Phụ nữ tham gia làm du lịch xanh ở Cần Giờ

06/02/2023 - 17:28

PNO - Những năm gần đây, tại huyện Cần Giờ, TPHCM, chị em phụ nữ tham gia phát triển du lịch ngày càng nhiều, đặc biệt là mô hình farmstay và homestay.

Làm cho "ra ngô ra khoai"

“Có một farm ở Cần Giờ vừa có cả home vừa có cả farm, có lò củi, bếp than, bếp điện và bếp gas. Farm có giường nệm, máy lạnh, nhưng khách cũng có thể dựng lều, giăng mùng ngủ chiếu. Trong nhà, ngoài vườn đều có võng, xích đu. Ngoài vườn có rau, có quả…” - chị Phạm Thị Thanh giới thiệu về Farmstay Trí Dũng của mình ở thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ trên Facebook. 

Chị Phạm Thị Thanh cùng du khách hái rau
Chị Phạm Thị Thanh cùng du khách hái rau

 Khu vườn chỉ rộng hơn 2.200m2 được thiết kế khá đơn giản mà ấm cúng, thích hợp cho các gia đình tìm đến nghỉ ngơi

“Tuyên truyền không bao giờ thừa. Chúng tôi tuyên truyền để hội viên phụ nữ và người dân tích cực quảng bá du lịch địa phương; phát huy các thương hiệu địa phương như mắm tôm Yến Phượng, muối tôm chị Tuyết; giữ gìn vệ sinh môi trường gắn với phong trào không sử dụng túi ni lông. Nhưng cái mà hội quan tâm tuyên truyền mọi lúc mọi nơi là “thấy rác là nhặt, không hỏi tại sao”.

.Bà TRẦN THỊ NGỌC HÂN - Chủ tịch Hội LHPN huyện Cần Giờ

dịp cuối tuần. Mùa xuân, khu vườn rực rỡ các loại hoa. Giữa vườn cây yên ắng, bạn có thể ngồi xích đu hay nằm tòng teng trên võng nhìn ngắm đất trời, ngắm hoa, nghe chim hót và hít thở không khí mát mẻ, trong lành từ biển thổi vào. Vườn có nhiều loại cây ăn quả như xoài, ổi, chuối, mít và nhiều loại rau để nấu canh, nấu lẩu. Khách có thể dùng thoải mái các loại rau trái tại chỗ, nhưng mang về thì tính theo giá chợ. Với sự gần gũi, ấm áp của farm, du khách ai nấy đều hài lòng khi đến và quyến luyến khi chia tay. Vườn gần chợ hải sản Cần Thạnh và bãi biển 30/4 nên khách cũng có thể đi chợ mua những thứ mình thích về chế biến và thoải mái bày tiệc trong nhà, ngoài trời… 

Theo lời chị Thanh, để có cái farm ra hình ra vẻ như hôm nay, ngoài công sức của vợ chồng chị còn có sự hỗ trợ của Hội LHPN huyện Cần Giờ. Từ các lớp tập huấn của hội về mô hình du lịch homestay, du lịch xanh, chị đã nung nấu quyết tâm đến với một nghề xa lạ. Cụ thể là 5 năm trước, khi được tiếp cận những thông tin về việc phát triển du lịch xanh ở Cần Giờ, chị Thanh đã bàn với chồng về giấc mơ làm trang trại du lịch. Thế là năm 2019, vợ chồng họ gom góp vốn liếng xây dựng căn nhà cấp 4 đầu tiên trên mảnh vườn có sẵn vài chục cây xoài đang ra hoa. Ngày ngày, sau khi đưa con đi học, chị Thanh xuống vườn nhổ cỏ, tưới rau, trồng hoa… Cuối tuần, ông xã và 2 con lại cùng vào vườn phụ chị. Con trai nhỏ, dù không làm được gì (cháu bị chậm phát triển) nhưng cũng vui thích với hoa lá cỏ cây, khiến vợ chồng chị Thanh càng thêm quyết tâm làm khu vườn “cho ra ngô, ra khoai”.

Khi những cây xoài lủng lẳng trái, các loại hoa cũng rực rỡ sắc màu, những luống rau lang, rau muống, vạt cải bắt đầu cho thu hoạch thì vợ chồng chị Thanh cũng đón được những vị khách đầu tiên. 2 tháng mùa tết năm 2020, Farmstay Trí Dũng được khách yêu thương và đặt kín lịch. Nhưng năm 2021 và 2022, do ảnh hưởng của COVID-19 nên việc kinh doanh gặp khó khăn. Tranh thủ thời gian này, anh chị bắt tay xây dựng thêm những tiện nghi cho khách. Chị Thanh cũng tranh thủ quảng bá cho farmstay của mình. Chị giải thích: “Truyền thông là rất cần. Muốn thành công thì phải chuyên nghiệp”.

Phát triển du lịch và gìn giữ màu xanh

Ngoài Farmstay Trí Dũng, ở Cần Giờ, nhất là ở xã đảo Thạnh An, nhiều chủ homestay và farmstay cũng rất ý thức về sự chuyên nghiệp trong phát triển loại hình dịch vụ này. Chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết - Chủ nhiệm Hợp tác xã homestay ở ấp Thiềng Liềng (với các homestay Ngọc Thơ, Mười Giạ, View Sông, Năm Tuyết, và cơ sở sản xuất muối Ngọc Long) - cho biết, xưa nay gia đình chị chỉ biết đi biển và làm muối. Nhưng khi Thạnh An bắt đầu với phát triển du lịch và người dân tìm đến Thiềng Liềng không chỉ để mua muối, mua cá tôm mà còn muốn coi làm muối, coi đánh bắt gần bờ… thì mỗi gia đình đều có ý thức chuyển đổi mô hình nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, làm muối gắn với du lịch. Mô hình “Một ngày làm diêm dân” trong tour du lịch Thiềng Liềng của gia đình chị Tuyết khiến nhiều du khách thích thú và ngày càng có nhiều người đặt tour đến ấp Thiềng Liềng. Chị Tuyết vui vẻ: “Khách nghe kể, rồi xem hình thì ham lắm. Nhưng vào mùa mưa bão thì không trải nghiệm chuyện làm muối được, nên mình phải nghĩ ra những cái khác hơn như hướng dẫn khách bí quyết chọn hải sản tươi sống, bí quyết nấu một vài món ăn đậm đà miền biển, thư giãn với việc ngâm chân, mát xa muối…”.

Chị Trần Hoàng Phương - chủ homestay Như Hảo ở tổ 27, ấp Thạnh Hòa, xã đảo Thạnh An - khẳng định: “Bây giờ người ta chú trọng du lịch để mở mang kiến thức chứ không phải chỉ đến để nghỉ ngơi, hưởng thụ. Cho nên mình cũng phải thay đổi, nâng chất công việc của mình”.

Du khách trải nghiệm tour “Một ngày làm diêm dân” ở homestay gia đình chị Tuyết
Du khách trải nghiệm tour “Một ngày làm diêm dân” ở homestay gia đình chị Tuyết

Quan niệm “nơi nào phát triển du lịch thì môi trường sinh thái nơi đó đứng trước nguy cơ bị hủy hoại” đang được xã đảo Thạnh An chứng minh ngược lại. Theo đó, người dân cùng chính quyền và các đoàn thể, đặc biệt là hội phụ nữ, đã kiên trì “nói không với bao ni lông” và rác thải. Từ những năm 2015, Hội LHPN huyện đã phối hợp với nhiều nhóm sinh viên chuyên ngành môi trường của các trường đại học thực hiện các dự án, các nghiên cứu thử nghiệm về việc ứng phó biến đổi khí hậu, trồng cây, nói không với túi ni lông và xóa các điểm đen về rác. 

Tháng 8/2020, Hội LHPN huyện Cần Giờ tổ chức tọa đàm nhằm tìm cách đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn xã Thạnh An trong hội viên phụ nữ và tiểu thương. Tại đây, nhiều ý kiến đã đề xuất với hội và chính quyền như: ngoài việc phải gìn giữ, bảo vệ môi trường sinh thái cần xây dựng chợ đêm, phát triển mô hình bè nổi, tạo các khu vui chơi với những trò chơi dân gian cũng như các phương tiện đi lại thuận lợi cho du khách khi đến ấp Thiềng Liềng, xây dựng thêm các thương hiệu sản phẩm đặc trưng, chuẩn bị nguồn nhân lực và xây dựng tour du lịch kết nối… Đây không phải là tọa đàm đầu tiên và duy nhất hướng đến việc phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường mà từ 10 năm qua, những phong trào, dự án, mô hình đã ra đời và nhân rộng, nhất là tại Thạnh An - nơi mà hôm nay khi đến tham quan, du khách đều cảm thấy hài lòng với môi trường được giữ gìn sạch sẽ. 

Diễm Chi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI