Phụ nữ Ukraine gặp rắc rối với luật cấm phá thai của Ba Lan

03/06/2022 - 06:55

PNO - Ba Lan là một trong những nước có luật cấm phá thai khắc nghiệt nhất thế giới. Luật này đã gây ra cái chết cho nhiều phụ nữ Ba Lan và gây khó khăn, đau khổ cho không ít phụ nữ Ukraine đang tị nạn ở đây.

 

Theo tổ chức giúp phụ nữ tiếp cận các dịch vụ phá thai an toàn Abortion Without Borders (AWB), mỗi năm, có từ 80.000-200.000 phụ nữ Ba Lan tìm cách phá thai bất hợp pháp hoặc ra nước ngoài kết thúc thai kỳ
Theo tổ chức giúp phụ nữ tiếp cận các dịch vụ phá thai an toàn Abortion Without Borders (AWB), mỗi năm, có từ 80.000-200.000 phụ nữ Ba Lan tìm cách phá thai bất hợp pháp hoặc ra nước ngoài kết thúc thai kỳ

Myroslava Marchenko là bác sĩ phụ khoa tại một phòng khám tư nhân ở Kyiv, Ukraine. Trước ngày xảy ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, Myroslava Marchenko đã khám và lên lịch hẹn để phá thai cho một trong những bệnh nhân của cô sau khi các xét nghiệm cho thấy, khả năng mắc hội chứng Down của thai nhi rất cao.

Thế nhưng, đúng ngày hẹn, cuộc xung đột nổ ra. Như hàng triệu người trên khắp đất nước, Marchenko và bệnh nhân của cô phải chạy đến nơi an toàn. Họ chạy sang Ba Lan - nơi quy định phá thai do dị tật thai nhi là bất hợp pháp.

“Cô ấy gọi cho tôi và nói không biết phải làm sao, bởi thời gian không còn nhiều và cái thai của cô đang lớn dần, cô không muốn nuôi đứa con dị tật trong tình cảnh khốn khó này” - Marchenko nhớ lại. 

Myroslava Marchenko cho biết, đây là lần đầu tiên cô hiểu được tác động của luật cấm phá thai của Ba Lan đối với những phụ nữ muốn tránh thai khẩn cấp. Marchenko khuyên bệnh nhân của mình nên rời Ba Lan và đến Cộng hòa Séc hay Đức để có thể phá thai an toàn.

Đến nay, đã có hơn 2 triệu người Ukraine - đại đa số là phụ nữ có con - đã tìm đến Ba Lan.  Ở Ukraine, thuốc phá thai được cung cấp hợp pháp theo yêu cầu trong 12 tuần đầu của thai kỳ, thuốc tránh thai đường uống được bán không cần kê đơn. Còn ở Ba Lan, phá thai bị cấm. Nhiều bác sĩ từ chối kê toa thuốc tránh thai khẩn cấp hoặc đặt vòng tránh thai.

Oxana Lytvynenko - nhà hoạt động về quyền sinh sản người Ukraine - đã sống ở Ba Lan 16 năm và hiện đang giúp đỡ những người tị nạn tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. “Họ hoàn toàn không chuẩn bị cho tình huống ở Ba Lan. Nhiều người vẫn nghĩ, họ vẫn được phá thai nếu có lý do chính đáng”- Oxana Lytvynenko nói.

Lytvynenko cho biết đã gặp những phụ nữ đồng hương ở biên giới và họ đề nghị giúp tiếp cận với thuốc để chấm dứt thai kỳ. Nhưng cô cho rằng, khả năng tiếp cận với các dịch vụ này là rất thấp.  

Các thành viên của phong trào chống phá thai ở Ba Lan cũng đã có mặt ở biên giới để phát tờ rơi và cho rằng phá thai là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình. Tờ rơi cũng khuyến cáo, phụ nữ mang thai nên tố giác với cảnh sát bất cứ ai đề nghị họ phá thai.

Trong khi chờ nhận được giấy phép y tế của Ba Lan, Marchenko đã làm việc với Federa - tổ chức về phụ nữ Ba Lan - để khởi động một đường dây nóng bằng tiếng Ukraine dành cho những phụ nữ đang tìm kiếm sự trợ giúp về nơi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Cô cho biết, đường dây nóng nhận được hàng chục cuộc gọi mỗi ngày, trong đó có rất nhiều câu hỏi về cách tiếp cận dịch vụ phá thai.

Từ năm 2010 đến 2020, mỗi năm, Ba Lan có chưa tới năm vụ phá thai hợp pháp với lý do bị cưỡng hiếp, loạn luân hoặc ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ. Những trường hợp này phải được tòa án cho phép. 

Thu Thanh (theo AP, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI