PNO - Trong một năm qua, Hội LHPN TP Hồ Chí Minh đã đặt ra nhiều giải pháp để vận động phụ nữ tích cực tham gia bảo vệ môi trường và phát triển mảng xanh, cây xanh
Đặt bộ bàn ghế đá dưới bóng cây bàng cổ thụ, ông Nguyễn Văn Điều - Tổ trưởng tổ 2, khu phố 5, phường Tân Hưng, Quận 7 - thảnh thơi ngồi nhấm nháp ly cà phê. Từ chỗ ông ngồi, nhìn sang trái là dòng nước rạch Ấp Chiến Lược đang lững lờ, bên phải là một công viên mới rộng hơn 2.000m2 đang dần thành hình. Ở đó, một phần đất rộng đã được cán bê tông, nhiều cây xanh đã bám rễ, vươn cành. Những bộ dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời cũng được cắm chắc dưới sân để thỏa mãn người sử dụng… Đó là kết quả của quá trình “Cải tạo điểm đen về rác thành không gian xanh” do Hội LHPN Quận 7 phối hợp với Hội LHPN phường Tân Hưng thực hiện.
Một góc công viên đã được hình thành từ bãi rác khổng lồ ở khu Đại Thắng (Quận 7)
Khu vực ông Điều đang ngồi được dân gọi là khu Đại Thắng. Ông Điều mua nhà và về sống ở đây từ mười mấy năm trước. Trong ký ức của ông đó là vùng đất thấp trũng, hoang hóa, muỗi mòng, rắn rết không ai dám vô. “Mỗi lần bước vô, chú phải mang giày ống. Bãi đất thường xuyên bốc mùi hôi, mất vệ sinh, mất thẩm mỹ, bởi cứ cái gì không xài được là người ta mang ra đó vứt” - ông Điều kể.
Bãi rác khổng lồ ấy được hình thành bởi nó thuộc khu vực một dự án treo hơn 10 năm. Bà Huỳnh Nguyệt Ánh - Chủ tịch Hội LHPN Quận 7 - cho biết, từ năm 2011, khu Đại Thắng được quy hoạch xây trường học. Nhưng do vướng một số cơ sở pháp lý nên việc xây trường chưa thể tiến hành. Đất công không ai sử dụng, người dân đem rác ra đổ, thanh niên tụ tập hút chích. Thấy quá hoang phí, năm 2020, Hội LHPN Quận 7 đề xuất, xin cải tạo khu đất thành công viên với mong muốn tạo mỹ quan đô thị mảng xanh môi trường, trước tiên cho người dân xung quanh khu vực được hưởng thụ môi trường trong lành, sau đó là người dân các khu vực lân cận cũng có thể vào để tham gia hội họp, tổ chức hoạt động đoàn thể. Đến cuối năm 2021, dịch tạm lắng, Hội và Đảng ủy phường mới phối hợp tuyên truyền, vận động người dân chung tay thực hiện công trình. “Người thì cho xà bần, người thì cho xi măng, nguồn lực có tới đâu, mình cán tới đó, đến nay có thể ước tính chi phí đã lên đến 300 triệu đồng. Đã cán xi măng được 1/3 khu đất, trồng được khoảng 50 cây xanh. Nhà cửa người dân quanh đây đều hạn hẹp, không có không gian để tổ chức những đám tiệc. Có công viên sạch sẽ rồi, nhà nào có hậu sự, hỉ sự hay cúng giỗ, có thể mượn sân công viên mà làm. Hiện tại chúng tôi tiếp tục vận động để cải tạo phần diện tích đất còn lại để có thêm nhiều không gian giải trí, thể thao phục vụ nhân dân” - bà Nguyễn Thị Hoa Sen - Chủ tịch Hội LHPN phường Tân Hưng - phấn khởi.
“Mỗi gia đình một cây xanh - mỗi cơ sở Hội một công trình xanh”
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ các cấp, nhiệm kỳ 2022 - 2027 và hưởng ứng “Tết trồng cây” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động với mục tiêu hội viên phụ nữ cả nước trồng 130.000 cây xanh, trong năm 2022, nhiều nội dung, hoạt động về công tác xanh hóa không gian sống, bảo vệ môi trường được phát động thành phong trào thi đua đã trở thành việc làm, hành động thường xuyên trong cán bộ, hội viên phụ nữ.
Tại buổi lễ phát động phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” diễn ra tại công viên Đặng Thùy Trâm (quận Bình Thạnh), bà Trần Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hồ Chí Minh - cho rằng: "Quan điểm trồng cây của Bác Hồ đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu. Trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh, góp phần cải thiện môi trường, phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững là trách nhiệm của các ngành, các cấp và các hộ gia đình. Việc hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ’’ và các hoạt động bảo vệ môi trường hằng năm là cách làm thiết thực nhất ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, cải tạo môi trường sinh thái, làm đẹp cảnh quan. Mong rằng với sự chung sức, đồng lòng của người dân, hoạt động trồng cây xanh, bảo vệ môi trường sống sẽ ngày càng lan tỏa, trở thành một thói quen của người dân thành phố, cùng nhau xây dựng thành phố xanh - sạch - thân thiện".
Lãnh đạo Hội LHPN TP Hồ Chí Minh tại lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Lãnh đạo Hội LHPN TP Hồ Chí Minh tại lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”
Theo bà Phương Hoa, việc phát động trồng cây xanh nhằm xây dựng một thành phố xanh, thân thiện, tiến tới một Việt
Trồng và chăm sóc hơn 235.000 cây xanh trong năm 2022
Hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, “Mỗi gia đình hội viên phụ nữ một cây xanh - mỗi cơ sở Hội một công trình cây xanh”, trong năm 2022, các cấp Hội tại TP Thủ Đức và 21 quận, huyện đã trồng và chăm sóc hơn 235.000 cây xanh, thực hiện 142 công trình xanh, góp phần đạt mục tiêu 1 tỷ cây xanh trong 5 năm theo đề án của Thủ tướng Chính phủ, đăng ký thực hiện 15 công trình xanh/mô hình xanh như tuyến đường hoa, vẽ tranh tường, góc xanh sức khỏe, kệ xanh yêu thương, xóa và cải tạo 8 điểm đen về rác…
Nam xanh đòi hỏi mỗi người dân cũng như mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ phải ý thức được rằng phải có sự vun đắp, giữ mảng xanh ngay từ gia đình, rồi từ đó, màu xanh mới lan rộng ra ngoài cộng đồng.
Tại buổi lễ phát động, các vị lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã trồng thêm hơn 30 cây xanh, ra quân tổng vệ sinh môi trường và trao tặng thêm 250 cây cảnh cho các hộ dân khu chung cư, nhà trọ tại Phường 13, quận Bình Thạnh.
Ngoài ra, Hội LHPN TP Hồ Chí Minh và UBND quận Bình Thạnh cũng ký kết chương trình phối hợp công tác bảo vệ môi trường với các nội dung: Thực hiện chỉ tiêu 15.000 cây xanh hộ gia đình, cá nhân trồng trong khu dân cư, khuôn viên nhà trên địa bàn quận Bình Thạnh trong năm 2022; phấn đấu đạt 85% số phường được công nhận “Phường - xã - thị trấn sạch, xanh và thân thiện môi trường”.
Bên cạnh đó, trong năm qua, Hội LHPN TP Hồ Chí Minh cũng đặt ra nhiều giải pháp để vận động phụ nữ tích cực tham gia bảo vệ môi trường và phát triển thêm mảng xanh, cây xanh. Đó là mỗi chi, tổ Hội đăng ký thiết kế lại những điểm đen về rác thành mảng xanh và chính chị em tại chi, tổ Hội chịu trách nhiệm giữ gìn, chăm sóc. Bà Phương Hoa cho biết, hành động đó về lâu dài sẽ lan tỏa đến hộ gia đình, gia đình nào có đất nhiều thì sẽ trồng cây lớn, còn những nhà phố đô thị thì có thể trồng cây kiểng, rau sạch… để tạo cảnh quan trong gia đình.
Những năm gần đây, khoai mỡ được giá, nhiều hộ đã tăng sản lượng. Với giá bao tiêu là 9.000 đồng/kg, người trồng khoai sẽ có lời khoảng 20 triệu đồng/1.000m2.