Vòng tròn rải đơn - phỏng vấn - bị từ chối
Hơn 6g tối, trời mưa tầm tã, chị Nguyễn Mai - 41 tuổi, sống tại quận Phú Nhuận, TPHCM - vẫn kẹt cứng giữa dòng xe cộ đông đúc. Con chị đã tan học từ 5g chiều, nhưng chị vẫn còn cách xa trường con gái gần 5km. Sau khi vượt cơn mưa để đón được con, chị bị con gái trách móc vì mẹ đón trễ cả tiếng. Cô bé đâu biết, mẹ vừa chạy đi giao hàng cho khách, vừa tranh thủ ghé đón mình.
Gần 1 năm nay, vừa rải đơn xin việc khắp nơi, chị Mai vừa xoay xở bằng cách buôn bán online để có thu nhập. Bà mẹ đơn thân 41 tuổi đã tiêu gần cạn số tiền tiết kiệm, sau khi bị công ty đột ngột cho nghỉ việc vào tháng Mười hai năm ngoái.
|
Chị Mai lên mạng tham khảo hướng dẫn làm hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp, sau khi bị công ty cho nghỉ vào cuối năm ngoái - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Chị Mai cũng như nhiều phụ nữ trung niên khác đang sinh sống tại thành thị, là nạn nhân của những đợt cắt giảm nhân sự liên tiếp tại các công ty quy mô từ nhỏ tới lớn. Nếu như những năm trước, chị luôn chủ động nghỉ việc ở công ty cũ mỗi khi thấy không phù hợp, dễ dàng xin được công việc mới chỉ một thời gian ngắn sau đó thì từ cuối năm 2023 đến nay, hồ sơ xin việc của chị gặp tình trạng 60% không có hồi âm từ nhà tuyển dụng, 20% được phản hồi, 10% giữ kết nối được đến vòng phỏng vấn. Trong 10% hiếm hoi đó, chị chỉ được 1 công ty nhận; nhưng chỉ sau 2 tuần thử việc, chị bị cho nghỉ với lý do: không phù hợp.
6 năm trước, đang làm quản lý tại một công ty lớn, chị Mai xin nghỉ, tập trung buôn bán online. Có thời điểm, thu nhập của chị lên gần 100 triệu đồng/tháng. Nhưng sau dịch COVID-19, buôn bán khó khăn, chị lại nộp đơn xin việc. Trong lần trở lại thị trường lao động khi đã bước sang tuổi trung niên, chị Mai chuyển qua nhiều công ty khác nhau, cuối cùng trụ lại với vị trí làm từ xa cho một công ty nước ngoài. Từ cuối năm 2023 tới nay, chị hoàn toàn thất nghiệp sau khi bị công ty cắt giảm hợp đồng.
Hàng xóm chị Mai là chị Thanh Huyền (40 tuổi), vốn làm mảng công nghệ thông tin cho một sàn thương mại điện tử nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam. Thời điểm tránh dịch COVID-19, dù chỉ làm tại nhà, mức thu nhập của chị Huyền luôn rơi vào tầm 40 triệu đồng/tháng. Sau dịch cũng là thời điểm vừa mới sinh con, chị Huyền quyết định nghỉ việc. Đến khi muốn đi làm trở lại, dù có nhiều năm kinh nghiệm, tuổi tác trở thành rào cản khiến chị Huyền không thể tìm được công việc có mức lương bằng ở công ty cũ. Gần 1 năm nay, chị Huyền thất nghiệp.
Tuổi càng cao, cửa càng hẹp
Chị Đào Hạnh Giang - CEO Build Talents - chia sẻ: trong những hồ sơ ứng viên gửi về công ty, nhiều phụ nữ ở độ tuổi 50 đang đối mặt với tình trạng thất nghiệp kéo dài tới 3 năm.
“Phần lớn các chị từng đảm nhiệm những vị trí quản lý cấp trung và cao, với mức lương dao động từ 80-100 triệu đồng/tháng. Có người đã tự nghỉ việc, có người bị buộc phải nghỉ do cắt giảm nhân sự... Dù lý do là gì, điểm chung là khi quay trở lại thị trường lao động, cánh cửa cho họ trở nên vô cùng hẹp. Một số người chấp nhận làm việc ở vị trí thấp hơn và với mức lương chỉ còn bằng một nửa so với trước. Một số khác loay hoay mãi không tìm được công việc phù hợp, đành phải tham gia các khóa học nâng cao kỹ năng để tiếp tục tìm cơ hội” - chị Đào Hạnh Giang chia sẻ.
