạnh phúc cá nhân, chủ động nêu bật các nguồn lực sẵn có và biến trải nghiệm của nhân viên thành trọng tâm trong chiến lược tổ chức.

Linh La (theo Gallup, CBS, Forbes, Industry Dive)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI