|
Chủ tịch Hội LHPN TPHCM Nguyễn Trần Phượng Trân tặng quà cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: Thái Phương |
Phóng viên: Thưa bà, năm 2022, Hội LHPN TPHCM lần nữa ghi dấu son trong phong trào phụ nữ và công tác Hội cả nước. Bà có thể giới thiệu những hoạt động tiêu biểu đóng góp vào thành tích ấy không?
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân: Năm 2022, năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ các cấp và phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, “Xây dựng người phụ nữ TPHCM đoàn kết, nhân văn, năng động, sáng tạo, khát vọng vươn lên, gia đình hạnh phúc”. Hoạt động hội đối diện với khó khăn thử thách, do vẫn còn tác động của dịch COVID-19, nhưng các cấp hội đã chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện, làm việc kết quả bằng đôi, tạo hiệu ứng, khí thế thi đua sôi nổi lan tỏa.
Chúng ta có hơn 85.000 công trình, phần việc của cán bộ, hội viên phụ nữ thành phố đã hỗ trợ, kết nối, huy động nguồn lực phục vụ các hoạt động xã hội, hoạt động chăm lo phụ nữ, trẻ em. Nổi bật là việc huy động nguồn lực thực hiện các chương trình “Vòng tay yêu thương”, “Mẹ đỡ đầu”, “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”… để có số tiền hơn 33 tỉ đồng hỗ trợ, chăm lo trẻ mồ côi, phụ nữ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…
Song song đó, hoạt động đồng hành hỗ trợ phụ nữ ứng dụng chuyển đổi số trong kinh doanh, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp bước đầu có kết quả khả quan. Trong công tác tham gia bảo vệ môi trường, rất nhiều hoạt động, chương trình sáng tạo ra đời nhằm tuyên truyền, vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, hạn chế sử dụng túi ni lông. Hội đã thành công trong việc làm nòng cốt tham gia cải tạo các điểm rác đen thành vườn hoa, trang trí bức tường hoa, tuyến đường hoa... Các dì, các chị góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị, thành phố thêm sạch, thêm xanh; có thể nói, đôi tay cán bộ và hội viên phụ nữ đã khiến mùa xuân thêm tươi thắm.
* Khó khăn của toàn xã hội sau thời gian dài căng thẳng vì dịch COVID-19 chưa hết. Dù có kết quả ấn tượng trên, chắc hẳn bà vẫn còn những ưu tư?
- Nghiêm túc nhìn nhận, tôi thấy rằng, hiện nay, từng đơn vị hội đều có những đổi mới, sáng tạo, bước đi đột phá từ suy nghĩ, nhận thức, cách làm trong tổ chức sinh hoạt hội và triển khai các hoạt động hội, nhưng số lượng hội viên tham gia các hoạt động vẫn chưa cao, mô hình tập hợp hội viên ở một số đơn vị chưa có nét nổi bật riêng. Chính vì thế, đó đây, chúng ta chưa phát huy hết những tiềm năng, sức sáng tạo, thế mạnh của phụ nữ trên các lĩnh vực, những người có tầm ảnh hưởng ở địa phương, đơn vị, đặc biệt là việc phát huy vai trò của nữ cán bộ công chức, viên chức.
* Thưa bà, nhiều hoạt động của Hội đã đi vào chiều sâu, nhất là chuyện hỗ trợ phụ nữ phương kế mưu sinh, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Câu chuyện này không mới, vì sao Hội lại chọn để đầu tư, nâng chất?
- Chúng ta phấn đấu xây dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới: có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước. Đó là hình ảnh những phụ nữ tự tin, tự chủ trong cuộc sống, vì vậy, việc hỗ trợ phụ nữ sinh kế, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, nâng niu và chắp cánh cho khát vọng vươn lên ở từng phụ nữ là một trong những nhiệm vụ vừa cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài của hội.
Hội đã kết nối, tổ chức nhiều khóa đào tạo, hỗ trợ vốn, phương tiện sinh kế, hỗ trợ chị em học nghề, khởi nghiệp… tuy nhiên, điều đó chưa đủ. Với sự phát triển của xã hội, của công nghệ thông tin, bên cạnh những hoạt động hỗ trợ theo mô hình truyền thống, các cấp hội cần nâng chất để thích ứng kịp thời trong hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, nhất là việc hỗ trợ phụ nữ ứng dụng chuyển đổi số.
Năm 2023 tới đây, bên cạnh những việc làm thường xuyên hội sẽ tập trung các chương trình hỗ trợ, xây dựng các mô hình liên kết, kết nối sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp, các doanh nghiệp nữ vừa và nhỏ; tăng cường các lớp đào tạo nghề, hướng dẫn chuyển đổi số trong kinh doanh…
|
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM và nữ sinh các nước tham gia chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TPHCM” - Ảnh: Phùng Huy |
* Trong năm 2022, từ thành phố đến cơ sở đã có rất nhiều hội nghị đối thoại giữa cán bộ, hội viên với cấp ủy, chính quyền, địa phương… Điều này đã đem lại kết quả mong đợi chưa, thưa bà?
- Các hội nghị đối thoại này đã tạo ra nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi về chủ trương, chính sách để hỗ trợ phụ nữ phát triển, góp phần thực hiện hiệu quả hơn công tác bình đẳng giới ở từng địa phương, đơn vị. Đó là điều chúng tôi mong đợi.
Năm qua, một số chính sách thành phố đã phê duyệt để hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em mồ côi và những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Như trẻ mồ côi cha hoặc mẹ sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế, trợ cấp hằng tháng. Như chế độ hỗ trợ ốm đau, thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn…
|
Hội viên phụ nữ tham gia trồng cây cải tạo mảng xanh chung tay vì môi trường - Ảnh: Thái Phương |
* Nhân dịp xuân về, bà có chia sẻ gì với hội viên và phụ nữ thành phố?
- Tôi gửi lời cảm ơn chân thành đến các dì, các chị trong suốt một năm qua đã luôn nỗ lực trong hành trình cùng hội. Cảm ơn các gia đình, người thân cán bộ hội đã luôn ở phía sau hỗ trợ, làm chỗ dựa cho các chị yên tâm công tác, dấn thân vì cộng đồng.
Với mỗi phụ nữ thành phố, tôi mong các chị luôn có sự quyết tâm, nỗ lực, vươn lên trong từng công việc, hoàn cảnh, rèn luyện sức khỏe, tri thức, kỹ năng để thích ứng an toàn, linh hoạt trong mọi tình huống…
Năm 2023, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động “Tập trung xây dựng cơ sở hội vững mạnh”, gắn với chủ đề hoạt động này, hội LHPN các cấp sẽ phải nỗ lực nhiều. Tôi mong rằng chúng ta tiếp tục đoàn kết, phấn đấu, sáng tạo, năng động để tiếp tục gặt hái những thành quả tốt nhất.
* Xin cảm ơn sự chia sẻ đầy tâm huyết này của bà.
Nghi Anh (thực hiện)