Đáng chú ý, theo chị Đào Hạnh Giang, là có những nghịch lý khó tin: chính những người đang thất nghiệp lại quay sang đào tạo kỹ năng tìm việc cho những người thất nghiệp khác. Tình trạng thất nghiệp, đặc biệt là ở độ tuổi trung niên, đã trở nên phổ biến đến mức các đối tượng lừa đảo đã nhắm tới họ, đưa ra những lời mời làm việc hấp dẫn, yêu cầu đóng tiền rồi sau đó biến mất. “Tôi có người quen đã bị lừa tới 20 triệu đồng” - chị nói.
|
Nhiều lao động văn phòng tuổi trung niên thất nghiệp, phải làm giúp việc theo giờ để trang trải cuộc sống - Nguồn ảnh: Công ty Chuyên Tâm |
Chị Đinh Thị Đẳng - Giám đốc công ty giúp việc nhà theo giờ Chuyên Tâm (TPHCM) - cho biết, từ năm 2023, công ty đã nhận tới 100 hồ sơ xin làm giúp việc từ khối lao động văn phòng. Năm nay, lượng hồ sơ này tăng lên 400, ứng viên có độ tuổi từ 45-55, “trong đó, nhiều nhất vẫn là các chị từng là kế toán hoặc làm hành chính, văn phòng, thậm chí có chị là điều dưỡng” - chị Đinh Thị Đẳng thông tin.
Chị Giang, chị Đẳng đều chỉ ra: sự khó khăn của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, kết hợp với sự phát triển mạnh mẽ của AI và tự động hóa đã khiến tỉ lệ thất nghiệp gia tăng đáng kể. Trong bối cảnh các công ty đang tinh gọn bộ máy, mục tiêu hàng đầu của họ là cắt giảm chi phí nhân sự, tối ưu hóa bằng việc yêu cầu mỗi người phải đảm nhiệm nhiều vai trò hơn và phải nâng cao kỹ năng. Đáng tiếc, điều này thường khiến những lao động lớn tuổi, với mức lương cao trở thành đối tượng bị cắt giảm đầu tiên.
Các chuyên gia lao động cũng nhìn nhận: kỳ thị tuổi tác trong sử dụng lao động là mặt trái của nền kinh tế thị trường. Nguyên nhân chủ yếu là do cung lớn hơn cầu, dẫn đến doanh nghiệp cơ cấu lại lao động, tối ưu hóa nguồn lực nhằm đạt năng suất cao, chi phí ít nhất. Trong bối cảnh đó, người có kỹ năng, trình độ chuyên môn thấp, lớn tuổi sẽ dễ bị đào thải.
Khó khăn nhưng không phải hết cơ hội
Chị Đào Hạnh Giang tin rằng, phụ nữ trung niên vẫn có nhiều cơ hội tham gia vào thị trường lao động, ngay cả trong thời đại công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ.
Với các lựa chọn như làm tự do hay cộng tác viên cho từng dự án. Họ có thể tận dụng sự linh hoạt trong công việc mà không cần phải gò bó vào các vị trí cố định với nhiều ràng buộc. Điều này không chỉ đem lại sự thoải mái cho các công ty khi không phải chi trả các khoản bảo hiểm hay phúc lợi mà còn mở ra những cơ hội mới cho người lao động.
Chị Đào Hạnh Giang khuyến khích phụ nữ hãy chủ động nâng cao kỹ năng bằng cách tham gia các khóa học hoặc tự mình khởi tạo những dự án cá nhân phù hợp với đam mê. Khi phát triển những ý tưởng này, họ hoàn toàn có thể thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư hoặc hợp tác với các công ty lớn. Ở vai trò này, họ sẽ hoạt động như một doanh nghiệp khởi nghiệp độc lập.
Các lĩnh vực phổ biến họ có thể khai thác bao gồm: viết lách, thiết kế, lập trình, dựng phim, tư vấn chuyên môn, kinh doanh, marketing, tài chính, sức khỏe, kinh doanh trực tuyến, cộng tác viên bán hàng, viết blog, bán sản phẩm số...
Khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân về khó khăn của doanh nghiệp và triển vọng kinh tế cuối năm 2023 đã dự báo về làn sóng sa thải người lao động có thể kéo dài đến hết năm 2024. Thống kê cho thấy, đại bộ phận bị cắt giảm là lao động nữ lớn tuổi. Năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM đã tiếp nhận và giải quyết 164.929 trường hợp nhận trợ cấp thất nghiệp, trong đó nữ chiếm 56,3%, nữ trên 40 tuổi mất việc chiếm 27,5% số lao động nữ thất nghiệp, tập trung nhiều ở lĩnh vực dệt may, da giày, các hoạt động dịch vụ thương mại, hành chính văn phòng... |
Hoàng Kim