Nhiều ý tưởng khởi nghiệp xanh
Từ sáng sớm, gian hàng của chị Trần Thị Thu Hương - chủ cơ sở Mây tre lá Dạ Lý Hương, TP Thủ Đức, TPHCM - đã thu hút đông đảo khách tham quan với 170 sản phẩm thủ công độc đáo thân thiện với môi trường. Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp, chị Hương cho biết, xu hướng tiêu dùng hiện đang dần chuyển sang sử dụng các sản phẩm xanh, bảo vệ môi trường, vì thế, từ năm 2016, chị luôn tìm tòi và sáng tạo ra những mẫu sản phẩm mới từ các chất liệu tự nhiên như lục bình, mây, tre.
Nhưng nguồn nguyên liệu tại thành phố rất khan hiếm nên chị phải về các tỉnh miền Tây để tìm nguồn cung cấp. Mỗi sản phẩm thủ công của chị Hương đều mang nét độc đáo và tinh tế, có giá từ 15.000 đồng đến vài chục ngàn đồng tùy vào mức độ phức tạp của các công đoạn sản xuất. Nhờ chất lượng vượt trội và sự độc đáo trong từng chi tiết, sản phẩm của cơ sở Mây tre lá Dạ Lý Hương được các công ty đặt hàng để xuất ra nước ngoài.
|
Chị Trần Thị Thu Hương (bìa phải) - chủ cơ sở Mây tre lá Dạ Lý Hương - giới thiệu sản phẩm với khách hàng |
Bên cạnh thành công trên thị trường, cơ sở của chị Trần Thị Thu Hương còn giải quyết việc làm cho hơn 70 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, nhàn rỗi có thêm thu nhập 2-3 triệu đồng/tháng. Chị nói: “Được tham gia giới thiệu sản phẩm tại sự kiện này là niềm vinh dự đối với tôi. Đây là cơ hội quý báu để tôi học hỏi thêm kinh nghiệm khởi nghiệp và quảng bá sản phẩm của mình rộng rãi hơn”.
Đặt buồng dừa trước gian hàng như một điểm nhấn, gian trưng bày của chị Trần Thanh Liễu - Phó giám đốc Công ty cổ phần Dừa nước Việt Nam (Vietnipa), huyện Cần Giờ, đã thu hút được sự quan tâm của mọi người qua lại. Khách ghé thăm, chị Liễu nhiệt tình giới thiệu và gây ấn tượng mạnh với sản phẩm đường dừa nước hữu cơ mới lạ.
Nói về cơ duyên khởi nghiệp với sản phẩm “đường dừa nước hữu cơ”, chị Liễu bộc bạch: “Sinh ra và lớn lên tại Cần Giờ, tôi đã gắn bó với sông nước từ thuở nhỏ. Giờ đây, mỗi lần về quê, tôi vẫn bồi hồi nhớ lại những hình ảnh quen thuộc của tuổi thơ, đặc biệt là những cây dừa nước ngày càng ít đi so với trước.
Tôi hỏi cha về điều này và nhận ra rằng, mọi người chỉ biết đến những giá trị đơn giản của cây dừa nước, như dùng lá để lợp nhà hay lấy cơm dừa nước làm thức ăn. Chính vì vậy, cây dừa nước bị coi nhẹ giá trị, dẫn đến việc nhiều người đã phá bỏ để lấy đất, hoặc chuyển sang nuôi tôm, cá”.
Và vô tình, một lần chị Liễu phát hiện ra cây dừa nước có thể tiết ra mật từ cuống, giúp chế biến thành đường, rất tốt cho sức khỏe. Từ đó, chị quyết định dấn thân vào thử nghiệm, nghiên cứu. “Ban đầu, tôi không nhận được sự ủng hộ từ ba mẹ, vì lúc ấy, tôi có công việc ổn định tại một trường đại học, đồng thời làm giáo viên dạy tiếng Anh với thu nhập tốt. Tuy nhiên, với niềm đam mê và mong muốn thay đổi, phát triển kinh tế từ tài nguyên địa phương, tôi hy vọng có thể góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ” - chị Liễu tâm sự.
Và đến đầu năm 2022, chị Liễu và cộng sự đã khởi động dự án “Đường dừa nước hữu cơ”. Chị chia sẻ rằng, trong quá trình sản xuất đường, công ty không sử dụng hóa chất hay biện pháp tinh luyện nào. Theo đó, mật dừa nước sau khi thu hoạch được xử lý qua công nghệ hiện đại, cô đặc chân không ở nhiệt độ thấp, giúp giữ lại giá trị dinh dưỡng và màu sắc đặc trưng của hạt đường. Sản phẩm có chỉ số đường huyết thấp, giữ được hương vị tự nhiên của cây dừa nước vùng Cần Giờ.
