Phụ nữ trong hoàng gia Nhật ngày càng chịu nhiều áp lực

03/01/2022 - 11:57

PNO - Việc cựu công chúa Mako được chẩn đoán bị chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), trước cuộc hôn nhân gây tranh cãi của cô vào tháng 10/2021, một lần nữa phản ảnh thực trạng phụ nữ trong hoàng gia Nhật phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong nhiều năm qua, theo nhận định của tờ SCMP.

Theo Luật Hoàng gia năm 1947 của Nhật, phụ nữ không được lên ngôi và các thành viên nữ của gia đình hoàng gia phải rời khỏi gia đình khi kết hôn với một thường dân.

Cựu Nhật hoàng Akihito và cựu Hoàng hậu Michiko
Cựu Nhật hoàng Akihito và hoàng hậu Michiko

Cựu công chúa Mako và Komuro cuối cùng đã kết hôn vào ngày 26/10/2021, sau hơn 4 năm công khai mối quan hệ của mình. Tuy nhiên, các nghi lễ truyền thống liên quan đến hôn nhân hoàng gia đã không được tổ chức.

Cựu công chúa, 30 tuổi, là cháu gái của Hoàng đế Naruhito, đã không tránh khỏi sự xoi mói của công chúng, sau khi người ta biết rằng mẹ của Kei Komuro liên quan đến một vụ tranh chấp tài chính.

Trước cuộc hôn nhân này, Cơ quan nội chính Hoàng gia Nhật (IHA) cho biết, cựu công chúa đã được chẩn đoán mắc chứng PTSD, mà theo mô tả của cô, là do cặp đôi và gia đình hai bên đã bị lạm dụng tâm lý.

Theo SCMP, những gì mà cựu công chúa Mako đã phải trải qua chỉ là một trường hợp mới nhất, của thực trạng những phụ nữ làm dâu trong hoàng tộc ở Nhật phải thường xuyên đối mặt với các vấn đề về tâm thần trong lịch sử của nước này. Ngoài Mako, một số thành viên nữ khác trong hoàng gia Nhật cũng đã từng gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Năm 2004, IHA cho biết hoàng hậu Masako, khi đó là thái tử phi, đã được chẩn đoán mắc chứng rối loạn điều chỉnh sau khi sinh công chúa Aiko, đứa con duy nhất của bà và hoàng đế, vào năm 2001. Bà đã hủy bỏ các nhiệm vụ chính thức của mình trong năm trước đó, sau một cơn bệnh zona thần kinh.

Masako, một nhà ngoại giao tốt nghiệp Đại học Harvard và Oxford, đã phải từ bỏ sự nghiệp của mình để gia nhập hoàng tộc vào năm 1993, sau khi chấp nhận lời cầu hôn của thái tử lúc bấy giờ, mặc dù ban đầu bà đã từ chối lời cầu hôn này.

Nhiều người đoán rằng nguyên nhân chính khiến bà căng thẳng là do áp lực phải sinh con trai để làm người thừa kế, vì hoàng gia Nhật không có ai sinh được con trai, kể từ khi thái tử Fumihito chào đời vào năm 1965.

Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako chụp ảnh tại Cung điện Hoàng gia ở Tokyo trước sinh nhật lần thứ 58 của bà vào tháng trước
Nhật hoàng Naruhito và hoàng hậu Masako chụp ảnh tại Cung điện Hoàng gia ở Tokyo trước sinh nhật lần thứ 58 của bà vào tháng trước

Căng thẳng này đã giảm bớt vào năm 2006, khi thái tử Kiko sinh hoàng tử Hisahito, người hiện đang là người thứ 2 kế vị ngai vàng.

Trong khi đó, cựu hoàng hậu Michiko, 87 tuổi, người trở thành thường dân đầu tiên kết hôn với người thừa kế ngai vàng vào năm 1959, cũng không tránh khỏi áp lực của gia đình hoàng gia. Bà đã không thể nói được trong nhiều tháng vì bị các tạp chí ở Nhật liên tục công kích, sau khi chồng bà lên ngôi năm 1989. Vào đúng ngày sinh nhật thứ 59 của mình vào tháng 10/1993, cựu hoàng hậu đã suy sụp và mất giọng do hội chứng bất lực ngôn ngữ tâm lý.

Trước đây, IHA đã lên tiếng về các tin tức giả mạo liên quan đến các thành viên hoàng gia, và công khai chỉ trích việc này trên trang web của mình từ năm 2007. Nhưng cơ quan này không có các chính sách rõ ràng về cách xử lý những vấn đề như vậy, để bảo vệ các thành viên nữ của hoàng gia.

“Ngay cả khi cựu công chúa Mako được khuyên không nên quan tâm đến sự công kích của cộng đồng mạng, những lời chỉ trích mà cô ấy vô tình nghe thấy và biết được từ cuộc sống hàng ngày, sẽ tạo ra sự tổn thương sâu sắc trong tâm trí của cô”, Rika Kayama - một bác sĩ tâm lý và nhà bình luận về các vấn đề xã hội - lên tiếng.

Sau khi kết hôn, cựu công chúa Mako đã cùng chồng bắt đầu cuộc sống mới ở New York, nơi Komuro làm việc tại một công ty luật.

Hiện, mọi con mắt lại đang đổ dồn vào công chúa Aiko, người vừa tròn 20 tuổi vào tháng 12/2021, và đang được mong đợi sẽ thực hiện các nghĩa vụ chính thức, với tư cách là một thành viên trưởng thành của gia đình hoàng gia.

Công chúa sẽ được quyền kế vị ngai vàng nếu cô là thành viên của chế độ quân chủ như Anh hoặc Hà Lan, do cả hai chế độ này đều cho phép con cả của quốc vương kế vị, bất kể giới tính.

Vào ngày 22/12/2021, một hội đồng chính phủ Nhật đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu các giải pháp nhằm đảm bảo việc kế vị ổn định trong hoàng gia, trong đó có đề xuất cho phép các thành viên nữ kết hôn với thường dân được giữ nguyên địa vị hoàng tộc của mình. Nhưng hội đồng này vẫn chưa đưa ra kết luận về việc liệu phụ nữ hoặc các thành viên hoàng gia trong dòng mẫu hệ có được lên ngôi vị cao nhất hay không.

“Thiên hoàng là biểu tượng của Nhật Bản, và chế độ quân chủ là biểu tượng của chế độ phụ hệ. Do đó, sự phân biệt đối xử với phụ nữ đang thể hiện rõ ràng nhất trong hoàng gia Nhật. Một môi trường như vậy sẽ khiến cho những phụ nữ tài sắc rất khó tồn tại”, Sayoko Nobuta - một nhà tâm lý học lâm sàng - nhận xét.

Nhất Nguyên (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI