Phụ nữ Trung Quốc giận dữ vì được khuyên về nông thôn lấy chồng

25/02/2021 - 05:52

PNO - Để giải quyết cuộc khủng hoảng xã hội đang rình rập do mất cân bằng giới tính, một quan chức đã đề xuất giải pháp mai mối phụ nữ thành thị với đàn ông nông thôn chưa lập gia đình.

Một cặp đôi đi dạo qua chợ hôn nhân trong công viên Nhân dân ở Thượng Hải hồi tháng 8/2020 - Ảnh: EPA-EFE
Một cặp đôi đi dạo qua chợ hôn nhân trong công viên Nhân dân ở Thượng Hải hồi tháng 8/2020 - Ảnh: EPA-EFE

Trong một thống kê gần đây, tỷ số giới tính khi sinh của Trung Quốc là 114 bé trai so với 100 bé gái, điều này đã khiến nam giới nhiều hơn nữ khoảng 30 triệu người. Để cải thiện tình trạng này, đồng thời giải quyết cuộc khủng hoảng xã hội đang rình rập do mất cân bằng giới tính, một quan chức đã đề xuất giải pháp mai mối phụ nữ thành thị với đàn ông nông thôn chưa lập gia đình. Thế nhưng, ý tưởng của chuyên gia này đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi lớn trên các diễn đàn.

Wu Xiuming - Phó tổng thư ký Think Tank (một tổ chức gồm các cá nhân hoạt động nghiên cứu về chính sách, chiến lược trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, khoa học - kỹ thuật, văn hóa và xã hội) đã kêu gọi chính phủ khẩn trương giải quyết vấn đề này. Trong bài viết của mình, Wu nêu ý tưởng chính quyền ở miền Trung của Trung Quốc nên gia tăng số lượng các cuộc hôn nhân bằng cách khuyến khích phụ nữ độc thân thành thị di cư đến những vùng nông thôn, nơi hàng triệu đàn ông chưa lập gia đình đang tìm kiếm cô dâu.

Người Trung Hoa hiện đang dùng thuật ngữ “sheng nu” tức là “phụ nữ thừa” - cụm từ thông tục nhưng được sử dụng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông chính thống - để chỉ những phụ nữ chưa kết hôn ở độ tuổi ngoài 27, bất chấp đó là nữ nhân thành thị và có học vấn cao.

Ông Wu kêu gọi phụ nữ không nên “cảm thấy sợ hãi khi đến và sống ở các làng quê”. Đề xuất này của ông đã nhanh chóng gặp phải sự chỉ trích trên mạng xã hội. “Sao có thể nghĩ ra một ý tưởng lệch lạc như vậy? Ông ta không thể nhìn thấy sự chênh lệch quá lớn về trình độ cũng như sự nhận thức các vấn đề giữa hai nhóm người này sao?” - một người viết trên Weibo. “Ngay cả phụ nữ nông thôn cũng không muốn lấy đàn ông ở thôn quê chứ đừng nói đến phụ nữ thành thị, cho dù họ có học thức hay không. Ông nghĩ họ là những kẻ ngốc hay sao mà đi kết hôn với đàn ông quê mùa” - một người khác viết.

Người ta cho rằng, sự mất cân bằng giữa nam và nữ ở Trung Quốc là kết quả của chính sách một con
Người ta cho rằng, sự mất cân bằng giữa nam và nữ ở Trung Quốc là kết quả của chính sách một con - Ảnh: AP

Sharon Sun - một phụ nữ 38 tuổi, độc thân, làm việc trong lĩnh vực bất động sản ở Thượng Hải - cho biết, cô sẽ không bao giờ lựa chọn những người đàn ông ở nông thôn làm “đối tượng” tiềm năng: “Đó là một giấc mơ hoang đường. Thật kinh khủng. Tôi không thể hẹn hò với một người đàn ông nông thôn. Điều này sẽ không xảy ra ngay cả khi không còn bất kỳ người đàn ông nào khác trên thế giới này”.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ số giới tính khi sinh được cho là cân bằng ở bất kỳ quốc gia nào là 105 bé trai trên 100 bé gái. Tuy nhiên, tỷ số giới tính khi sinh của Trung Quốc là 114/100. Người ta cho rằng, sự mất cân bằng giữa nam và nữ ở Trung Quốc là kết quả của chính sách một con - chính sách chỉ mới được bãi bỏ trong những năm gần đây - và tình trạng mất cân bằng giới tính diễn ra gay gắt nhất ở các vùng nông nghiệp, nơi phụ nữ rời đi kiếm việc làm và định cư ở thành phố.

Trong khi đó, muốn có vợ, đàn ông ở các vùng nông thôn của các tỉnh như Sơn Tây, Hồ Nam phải dùng số tiền lên tới 1 triệu nhân dân tệ (155.000 USD) để làm sính lễ cầu hôn. Khoản tiền này được coi như một điều khoản hôn nhân để khuyến khích cô dâu mua nhà và xe hơi cho gia đình bố mẹ đẻ.

Lu Dewen - nhà nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu quản lý nông thôn Trung Quốc - cho rằng, giải pháp “mai mối” của Wu không khả thi. Ông nói: “Đề xuất phụ nữ thành thị về nông thôn nghe có vẻ xa vời. Ở thành phố, không phân biệt nam hay nữ, họ có xu hướng kết hôn muộn hơn so với các bạn ở nông thôn, thậm chí một số người chọn không kết hôn. Vì thế, di cư về nông thôn để kết hôn là điều rất khó xảy ra”. 

 Trọng Trí (theo CNP, SMCP)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI