Phụ nữ trở thành “miếng mồi ngon” của tội phạm ma túy

12/12/2020 - 06:02

PNO - Số nữ tù nhân đang gia tăng đột biến tại châu Á và phần lớn trong số họ là nạn nhân của các tổ chức buôn ma túy.

Đa số phụ nữ phạm tội buôn ma túy là do bị lừa gạt
Đa số phụ nữ phạm tội buôn ma túy là do bị lừa gạt

Những con số đau lòng

Noor Yuni - cô gái 21 tuổi người Indonesia - ngỡ ngàng biết mình bị lừa sau khi cảnh sát mở lớp lót bên trong ba-lô của cô và tìm thấy các tinh thể màu trắng, tương đương 2kg methamphetamine. Cô cho biết, người đàn ông Nigeria trung niên có tên gọi là Peter khẳng định, đó là “quần áo” và hứa sẽ trả cho cô 1.000 USD nếu cô mang nó đến Hồng Kông. 

Yuni chỉ là một trong số hàng chục ngàn phụ nữ bị cuốn vào đường dây tội phạm ma túy ở châu Á. Sau khi bị bắt ở Hồng Kông vì tình nghi buôn bán ma túy, Yuni có thể phải chịu án tù chung thân hoặc bị hành quyết theo luật ở một số quốc gia.

Ngày nay, những tác động mà phụ nữ phải gánh chịu liên quan đến ma túy là rất lớn. Các nữ tù nhân tại các nhà tù ở Đông Á và Đông Nam Á đang chiếm tỷ lệ lớn nhất trên toàn thế giới, hầu hết đều bị giam giữ do liên quan đến buôn bán và vận chuyển ma túy. Theo thống kê, ở Thái Lan và Philippines, lần lượt có 82% và 53% nữ tù nhân đang chịu hình phạt vì buôn ma túy.

Đáng chú ý, sự gia tăng này không phải xuất phát từ sự gia tăng số hoạt động phạm tội của phụ nữ mà ngược lại, họ còn là nạn nhân bị lừa gạt, vô tình dính vào đường dây buôn bán ma túy.

Hầu hết ma túy được buôn bán ở châu Á - Thái Bình Dương có nguồn gốc từ Tam giác vàng - vùng biên giới hiểm trở giữa Myanmar, Thái Lan và Lào, một trong những trung tâm ma túy sầm uất nhất thế giới.

Trong những năm gần đây, các cánh đồng trồng cây thuốc phiện đã nhường chỗ cho các phòng thí nghiệm và khu sản xuất, khi nhu cầu về ma túy tổng hợp vượt xa nhu cầu về heroin và Đông Nam Á là tâm điểm của hoạt động buôn bán methamphetamine toàn cầu, trị giá lên tới 61 tỷ USD mỗi năm.

Bất bình đẳng giới

Theo báo cáo của Tổ chức Ân xá quốc tế năm 2018, tình trạng bất bình đẳng giới ngày càng lan rộng trong các vụ truy tố phụ nữ với các tội danh liên quan đến buôn bán ma túy, bao gồm cả việc kém hơn so với nam giới trong khả năng tiếp cận đại diện pháp lý và bảo lãnh tại ngoại. 

Phụ nữ bị buộc tội vận chuyển ma túy đôi khi phải nhận bản án nặng hơn so với nam - những người tham gia sâu trong đường dây buôn bán - do phía cảnh sát có ít bằng chứng về thông tin giao dịch của họ.

Samantha Jeffries - đồng tác giả của nghiên cứu năm 2019 - cho biết các trường hợp phụ nữ vào tù do buôn ma túy mà cô phỏng vấn đều vận chuyển ma túy cho người khác, thường là một người đàn ông nước ngoài và là bạn tình. Các tội phạm thường lợi dụng phụ nữ có trình độ học vấn thấp hoặc nghèo đói để biến họ thành người vận chuyển chất cấm. Đa số nữ tù nhân không biết về số ma túy trong hành lý của mình, một số bị lợi dụng thông qua các vụ lừa đảo hẹn hò, phần nhỏ là do muốn kiếm tiền.

Malaysia là một trong những quốc gia có số phạm nhân bị tử hình lớn nhất Đông Nam Á. Theo Tổ chức Ân xá quốc tế, tính đến tháng 2/2019, ít nhất 1.281 người phải đối mặt với các vụ hành quyết, gần gấp ba lần so với Thái Lan.

Jeremy Douglas - đại diện khu vực của Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) - nói nhiều quốc gia đang tiếp tục kết án những người vận chuyển ma túy cấp thấp nhưng hầu hết họ là nạn nhân của các vụ lừa đảo. Chính vì vậy, UNODC đang thúc đẩy việc cải cách tố tụng để tập trung vào “những kẻ buôn bán ma túy” chứ không phải những người vận chuyển bị tổ chức tội phạm lợi dụng. 

Chung Thu Hương (theo CNN)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI