Phụ nữ và áp lực duy trì dân số

20/10/2021 - 06:31

PNO - Để dân số ổn định, tổng tỷ suất sinh (số trẻ trung bình được sinh ra trên mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh sản) ở các nước cần đạt mức 2,1. Dường như ngay cả chính chỉ số này đã là áp lực đè nặng lên vai phụ nữ.

Tỷ suất sinh giảm tại nhiều quốc gia

Các nước đang phát triển thường có tỷ lệ sinh cao hơn do người dân khó tiếp cận với các biện pháp tránh thai và kiểm soát sinh sản. Nhiều gia đình ở các nước nghèo cũng cần nhiều con cái, nhằm hỗ trợ sinh kế cho gia đình bằng cách đi làm sớm và chăm sóc cha mẹ khi về già.

Ở các nước phát triển, tỷ lệ sinh thường thấp hơn do việc kiểm soát sinh đẻ dễ thực hiện và phụ nữ thường chọn theo đuổi sự thăng tiến nghề nghiệp trước khi làm mẹ. Hồng Kông (Trung Quốc) là ví dụ điển hình cho việc phụ nữ rời bỏ cấu trúc gia đình truyền thống và tập trung vào sự nghiệp khiến tỷ lệ sinh giảm xuống mức 1,22. So với thế giới, châu Á dường như đang gặp vấn đề nghiêm trọng về tỷ lệ sinh thấp, chẳng hạn với Hàn Quốc và Singapore là hai nước có tỷ lệ sinh thấp nhất, lần lượt là 1,09 và 1,15. Nếu xét đến vùng lãnh thổ, Đài Loan, Ma Cao và Hồng Kông của Trung Quốc cũng thuộc nhóm thấp nhất.

Vào cuối tháng Năm vừa qua, Bắc Kinh thông báo rằng các bậc cha mẹ ở Trung Quốc hiện được phép sinh tối đa ba con. Theo điều tra dân số mới nhất công bố vào cùng tháng, dân số Trung Quốc giảm khoảng 400.000 người mỗi năm do sở hữu tỷ lệ sinh chỉ là 1,3, thấp hơn nhiều tỷ suất cần để giữ dân số ổn định. 
 

Áp lực sinh con đặt nặng lên vai phụ nữ, khiến họ mắc kẹt giữa cán cân sự nghiệp - gia đình và phải hy sinh nhiều phúc lợi cá nhân
Áp lực sinh con đặt nặng lên vai phụ nữ, khiến họ mắc kẹt giữa cán cân sự nghiệp - gia đình và phải hy sinh nhiều phúc lợi cá nhân

Tương tự, theo điều tra dân số gần đây của Mỹ, tỷ lệ sinh ở xứ cờ hoa đã giảm trong sáu năm liên tiếp kể từ năm 2007, xuống còn 1,64 vào năm 2020. 

Đại dịch COVID-19 đóng vai trò như một nhân tố tác động mạnh mẽ đến xu hướng sinh sản toàn cầu. Thay vì tạo nên sự bùng nổ trẻ em như nhiều bình luận châm biếm dự đoán vào đầu giai đoạn phong tỏa, hầu hết số ca sinh nở trong giai đoạn này đều được lên kế hoạch từ lâu, đặc biệt là ở các nước phát triển. Trên thực tế, Viện Brookings (Mỹ) ước tính rằng 300.000 trẻ sơ sinh không được sinh ra ở Mỹ do tác động kinh tế từ đại dịch. Năm 2020, Úc ghi nhận sự sụt giảm dân số đầu tiên kể từ Thế chiến thứ nhất, do các biện pháp kiểm soát biên giới liên quan đến COVID-19 chặt chẽ hơn. 

Các quốc gia Đông Nam Á cũng trải qua các giai đoạn già hóa dân số khác nhau. Ngân hàng Thế giới ước tính đến năm 2030, hầu hết các quốc gia trong khu vực, bao gồm Việt Nam, Malaysia và Indonesia, sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số, trong khi Singapore và Thái Lan thậm chí đã trở thành xã hội già nua. 

Phụ nữ cần được hỗ trợ nhiều hơn

Một cuộc khảo sát mới, thăm dò ý kiến của 2.905 thanh niên chưa lập gia đình sống ở các thành phố của Trung Quốc trong độ tuổi từ 18 - 26 cho thấy, 44% phụ nữ được hỏi cho biết họ không có ý định kết hôn, con số này ở nam giới là 25%. Về lý do, 34,5% cho rằng họ “không có thời gian và năng lượng để kết hôn”. Trong khi đó, 60,8% cho biết họ cảm thấy “khó tìm được người phù hợp”. Những người tham gia cũng đề cập một số lý do khác, bao gồm chi phí tài chính cho hôn nhân và gánh nặng kinh tế khi có con. Trong khi đó, 1/3 người cho biết họ không tin vào hôn nhân và một tỷ lệ tương tự cho biết chưa từng yêu ai.

Tại Nhật Bản, phụ nữ dành gấp đôi thời gian cho công việc nội trợ và chăm sóc con cái so với chồng nên mọi áp lực đổ dồn lên họ. Vì vậy, một chiến dịch khuyến khích các ông chồng đảm đương nhiều việc nhà và chăm sóc con cái chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của phụ nữ. Mục tiêu cuối cùng không phải là đảo ngược cán cân bình đẳng giới mà là giúp phụ nữ có được sự nghiệp và cuộc sống gia đình tốt hơn. Điều đó bao gồm cả việc sinh con trước khi quá muộn mà không phải hy sinh sự nghiệp.

Cuối cùng, sinh con là việc của hai vợ chồng. Thế nhưng, ý tưởng cho rằng phụ nữ “quên” sinh con hay hiếm muộn là lỗi của phụ nữ vẫn tồn tại trong văn hóa hiện đại. Phụ nữ trải qua phần lớn thời niên thiếu với yêu cầu không được mang thai sớm vì điều đó sẽ “hủy hoại cuộc đời”.

Ở độ tuổi 20, điều đó gần như thay đổi chỉ sau một đêm và phụ nữ được khuyên rằng đừng mang thai quá muộn. Khi phụ nữ bước vào độ tuổi 30 - 40, họ phải chạy đua với thời gian trong khi đối mặt với hàng loạt áp lực như “khi nào định sinh con thứ hai?” hay “sinh con ở độ tuổi 40 có phải là không công bằng cho đứa trẻ?”. Đó là chưa kể đến câu hỏi kinh điển: “Ai sẽ chăm sóc hai vợ chồng khi về già?”…

Dưới tất cả áp lực từ xã hội, phụ nữ cần được gỡ rối, hỗ trợ nhiều hơn để an tâm theo đuổi sự nghiệp và gia đình, chẳng hạn như các chương trình tư vấn sức khỏe sinh sản, lập kế hoạch sinh con, hệ thống chăm sóc trẻ em dễ tiếp cận và điều trị hiếm muộn nếu cần thiết. 

Ngọc Hạ (theo Guardian, Insider, BBC, Statista, Weforum, Nikkei Asia)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI