Con số 4.0 gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp - nhiều bạn đọc đã biết. Gắn con số ấy với phái đẹp - biểu trưng cho sự nhanh nhạy, giỏi giang và tháo vát. Họ rành công nghệ, làm chủ công ty, điều hành tập đoàn hàng ngàn nhân viên. Họ thậm chí bay vào vũ trụ, trở thành chính trị gia nhiều người ngưỡng mộ… - những lĩnh vực nam giới luôn ở thế thượng phong.
Những gương mặt ấy chúng ta biết chưa đủ nhiều, dù họ vẫn đang miệt mài làm việc ngoài kia, thì những trở ngại và định kiến về giới mà họ vượt qua để thành công, ta lại càng… mù mờ. Ở số báo đặc biệt này, chúng tôi trò chuyện cùng hai nhân vật nữ mà cả hai đều rạng rỡ, đầy năng lượng và nhiều trải nghiệm cùng một nhân vật nam - ở góc nhìn người khác giới. Thật thú vị khi ba góc nhìn đã mổ xẻ nhiều vấn đề khác nhau về áp lực và định kiến của phụ nữ trong thời đại 4.0.
Một trong hai phụ nữ trên là chị Bùi Việt Hà, nhà sáng lập và vận hành Styleline - công ty chuyên tư vấn về phong cách ăn mặc cho phụ nữ. Chị Hà kết hôn rất sớm, khi còn là một VJ nổi tiếng nhưng không hạnh phúc. Trở thành mẹ đơn thân, chị bắt đầu cuộc sống mới, tiếp tục ước mơ từng nhen nhóm với thời trang. “Tôi đã vượt qua được cái tôi của chính mình, những nỗi đau, sự tự ái, búa rìu dư luận, sự xét nét, so sánh bản thân mình với người khác để tìm được bình yên trong tâm hồn” - chị Hà bộc bạch bí quyết luôn rạng ngời.
|
Bùi Việt Hà |
Người phụ nữ thứ hai, chị Lê Quỳnh Thư - Giám đốc Công ty Truyền thông Apex Media - một nữ tướng thật sự ở lĩnh vực này khi lèo lái giai đoạn đầy khó khăn của công ty trong năm 2020. Bên cạnh đó, chị Thư còn là một người vợ đảm, một người mẹ yêu con và thường xuyên nấu các bữa ăn cho gia đình, chăm sóc các thành viên. Chị Thư luôn thường trực nụ cười mãn nguyện trên môi mà nếu không nói, có lẽ ít người biết chị đã từng trải qua rất nhiều chuyện bể dâu. “Bí quyết của tôi là sự sẻ chia và tôn trọng, quan tâm lẫn nhau” - chị Thư tâm sự.
|
Lê Quỳnh Thư |
Người đàn ông duy nhất trong cuộc trò chuyện này là Nguyễn Minh Luân - chuyên viên sáng tạo nội dung, phòng Marketing Đại học RMIT. Tốt nghiệp đại học ở Úc và dành nhiều sự quan tâm đến các vấn đề về giới, Luân luôn khiến mọi người bất ngờ về góc nhìn khách quan và kiến thức của anh.
|
Nguyễn Minh Luân |
* “Giao xe cho phụ nữ là một… tội ác”. Anh chị nghĩ thế nào mỗi khi nghe những lời tương tự?
Chị Bùi Việt Hà: Đằng sau câu nói này là sự nghi ngại khả năng của phụ nữ, rằng phụ nữ chỉ làm được như thế thôi. Tôi từng rơi vào vài trường hợp so sánh như thế và cảm thấy rất tự ái. Ở khía cạnh tích cực, sự nghi ngại cho phụ nữ thêm động lực hoàn thiện bản thân, hoàn thiện các kỹ năng trong cuộc sống và công việc.