Ban đầu, vì đường dừa nước còn khá lạ lẫm nên việc tìm kiếm khách hàng khá khó khăn. Nhưng khi được quảng bá trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử thì sản phẩm nhanh chóng được khách hàng tin tưởng và ủng hộ. Chị Liễu tăng cường đi chào hàng ở khắp nơi nên thị trường ngày càng mở rộng. Xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ và chất làm ngọt tự nhiên đang ngày càng phổ biến, mở ra nhiều cơ hội cho công ty của chị.
Hiện tại, sản phẩm tập trung vào thị trường nội địa như Coopmart, Coopfood, Go, Satra Mart, Emart, cùng các hệ thống phân phối trên toàn quốc. Theo chị Liễu, giá của đường dừa nước so với các sản phẩm khác như đường ăn kiêng và đường nhập khẩu khá mềm, nên sản phẩm tạo được sức hút lớn.
Sau việc khai thác và phát triển giá trị của cây dừa nước của chị Trần Thanh Liễu thành công, nhiều hộ dân tại địa phương đã giảm thiểu việc chặt phá, đồng thời còn mở rộng quy mô trồng cây. Hơn nữa, ý tưởng khởi nghiệp của chị Liễu còn tạo ra việc làm cho khoảng 30 nhân công, chủ yếu là người địa phương. Và vinh dự hơn, dự án “Đường dừa nước hữu cơ” đã đoạt giải Ba hội thi “Phụ nữ khởi nghiệp” với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức.
Tiếp tục hỗ trợ phụ nữ phát triển
Ngày hội “Phụ nữ khởi nghiệp, sáng tạo” năm 2024 với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động đã thu hút sự tham gia của hơn 70 doanh nghiệp, hợp tác xã cùng các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia gian hàng giới thiệu sản phẩm.
Ngoài ra, ngày hội còn tổ chức các tọa đàm như “Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong đăng ký thương hiệu, sở hữu trí tuệ đổi mới sáng tạo”, “Giao lưu, trao đổi kinh nghiệm các hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”.
Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - cho biết, ngày hội “Phụ nữ khởi nghiệp, sáng tạo” do Hội LHPN thành phố tổ chức hằng năm là nơi giúp các chị em khởi nghiệp quảng bá sản phẩm, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh với các doanh nghiệp đã khẳng định thương hiệu trên thị trường.
|
Chị Trần Thanh Liễu - Phó giám đốc Công ty cổ phần Dừa nước Việt Nam (Vietnipa) - trao quà cho phụ nữ khó khăn |
Theo bà Phương Hoa, những năm qua, Hội LHPN thành phố và các cấp hội đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho hơn 3.000 lao động nữ. Năm 2024, Hội LHPN các cấp, ngoài các hoạt động an sinh xã hội đã chuyển đổi, sáng tạo trong hoạt động, phối hợp các đơn vị, sở ngành, quận, huyện, hội nghề nghiệp… tạo nhiều chương trình kết nối, giới thiệu sản phẩm qua mạng xã hội, hướng dẫn các thủ tục nhận các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, tổ chức các diễn đàn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hội cũng chú trọng công tác dạy nghề, tổ chức các chuyên đề, tọa đàm tại cơ sở nhằm nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ và lao động nữ về tầm quan trọng của việc học nghề; phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức hội nghị gặp gỡ với lao động nữ nhằm định hướng việc làm, chọn ngành nghề phù hợp cho chị em.
Cũng theo bà Trần Thị Phương Hoa, trong thời gian tới, Hội LHPN thành phố sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để chị em có điều kiện mạnh dạn khởi nghiệp, khởi nghiệp thành công cùng với nhận thức về tầm quan trọng của việc học nghề, nâng cao trình độ, kiến thức để tìm việc làm hoặc tự tổ chức việc làm, tăng cường công tác phối hợp, xã hội hóa các nguồn lực, phát triển dạy nghề, trang bị kiến thức, nhất là các ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trao 22 phần quà cho hội viên, phụ nữ khó khăn Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, chị Trần Thanh Liễu - Phó giám đốc Công ty cổ phần Dừa nước Việt Nam (Vietnipa) và chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - thương mại - dịch vụ du lịch Thiềng Liềng - (2 dự án đoạt giải thưởng hội thi “Phụ nữ khởi nghiệp” với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024 do Trung ương Hội LHPN tổ chức) đã cùng các chị em hội viên, phụ nữ khởi nghiệp tham gia gian hàng tại ngày hội san sẻ yêu thương, đóng góp kinh phí trao tặng 22 phần quà (mỗi phần 1 triệu đồng) cho phụ nữ khó khăn. |
Ngọc Trăm