“Dì ơi, hai đứa tụi con xuống thăm dì nè dì!”. Cô Thế Thanh níu vai Ái Mỹ, đứng đối diện di ảnh in trên bia của dì Phương Điền.
Ba người họ, là ba thế hệ Tổng biên tập của Báo Phụ Nữ TPHCM. Thế Thanh nhoài người qua ôm lấy những người còn lại. Tay bà chỉ với tới Phó tổng biên tập Nam Hồng và họa sĩ Lan Huê - Trưởng phòng Kỹ thuật của báo. Trong vòng tay tượng trưng đó, bà nhìn khắp mười mấy người đang có mặt, nói: mấy thế hệ tụi con tới thắp hương cho dì đây.
Trong di ảnh, nụ cười của dì Phương Điền hiền và sâu, rất gần với những gì người sau còn nghe nhắc về bà: Tổng biên tập đầu tiên của Báo Phụ Nữ TPHCM.
Giọng Thế Thanh run run. Ái Mỹ nhắc “chị nói cho hết câu kẻo dì không hiểu”. Thế Thanh nói trong tiếng khóc: “45 năm, tụi con kế tiếp nhau không đứa nào dám làm gì khác hơn mục tiêu tử tế mà các dì đặt ra từ đầu cho tờ báo…”.
|
“Hôm nay, ngày 19/5, thay mặt anh chị em Báo Phụ Nữ Sài Gòn - TPHCM các thế hệ, chúng con cùng nhau về thăm dì đây...”. Nguyên Tổng biên tập Nguyễn Thế Thanh xúc động trước mộ phần Tổng biên tập đầu tiên của Báo Phụ Nữ TPHCM - dì Phương Điền |
Sự tử tế không thế hệ, không nhiệm kỳ
Bảy năm làm phóng viên của Báo Phụ Nữ TPHCM, đã nhiều lần tôi nghe hai chữ “tử tế” bộc phát lẫn chủ định trong những cuộc họp, hay những buổi bàn đề tài trực tiếp với lãnh đạo.
Mới đây, Anh hùng lực lượng vũ trang Đoàn Thị Ánh Tuyết sốt sắng gọi chúng tôi, nói: “Báo Phụ Nữ làm tụi cô an lòng lắm con. Nếu các cô nằm xuống mà vẫn còn những người trẻ trách nhiệm, tử tế như tụi con thì là điều tuyệt vời nhất rồi”.
Hay trong buổi thăm nhà, nhang khói cho ông Nguyễn Văn An - ông “đỡ” đã lo liệu và tài trợ kinh phí để ra số báo Phụ Nữ đầu tiên hồi 19/5/1975, cô Nguyệt con gái ông nói với chúng tôi: “Mình rất thích đọc Báo Phụ Nữ bàn luận các vấn đề về sự tử tế, văn minh và tiến bộ xã hội”.
Thế nhưng, đến khoảnh khắc đứng trước mộ dì Phương Điền, trước lời khấn thành tâm của cô Thế Thanh, tôi mới biết rằng tử tế không phải chỉ là một “nghiệp vụ của mọi nghiệp vụ báo chí” ở nơi đây. Nó là một mục tiêu, là cái “nếp nhà” ràng giữ, mà cũng là đã sinh ra tờ báo này.
Trong khuôn viên khang trang và tĩnh lặng của Nghĩa trang thành phố, chúng tôi kẻ khóc, người cúi đầu lặng yên trước lời kể nhỏ nhẹ của Thế Thanh. Tôi không nhìn thấy mặt bà, nhưng với cái giọng vừa trang trọng vừa gần gũi như đang nói với cả người mất lẫn người còn, bà nói “Báo Phụ Nữ thành lập khi báo chí sau giải phóng chưa nhiều. Mình chỉ ra đời sau báo Sài Gòn Giải Phóng (ngày 5/5/1975), là một trong những tờ báo đầu tiên khi công việc sau ngày 30/4/1975 vẫn bộn bề. Giờ những người thành lập tờ báo như mấy dì, có người không còn, có người không khỏe và minh mẫn như xưa. Nhưng những ngày này, nếu đi ngang Báo Phụ Nữ sẽ thấy các em dựng lại tờ báo số 1 mà các dì đã làm. Chúng con đã lấy tờ báo đó với chỉ dạy của lứa đầu của Báo Phụ Nữ mà làm nghề. Những ngày đầu làm báo, lứa đầu của Báo Phụ Nữ năm 1975 ấy căn dặn không làm gì bậy bạ để ảnh hưởng măng-sét của Báo Phụ Nữ. Người Phụ Nữ có tử tế, gia đình có tử tế thì con cái mới tử tế được. Tờ báo góp phần làm cái việc đó”.
Giọng bà run run, bộc lộ rất rõ những tiếng khóc đang được chuyển thành lời. Cái giọng của nữ lãnh đạo vẫn điềm nhiên vang lên trong cơn xúc động đó. Bà kể tiếp cho chúng tôi nghe về những câu chuyện như vừa hồi tưởng lại sau lời thưa chuyện với dì Phương Điền. Một lần, ông Nguyễn Hữu Thọ ghé thăm Báo Phụ Nữ, lấy một vòng đá non nước ra tặng cho bà Tổng biên tập Nguyễn Thế Thanh. Ông nói nửa đùa nửa thật: “Cái này là vòng đeo tay nhưng thực ra là vòng kim cô. Nó nhắc người ta phải biết sợ. Làm báo phải biết sợ sự thật. Sợ sự thật ngay cả khi sự thật đã bị phanh phui”.
Nói rồi, bà lại bàn tiếp với cái giọng nói quen thuộc của một vị lãnh đạo báo chí: “Lúc đó chị không có thời giờ để hỏi các anh ấy. Rằng tại sao phải sợ sự thật khi sự thật đã bị phanh phui? Đó là nỗi sợ có giá trị rộng rãi, hay là nỗi sợ có tính bối cảnh mà ta phải sợ trong những điều kiện nhất định?”.
Lời kể gần như ngẫu hứng trong lần thăm mộ, nhưng lại giúp chúng tôi kết nối những gì mình đang có trong không gian làm việc với vị lãnh đạo đã làm việc nơi này cách tôi hàng thập niên. Hóa ra, những băn khoăn kiểu đó không phải là đặc điểm cá nhân, cũng không phải đặc tính thế hệ. Đó là “nỗi băn khoăn truyền thống” của tờ báo này.
Có lẽ, đó là mạch nguồn khiến những người quanh năm làm việc với tin tức, với việc “kết nối độc giả”, với tứ bề biến động xã hội… mà vẫn một dạ nhắc đến “tử tế”, “tiến bộ” đầy định tính như những kẻ lạc loài giữa thế giới truyền thông đang dần được định lượng.
|
Chủ tịch Hội LHPN TPHCM Nguyễn Trần Phượng Trân (bìa trái) cùng đại diện Báo Phụ Nữ TPHCM đến thăm dì Hồ Thị Minh Nguyệt - nguyên Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TPHCM |
Một dạ, mà đa âm
Nhất quán là thế, nhưng mỗi thế hệ Báo Phụ Nữ dường như là một “lát cắt” của những cá tính và năng lực riêng biệt.
Tôi vẫn nhớ một buổi bàn luận về một đề tài điều tra về môi trường cách đây không lâu. Nội dung đề tài là sự thiệt hại về môi sinh xuất phát từ hoạt động kinh tế của một doanh nghiệp lớn. Khi đó, mọi hướng triển khai đều vấp phải những rào cản xã hội không thể chối cãi, nhất là trong bối cảnh người dân chưa thực sự quan tâm đến môi trường.
Chúng tôi chớm xáo trộn bởi những nỗi hoài nghi: liệu ai sẽ quan tâm? Giữa điều chúng tôi đang sẵn sàng đánh đổi và hiệu quả dư luận vốn rất mong manh của vấn đề này, cái nào sẽ thắng thế? Một đề tài vì môi trường có thể trở thành vô ích, và lắm khi là cả “tội đồ” nếu não trạng xã hội vẫn còn vị kinh tế. Rất có thể đề tài cam go, nguy hiểm và có khi đánh đổi bằng cả sinh mệnh nghề nghiệp này của chúng tôi chỉ chìm khuất giữa những tin tức câu “view” đầy rẫy mỗi ngày.
