Vượt khó để hội nhập, phát triển bền vững
Tham dự Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII (Đại hội) vừa diễn ra tại Hà Nội hồi giữa tuần, chị Lý Hồng Thu (sinh năm 1990) là một trong những hội viên tiêu biểu của Hội LHPN tỉnh Hà Giang với những dấu ấn, nỗ lực hết mình để khẳng định bản thân, làm giàu từ vùng đất khó. Sinh ra và lớn lên ở thôn Nặm Đăm (Quản Bạ, Hà Giang), nơi được thiên nhiên ưu đãi với vẻ đẹp phóng khoáng, kỳ vĩ, Lý Hồng Thu luôn ấp ủ khát vọng phát triển du lịch địa phương, quảng bá nét văn hóa dân tộc tới du khách.
Năm 2017, chị triển khai hoạt động du lịch cộng đồng với tên gọi “Hong Thu Homestay”. Những ngày đầu chị “khởi nghiệp”, lượng khách đến chỉ “lèo tèo”. Để quảng bá dịch vụ đến du khách, chị Thu phải tự tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu trên internet - điều vốn rất lạ lẫm, khó khăn với chị và bà con nơi đây. Chị tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn làm dịch vụ du lịch, đăng ký các hội thảo, diễn đàn cũng như học hỏi từ những người đi trước… Hiện nay, trung bình mỗi tháng, Hong Thu Homestay có gần 100 lượt khách với doanh thu 200 - 250 triệu đồng/năm.
|
Chị Lý Hồng Thu đã bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin để thúc đẩy hoạt động du lịch, làm giàu từ vùng đất khó - ẢNH: HUYỀN ANH |
Chia sẻ về quãng đường “vượt khó” của mình, chị Lý Hồng Thu cho hay, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào marketing thực sự khó khăn, nếu không nỗ lực vượt qua giới hạn của bản thân. “Hiện nay, dù Hong Thu Homestay đã có mặt trên Agoda, Booking… để du khách có thể đặt phòng, nhưng năng lực ứng dụng CNTT vẫn còn hạn chế. Do COVID-19, lượng du khách giảm rõ rệt. Chúng tôi hy vọng có thể có thêm kiến thức, kỹ năng, từ đó đẩy mạnh hoạt động du lịch của mình, đặc biệt khi Việt Nam mở cửa du lịch trở lại trong điều kiện bình thường mới” - bà chủ Hong Thu Homestay chia sẻ.
Gửi tham luận tới Đại hội, Bộ Thông tin và Truyền thông dẫn lại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong đó, nghị quyết đã đề ra định hướng quan trọng là đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao vai trò của phụ nữ khi tham gia tiến trình chuyển đổi số, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ nữ lãnh đạo trong các cơ quan tổ chức ngày càng tăng; nhiều nhà khoa học hàng đầu là nữ giới. Tuy nhiên, có không ít khó khăn khi phụ nữ tham gia sâu vào quá trình chuyển đổi số. Báo cáo chỉ ra tỷ lệ nữ theo học các ngành STEM và khoa học máy tính còn thấp so với nam giới. Thống kê cho thấy, chỉ có khoảng 20% phụ nữ nhận bằng khoa học máy tính ở cấp cử nhân. Bên cạnh đó, phụ nữ đang phải gánh vác nhiều công việc gia đình nên khó dành toàn tâm, toàn lực cho công tác chuyên môn công nghệ.
Ứng dụng công nghệ thông tin là khâu đột phá
Tại Đại hội, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, trong đó đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế được Hội LHPN Việt Nam xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ mới. Hội đánh giá cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo nhiều việc làm, thu nhập cao hơn nhưng nguy cơ mất việc cũng tăng, nhất là đối với bộ phận lao động nữ có trình độ học vấn, chuyên môn hạn chế, thiếu kỹ năng và khả năng thích ứng nghề nghiệp. Sự phát triển của CNTT, trí tuệ nhân tạo, các phương thức truyền thông hiện đại… đáp ứng tốt hơn nhu cầu, khả năng tiếp cận thông tin của phụ nữ nhưng cũng đặt ra thách thức lớn cho phụ nữ trong việc tiếp cận, làm chủ thông tin.
Hội LHPN Việt Nam triển khai chương trình “Hỗ trợ một triệu phụ nữ nâng cao năng lực ứng dụng CNTT, tiếp cận Chính phủ số”. Hội đặt ra chỉ tiêu, trong nhiệm kỳ 2022 - 2027, hằng năm giúp 33.500 hộ có phụ nữ thoát nghèo, cận nghèo; hỗ trợ nâng cao năng lực cho 17.000 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh. Đến cuối nhiệm kỳ, Hội vận động, hỗ trợ thành lập mới 350 hợp tác xã có phụ nữ tham gia quản lý; 100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản trong công tác Hội.
Chia sẻ thêm, bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - cho biết, nằm trong tinh thần chung của Đảng và Chính phủ, Hội đã xây dựng chương trình hoạt động đẩy mạnh chuyển đổi số trong giai đoạn tới. Do hội viên đa phần là các mẹ, các dì có độ tuổi không còn trẻ, cách tiếp cận sẽ khác so với những đối tượng khác. “Thay vì đi thẳng vào vấn đề thao tác kỹ thuật, chúng tôi tuyên truyền thay đổi nhận thức của chị em trước, sau đó mới đến kỹ thuật” - bà Minh Hương nói.
|
Hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, trong đó đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế được Hội LHPN Việt Nam xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ mới - ẢNH: TTXVN |
Thời gian qua, theo bà Minh Hương, đã có những dự án trực tiếp và gián tiếp khảo sát khả năng ứng dụng CNTT trong hệ thống Hội LHPN Việt Nam. Với thời kỳ chuyển đổi số hiện nay, cần tăng cường hình thức truyền thông hiện đại dựa trên các nền tảng công nghệ, kết hợp hài hòa hình thức truyền thống. Hội cũng đã chủ động chia sẻ thông tin qua mạng xã hội để tiếp cận gần hơn với hội viên cả nước. Chẳng hạn, Hội đã tạo ra “app Đại hội” để phục vụ kỳ Đại hội vừa qua và hy vọng phát triển thành một kênh chung của Hội để ai cũng có thể tiếp cận. Ở các địa phương, chị em cũng sáng tạo, không thụ động. Họ tích cực phối hợp để mở các lớp tập huấn livestream bán hàng, bán các sản phẩm do phụ nữ làm ra.
“Dự kiến cuối nhiệm kỳ, cấp Trung ương đề xuất thành công ít nhất 5 chính sách, đề án và 2 chương trình có tác động rộng đến các đối tượng phụ nữ, góp phần thực hiện Chỉ thị 21 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức Hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, yêu cầu của chương trình chuyển đổi số của Chính phủ; trong đó có đề án chuyển đổi số của Hội LHPN Việt Nam đến năm 2025, định hướng 2030. Hội cũng xem đổi mới phương thức hoạt động, trọng tâm là ứng dụng CNTT là một trong hai khâu đột phá mang tính giải pháp thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ” - bà Nguyễn Thị Minh Hương chia sẻ.
“Phát huy sức mạnh từ kết hợp giá trị truyền thống và thời đại” Hiện nay, đa số phụ nữ đều có nhu cầu được học tập, đào tạo, tiếp cận với những kỹ năng, kiến thức để có thể chủ động ứng dụng CNTT trong công việc và cuộc sống. Đặc biệt sự năng động, nhạy bén của phụ nữ TP.HCM đã được phát huy tốt khi chị em rất chủ động trong việc học tập nâng cao trình độ, năng lực. Đã có rất nhiều chị em ứng dụng hiệu quả công nghệ khi tham gia nền kinh tế số. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, sau khi Đại hội thông qua nghị quyết, trong đó có nội dung “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế”, Hội LHPN TP.HCM sẽ triển khai khẩn trương, cụ thể hóa thành những công việc, hoạt động cụ thể phù hợp với tình hình của địa phương. Hội chú trọng phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, nhất là phụ nữ lãnh đạo, quản lý, trí thức, doanh nhân, phụ nữ tài năng trên các lĩnh vực; kết nối, tư vấn, hỗ trợ giải quyết khó khăn và phát huy vai trò của một số nhóm phụ nữ đặc thù; hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế theo hướng phát huy thế mạnh của các nhóm phụ nữ và của tổ chức Hội. Với sự kết hợp giữa phát huy giá trị truyền thống và giá trị thời đại, tôi tin rằng phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ TP.HCM nói riêng sẽ luôn là lực lượng quan trọng trong sự phát triển của xã hội hiện nay. Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM Nguyễn Trần Phượng Trân |
Huyền Anh - Đậu Dung