edf40wrjww2tblPage:Content
Với một niềm tin: cuộc đời sẽ nở hoa khi đất nước hòa bình, phụ nữ TP.HCM cùng nhân dân đã viết sang trang sử mới.
Khai trương cổng đào tạo trực tuyến - thêm một mốc son trong 40 năm công tác Hội và phong trào phụ nữ của TP.HCM
HÒA MÌNH CÙNG ĐẤT NƯỚC
Ngay từ những ngày đầu sau giải phóng, các tầng lớp phụ nữ thành phố đã hăng hái tham gia giải thích đường lối, chính sách; tổ chức cứu đói, tổ chức mạng lưới phân phối lưu thông, nhanh chóng ổn định cuộc sống, đấu tranh chống các tệ nạn xã hội.
Thành tích nổi bật của phụ nữ trong những ngày thành phố mới giải phóng là công tác cứu đói và phân phối lương thực thực phẩm. Với sự tháo vát, cán bộ Hội Phụ nữ xông xáo đi tìm nguồn gạo, sâu sát với từng hộ dân để phát hiện những người thiếu đói, đưa gạo cứu trợ đến từng gia đình, ổn định tư tưởng quần chúng, củng cố lòng tin của nhân dân vào chính quyền cách mạng. Hội Phụ nữ còn lãnh trách nhiệm xây dựng và hình thành mạng lưới phân phối gạo, thịt, rau, cá, bánh mì, thuốc men…, phục vụ hai bữa ăn cho đồng bào đến khắp các địa bàn trong thành phố.
Dù đã tạm lui về “nghỉ ngơi” từ đầu năm 2014, nhưng dì Tư Lang (Huỳnh Thị Lang, 86 tuổi, nguyên chi hội trưởng Chi hội KP2, P.4, Q.10 vẫn nhớ như in những ngày đầu tham gia công tác Hội. Bởi, đó là những tháng ngày đầu tiên, người phụ nữ có dính líu tới chế độ cũ (dì Tư Lang từng làm thư ký cho một quan ba thời Pháp), được “hồi sinh” sau nhiều năm tháng bị chồng “nhốt” ru rú xó nhà.
Dì Tư Lang kể: “Lấy chồng xong, ông ấy ghen, bắt nghỉ việc, tôi từng tưởng suốt cuộc đời này chỉ biết mỗi việc sinh con, nuôi con. Cũng may cách mạng về, vận động ông ấy cho tôi dạy xóa mù chữ, giúp chị em, nên tôi cũng được “giải phóng”. Nhớ mấy bữa đầu đi vận động bà con học chữ, họ thấy mặt mình đã không muốn mời ngồi, đừng nói gì chuyện mời uống nước…
Nhưng khi đọc được, viết được rồi, thì không chỉ mời uống, mời ăn, các chị em còn chạy theo mình để tâm sự đủ chuyện trong nhà, ngoài ngõ”. Với phong thái nhẹ nhàng, thanh thoát, cách ăn nói hòa nhã, hiền từ dì Tư Lang dần thuyết phục những người phụ nữ lao động khu Ngô Gia Tự - Nguyễn Tri Phương tham gia và đồng hành cùng nhiều hoạt động phong trào, từ xóa mù chữ, tham gia vệ sinh đường phố, tăng gia sản xuất, vận động kế hoạch hóa gia đình đến tình nguyện đi kinh tế mới.
Câu chuyện 40 năm kể lại nghe nhẹ nhàng, nhưng ai trong giai đoạn lịch sử đó, mới thấu hiểu sự khó khăn của những người làm công tác Hội. Khu quận 10 Sài Gòn xưa toàn những trại gia binh, nhiều người vợ lính chỉ quen làm đẹp, sống đời hưởng thụ, quan niệm “đông con, nhà có phúc” mặc nhiên tồn tại. Nay Hội Phụ nữ mang phong trào “một cây, một con” vận động họ tăng gia sản xuất, phải làm việc “động tay chân”, buộc sinh đẻ có kế hoạch để giảm đà gia tăng dân số… hoàn toàn không dễ tí nào.
Bà Trần Thị Minh - nguyên Chủ tịch Hội LHPN của Q.10 nhớ lại: “Không chỉ giỏi ăn nói, lăn xả vào công việc, mà chị Tư Lang còn có nhiều tài lẻ như hát dân ca, ngâm thơ làm xiêu lòng nhiều chị em. Nếu Hội không có chân rết là những phụ nữ trí thức, có tư cách tốt như chị Tư Lang để thâm nhập vào tầng lớp phụ nữ tiểu tư sản, thì e rằng cuộc vận động phát triển kinh tế của ta thời ấy hỏng”.