Lúc này, trưởng ban tòa soạn dừng lại hỏi chúng tôi: “Em nghĩ sao nếu 50 năm sau, khi những mất mát về môi sinh đã trở thành những hậu quả rõ rệt, lúc đó thế hệ sau có thể sẽ lục lại những văn khố cũ mà không thấy một tờ báo chính thống nào từng lên tiếng vì điều này. Họ sẽ hụt hẫng ra sao?”.
Câu hỏi ấy không chỉ là một lời bàn cho đề tài cụ thể nọ. Nó đã trở thành một thứ động lực cho mọi lựa chọn làm nghề sau này của bọn trẻ chúng tôi. Dư luận, quán tính xã hội, những lời khen, sự đồng tình, cả các hiệu quả đo đếm được bằng “view”, “share” - vẫn chưa bao giờ đủ để một người làm báo cân nhắc khi lựa chọn điều mình viết.
Có những loại “đạo đức nghề nghiệp” không bị giới hạn bởi hoàn cảnh, thời đại. Có những loại nhận thức mãnh liệt đến mức khiến những lựa chọn cam go trở nên rành rõ, thấu suốt. Chúng tôi quyết định rất dễ dàng.
Việc lên tiếng về quyền của phụ nữ, về các công trình lấn sông, chiếm rừng phòng hộ, việc miệt mài giữ lại 73ha rừng Cần Giờ, hay mới đây nhất là việc lên tiếng về tình trạng bảo kê xây nhà trái phép ở TPHCM. Những tiếng nói rõ ràng liên tục vang lên.
Nhiều độc giả bình luận, nhắn tin, gọi điện khen ngợi chúng tôi “dũng cảm”. Nhưng nếu là một phần của tòa soạn này, người ta sẽ hiểu tất cả những diễn biến đó không có gì đáng khen. Những điều bình thường đó, nếu không làm được, mới thật hổ thẹn với những tiền bối đã và đang miệt mài hiện diện để truyền nghề, để hỏi và trả lời cho chúng tôi những lúc còn băn khoăn, xáo trộn bởi bao ồn ã đời thường.
|
Nguyên Tổng biên tập Nguyễn Thế Thanh và Tổng biên tập Lê Huyền Ái Mỹ trước số báo đầu tiên của Báo Phụ Nữ TPHCM sau 45 năm tròn |
Hiện diện ở tòa soạn này cách cái thời được kể gần nửa thế kỷ, nhưng tôi chợt giật mình khi cô Thế Thanh kể lại lời nhắc nhở ban đầu của dì Phương Điền trong một lần trò chuyện nghiệp vụ. Dì nói: “Tôi không học qua trường báo chí. Tôi không biết nghề để dạy cho các anh đâu. Các anh có thể học ở nơi khác. Nhưng tôi chỉ có ý thế này, các anh không phải cứ biết viết là viết được. Quan trọng là trong lòng các anh có gì để viết hay không”.
Lúc đến thăm cô Hồ Thị Minh Nguyệt - nguyên Tổng biên tập Báo Phụ Nữ, chị Ái Mỹ nhắc: “Hồi năm 1996, lúc chị tuyển tụi em, em nhớ chị nói với mấy đứa tụi em: “Mấy em ráng viết sao để dù là bản tin cũng không được khô khan, phải viết sao để đi vào lòng người”.
Cả hai lời dặn này đều đã từng được diễn đạt lại với bao lần tuyên dương - phê bình; những lần đánh đổ bài, từ bỏ đề tài chỉ với một lời giải thích của chị Ái Mỹ: “Nếu chỉ làm cho có, cho kịp thì không cần làm”, hoặc “tòa soạn không yêu cầu các anh chị chạy đua”. Tiến độ của thông tin, áp lực cạnh tranh, thậm chí cả những nghiệp vụ báo chí thông thường đôi khi cũng không còn đáng giá; khi người ta đứng trước yêu cầu của lòng người. “Lòng anh có gì để viết hay không?”.