Anh Nguyễn Minh Luân: Thực tế, đàn ông hay phụ nữ đều có khả năng… gây tai nạn như nhau. Sự so sánh này phản ánh rất rõ áp lực phụ nữ Việt Nam phải gánh chịu trước cái gọi là chuẩn mực xã hội. Phụ nữ ngày nay đủ thứ việc phải lo, vừa gia đình, vừa công việc, sợ xấu, sợ đen, sợ đủ thứ. Không chỉ chuyện đi xe, việc trùm kín mít từ đầu đến chân cũng là một dạng áp lực theo chuẩn “cái đẹp trắng nõn nà” của phụ nữ Á Đông nói chung.
Chị Lê Quỳnh Thư: Là người thuộc trường phái tư duy tích cực nên mỗi lần nghe câu này tôi đều… cười. Tôi hình dung người nói không ám chỉ, ganh ghét, chế giễu hay nghi ngại gì, mà là đang bày tỏ sự… kính nể với phụ nữ. Bản năng của phụ nữ là “multi tasks”, nghĩa là có thể làm hay tư duy về nhiều thứ cùng lúc. Ai nói câu đó là họ đang kiêng dè sự vượt trội của phụ nữ. Nghĩ vậy đi, không cần phân tích gì sâu xa để bực bội. Riêng về lái xe, tôi biết rất nhiều phụ nữ lái xe khéo và xử lý tình huống tốt hơn đàn ông.
* Anh chị có nghĩ slogan “giỏi việc nước, đảm việc nhà” vô tình trói phụ nữ vào cái ách trách nhiệm?
Chị Lê Quỳnh Thư: Tôi thấy câu này hay mà! Nó tôn vinh, ghi nhận và đề cao vai trò phụ nữ. Được đảm việc nước, giỏi việc nhà là niềm vinh hạnh to lớn của chị em. Ai tuyên dương hay cấp bằng khen cho tôi như vậy, tôi nhận ngay.
Anh Nguyễn Minh Luân: So với câu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” thì slogan này vẫn đỡ hơn. Ngày nay, đàn ông có thể xây tổ ấm, không có gì phải xấu hổ hay tự ái, còn đàn bà cũng có thể xây nhà một cách kiêu hãnh nhất. Như tôi đã chia sẻ ở trên, chúng ta nên ngừng tư duy về vai trò giới, rằng “hãy làm theo những điều này để chứng tỏ bạn là một người đàn ông thực thụ/người chồng tuyệt vời” hoặc “5 bí quyết để trở thành người phụ nữ của gia đình”… Đó là những tư duy cũ kỹ giam cầm cả hai giới. Dù nam hay nữ, chỉ cần bạn là một công dân thì bạn đều phải có trách nhiệm xây dựng một xã hội tốt đẹp bắt nguồn từ những giá trị gia đình lành mạnh.
Chị Bùi Việt Hà: Chúng ta học hỏi và lớn lên từ chính những sai lầm của mình. Nếu phải cố hoàn hảo sẽ tạo cho bản thân rất nhiều áp lực. Những áp lực đó sẽ dẫn đến những đổ vỡ khác, đầu tiên là đánh mất chính mình. Có những lúc chu toàn, có những lúc không, quan trọng là phụ nữ hãy chọn thứ tự ưu tiên, đừng ép mình trở nên hoàn hảo.
* Khi lập gia đình, mặc nhiên, phần đông phụ nữ thường lùi về phía sau làm điểm tựa cho chồng, từ bỏ những giấc mơ, sự nghiệp. Và nếu “chẳng may” phụ nữ thành công hơn người đàn ông trong gia đình, họ sẽ phải đối mặt với sự tự ái của chồng. Anh Luân có chia sẻ gì khi chứng kiến điều này?
Anh Nguyễn Minh Luân: Cuộc đời tôi được truyền cảm hứng bởi phụ nữ rất nhiều và họ đều là những người mẹ rất thành công trong cuộc sống. Tôi rất nể phục họ và luôn thầm hỏi tại sao một người phụ nữ có thể làm hết từng ấy việc khi một ngày cũng chỉ 24 giờ? Câu chuyện ở đây là sự lựa chọn và xác định thứ tự ưu tiên.
Với tôi, phụ nữ không cần lùi về sau làm điểm tựa cho ai. Họ đẹp nhất khi họ yêu bản thân, yêu người thương và được sống với ước mơ của họ. Những người chồng tự ái không phải do người vợ quá giỏi. Tôi gọi đó là sự “nam tính mỏng manh”, chịu áp lực quá nhiều trước những chuẩn mực xã hội đặt ra cho đàn ông, rằng họ phải làm trụ cột, phải kiếm tiền nhiều hơn phụ nữ, phải trả tiền cho bữa ăn…
* Phụ nữ lấy chồng hơn nhiều tuổi thì mang tiếng tham tiền, yêu người nhỏ tuổi hơn thì bị bảo là tâm lý khủng hoảng… không lấy chồng thì bị cho là khó tính nên chẳng ai chịu nổi. Mọi thứ với phụ nữ thật khắt khe…
Chị Bùi Việt Hà: Tất cả búa rìu dư luận bắt nguồn từ sự ganh đua, phán xét, thậm chí là ghen tuông. Đáng buồn nhất là những lời nói ấy lại thốt ra từ chính những phụ nữ. Chìa khóa để chấm dứt điều này là mỗi phụ nữ hãy tập cho mình tính vị tha, biết cảm thông và yêu thương người khác. Quan trọng hơn, hãy luôn để mình bận rộn và khiến bản thân hạnh phúc. Không người hạnh phúc nào có thời gian xen vào chuyện của người khác, bàn luận, nói sau lưng hay đơn giản là so sánh mình với người khác.
Anh Nguyễn Minh Luân: Không chỉ riêng nữ mà cả nam giới cũng bị vậy. Lấy vợ quá nhỏ tuổi thì bị bảo là “gu mặn”. Yêu người lớn tuổi quá là thích “lái máy bay”, dễ bị ăn hiếp. Không lập gia đình thì bị đồn đại về giới tính, nặng hơn là “bệnh này bệnh nọ”. Định kiến giới có mặt xung quanh chúng ta và ai cũng có thể là nạn nhân. Tôi nghĩ cái chúng ta cần hướng tới để thay đổi điều này là dừng việc gán nhãn người khác, đồng thời giáo dục thế hệ ngày nay về bình đẳng giới, sự đa dạng về bản dạng giới và xu hướng tính dục… Tất cả những gì chúng ta đang dán nhãn cho người khác đều được cấu thành từ xã hội và từ bối cảnh chúng ta lớn lên. Dù là nam hay nữ, chúng ta đều có quyền viết nên câu chuyện của mình, miễn là nó không ảnh hưởng xấu đến xã hội.
* Từng đối mặt với nhiều trở ngại để có được thành công như hôm nay, đã lúc nào hai chị nghĩ nếu mình là đàn ông, mọi việc sẽ nhẹ hơn?
Chị Lê Quỳnh Thư: Tôi luôn thầm cảm ơn ba mẹ sinh ra tôi trong hình hài và tâm tính phụ nữ. Nếu có kiếp sau, tôi cũng nguyện được là nữ giới. Là phụ nữ, tôi uyển chuyển xử lý mọi thứ theo sự nhạy cảm vốn có, hiểu được tâm ý của khách hàng, tình cảm và yêu thương các cộng sự (dù không ít lần nổi cơn thịnh nộ khi căng thẳng), thấu hiểu và chia sẻ với đối tác, và đương nhiên, dành trọn yêu thương và trân quý cho chồng con. Làm mẹ đảm hay vợ đảm với tôi là sở thích chứ không phải trách nhiệm. Vì vậy, nếu mọi người hay thấy tôi “quần quật” là vì tôi thích được như thế chứ chẳng ai bắt cả. Có quần quật mới là chính tôi. Tôi sẽ thấy mình vô cùng thừa thãi nếu giảm cường độ làm việc hay có thời gian rảnh quá nhiều. Nói đúng ra, tôi tận hưởng cuộc sống trong sự bận rộn mà tôi cố tình tạo ra.