Sau khoảng thời gian đầu thực hiện các nhiệm vụ ổn định kinh tế, chính trị, xã hội, Hội LHPN TP bắt đầu định cho mình một hướng đi khác hẳn, gắn cùng công tác dân sinh, giúp phụ nữ vượt nghèo, làm giàu chính đáng. Lớp cán bộ Hội như dì Tư Lang, Hai Minh… lùi lại một bước, dắt tay, tạo đà cho lớp đàn em dấn thân vào công tác Hội.
KHÓ KHÔNG NẢN
Chỉ vào băng-rôn với khẩu hiệu “Phụ nữ Q.3 làm theo gương Bác, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Q.3 tự hào: “Quận Hội luôn tìm cách biến khẩu hiệu thành hành động cụ thể; vừa làm tròn trách nhiệm trong công tác, vừa mang lại lợi ích cho phụ nữ”.
Nhắc đến công tác Hội ở Q.3 phải kể đến các mô hình “Thực hành tiết kiệm”. Với nhiều hình thức như tiết kiệm từ nguồn vốn vay, nuôi heo đất, hụi tình thương, tiết kiệm điện… Hội đã giúp nhiều chị em “chống” lãng phí thời gian, tiền của; cải thiện cuộc sống rõ rệt. Thực tế các mô hình “Bếp ăn tình thương”; các quỹ học bổng, tương trợ, chăm lo cho phụ nữ được thực hiện thường xuyên ở Q.3 là nhờ nguồn tiết kiệm của phụ nữ.
Không ai thương phụ nữ bằng chính phụ nữ thương nhau; đó là điều thấy được ở nhiều cán bộ Hội. Họ luôn quan tâm, sâu sát gắn bó với đời sống của chị em, rất “tâm lý” khi hiểu thấu tâm tư, nguyện vọng của mọi người; từ đó có sự chủ động trong việc hỗ trợ kịp thời đến từng hoàn cảnh. Các hoạt động, mô hình do họ nghĩ ra luôn “đánh đúng” vào nhu cầu thực tiễn của chị em, gỡ khó nhiều vấn đề mà chị em chưa giải quyết được…nên ai cũng “ưng” lắm.”
TỰ TIN KHẲNG ĐỊNH MÌNH
40 năm phát triển cùng thành phố, con số cán bộ Hội hăng hái, tích cực, giỏi giang như dì Hai Minh, dì Tư Lang… là không đếm xuể. Mỗi đợt tổng kết phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, Phụ nữ tài năng, Phụ nữ làm kinh tế giỏi, Nữ doanh nhân đảm đang, thành đạt… số lượng chị em được tôn vinh đã lên đến con số hàng ngàn… Và các tấm gương ấy cứ dần lan tỏa khắp cộng đồng. Việc làm được của Hội đã thành câu chuyện kể hoài không hết.
Phụ nữ thành phố luôn nhạy cảm, thích nghi với cái mới. Đầu tháng 4/2014, 35 cán bộ Hội chủ chốt từ 24 quận huyện và các ban chuyên môn của Thành Hội tham gia lớp tập huấn chuyển giao công nghệ về hệ thống đào tạo trực tuyến. Chị Phạm Thị Tuyết - cán bộ chuyên trách Hội LHPN Q.Tân Phú, học viên của lớp, hào hứng: “Cứ mường tượng trong đầu các nội dung như về bạo lực gia đình, nuôi dạy con tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm… sẽ được “hiện đại hóa” bằng hình ảnh, video clip minh họa, chắc chắn chị em mình sẽ hăng hái tiếp thu hơn”.
Việc vận hành hệ thống đào tạo trực tuyến thật sự là mốc son, đánh dấu rõ ràng Hội đã thật sự hiện đại hóa; giảm thiểu “gánh nặng” chi phí và tiết kiệm thời gian cho cán bộ, hội viên và phụ nữ.
Bốn mươi năm nhìn lại và tự hào. Công tác Hội của thành phố hôm nay không đơn thuần là việc giúp nhau kiếm kế sinh nhai mà thay vào đó, Hội cùng chị em vượt khó, làm giàu, phát huy tính năng động, sáng tạo; gìn giữ, tôn vinh vẻ đẹp truyền thống; góp hành trang hạnh phúc cho từng phụ nữ dù họ ở bất cứ giai tầng, địa vị xã hội nào. Và bước ngoặt ấy chính là trang sử mới.
HẠNH CHI - VIỆT PHƯƠNG