Mỗi người một nét tính cách, một phong cách làm nghề. Chỉ riêng trong hành trình chung thủy với sự tử tế, tập thể này đã có bao nhiêu lần chuyển mình, đổi khác. Mỗi người, mỗi thế hệ là một đơn âm trong cái hợp âm 45 năm tuổi đó. Câu hỏi trên kia của trưởng ban tòa soạn, yêu cầu “đi vào lòng người” của cô Minh Nguyệt, lẫn tiêu chí duyệt bài nghiêm ngặt đang áp dụng ở Báo Phụ Nữ… là gì, nếu không phải là lời nhắc nhở “vỡ lòng” của người thủ trưởng đầu tiên vốn tự nhận mình ngoại đạo?
Dưới mái nhà này, người ta cũng là làm báo. Nhưng từ những ngày đầu người ta đã tự gánh vác những tiêu chí vô hình. Để 45 năm sau, những lời khấn trước người đã khuất có thể tối giản lại như một lời “xưng tội” trước sự thật và sự tử tế.
Tôi nhớ, vào đợt cao điểm hồi tháng 6/2018, khi ở tỉnh Bình Thuận rộ lên những đám đông tụ tập quá khích, đốt ủy ban, tấn công người thi hành công vụ. Cả nước bàng hoàng. Clip cho thấy đám đông tràn vào đốt ủy ban như giọt nước tràn ly, khiến người ta hầu như phẫn nộ với sự quá khích của người Phan Thiết.
Lúc đó, điểm nóng này là gần như bất khả xâm phạm với tính nguy hiểm của nó. Ngay chiều hôm sau, khi có tin người Phan Rí bắt nhốt các chiến sĩ cảnh sát cơ động, chiếm trụ sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, sự phẫn nộ dành cho người dân nơi này càng lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Lúc này, trưởng ban tòa soạn hỏi chúng tôi: “Nếu người dân thực sự có một ẩn ức nào đó đến mức bộc phát thành hành động quá khích như vậy, thì mình có thể làm gì không?”.
Câu hỏi này đánh thức con người làm báo trong chúng tôi. Nó khiến chúng tôi không thỏa hiệp với những quy kết, nhận định dễ dàng dựa trên hiện tượng. Nó khiến chúng tôi muốn được nhìn thấy, được lắng nghe, được hiểu câu chuyện tưởng đã quá rõ ràng đó. Có lẽ, đó chính là một động lực phi nghiệp vụ, là cái mà “lòng các anh có” đã chi phối cách hành nghề ở đây.
Và riêng trong trường hợp Bình Thuận hồi tháng 6/2018 - chính ý muốn phi nghiệp vụ này, đã khiến chúng tôi khám phá ra một sự thật không ngờ, vượt ra cả giả thuyết khiến chúng tôi lên đường: “Họ, những người đốt phá không phải là dân”.
Thông tin “không phải là dân” chuyển về từ điểm nóng Bình Thuận khi đó là một tin nóng về mặt lý thuyết lẫn thực tế dư luận. Chính từ những động lực bên ngoài những phép đong đếm thông thường bằng nghiệp vụ - lại đưa đến hiệu quả trên cả mong đợi về hiệu quả thông tin.
Cách làm này bất chợt gợi cho tôi liên tưởng đến cách giống như cách mà một người phụ nữ hiểu biết và tinh tế sống với đời. Có những hành xử lắm lúc không thể đúc kết bằng phương pháp, nhưng hiệu quả ưu việt. Có lẽ, lời dặn của vị tổng biên tập đầu tiên về một vấn đề “không phải nghiệp vụ làm báo” đã trở thành một loại nghiệp vụ tối cao ở nơi này.
Nếu lòng anh có gì đó để viết thì anh mới viết được. Mà, viết từ lòng mình, hình như rất dễ. Cái khó, là làm sao để được viết và viết được từ lòng mình?
Minh Trâm