Chị Bùi Việt Hà: Tôi đồng quan điểm với Thư. Tôi vẫn muốn được làm phụ nữ nếu có kiếp sau. Tôi nghĩ đàn ông hay phụ nữ đều cần có những thử thách trong cuộc sống để vươn lên và hoàn thiện mình.
* Phụ nữ ngày nay có nhiều cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp và các lĩnh vực xã hội, đồng nghĩa thách thức cũng nhiều hơn, đặc biệt là trong việc giữ gìn hạnh phúc. Hai chị có cùng suy nghĩ như trên?
Chị Lê Quỳnh Thư: Tôi vẫn thường nói với nhân viên, nếu ai cho bạn một cơ hội mà bạn nghĩ là vượt quá khả năng, hãy cứ đón nhận nó rồi học cách thực hiện. Cơ hội và thách thức luôn là hai phạm trù song song. Điều khiến bạn cảm thấy hoang mang là điều buộc bạn phải bứt phá. Nhưng còn hoang mang là còn khả năng vươn lên học hỏi và trở nên giỏi giang hơn, thành công hơn. Với tôi, cơ hội luôn là thách thức và ngược lại. Điều quan trọng là bạn có nhận ra đâu là cơ hội của mình.
Chị Bùi Việt Hà: Phụ nữ hiện nay luôn đồng hành, phát triển cùng người bạn đời trong mọi lĩnh vực. Ngày xưa, đàn ông ra ngoài xã hội lăn trải, nhận thức, suy nghĩ của họ theo đó mà phát triển; phụ nữ quẩn quanh ở nhà vun vén gia đình. Khoảng cách tâm lý giữa họ ngày một lớn. Vai trò của phụ nữ trong xã hội ngày nay được khẳng định hơn, thu hẹp dần khoảng cách đó. Và cũng chính cơ hội đó là thách thức. Đi nhiều, gặp nhiều, tiếp xúc nhiều, tâm lý con người thường nảy sinh sự so sánh với những thứ hay ho hơn. Do đó, dù là nam hay nữ, phải biết thế nào là đủ để có thể giữ gìn hạnh phúc.
* Theo anh Luân, cánh đàn ông cần làm gì để hỗ trợ phụ nữ thăng hoa trong sự nghiệp và vẹn tròn hạnh phúc?
Anh Nguyễn Minh Luân: Việc cần làm trước mắt là hãy nhìn những thành tựu của họ một cách khách quan, nằm ngoài những tư duy về giới. Ví dụ, nếu tiếp xúc với một phụ nữ cá tính, không nên suy nghĩ rằng cô ấy đang đi ngược lại với khuôn mẫu truyền thống về nữ tính và đặt nhiều câu hỏi định kiến như “cô tính độc thân suốt đời sao?”. Nếu cô ấy mắc một sai lầm gì đó cũng không nên đổ lỗi “đúng là đàn bà!”.
Đã có quá nhiều phụ nữ chịu sự chi phối của những hệ giá trị và tư tưởng này đến mức chính họ cũng tự hạ thấp giá trị bản thân và kỳ thị những phụ nữ khác. Chúng ta phải nhìn phụ nữ thế hệ mới theo một hệ giá trị mới, giải phóng họ khỏi những ràng buộc về chuyện kết hôn, lập gia đình, sinh con.
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta khuyến khích phụ nữ đừng kết hôn. Nếu đó là sự lựa chọn của họ, hãy tôn trọng. Đàn ông không nên tự tạo áp lực cho bản thân, rằng mình là “trụ cột gia đình”. Trong đời sống hôn nhân, cả hai giới hãy cùng là những tán cây thật lớn, phát triển cùng nhau.
* Cảm ơn anh chị đã chia sẻ!
Hoàng Linh Lan (thực hiện)