Phụ nữ tại TP.HCM đang phải gánh trên mình vai trò kép

17/12/2014 - 16:40

PNO - PN - Nam giới vẫn cho rằng quyền quyết định các vấn đề quan trọng trong gia đình là của đàn ông (tỷ lệ nam giới 69,8% đồng tình, cao hơn tỷ lệ nữ 47,9%).

edf40wrjww2tblPage:Content

Sáng 16/12, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp thực hiện bình đẳng giới trong gia đình trên địa bàn TP.HCM”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hà - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, thực tế hiện nay, phụ nữ vẫn là người chịu trách nhiệm chính với công việc trong gia đình. Từ các cuộc phỏng vấn, 7/8 phụ nữ trả lời mình phụ trách chính các công việc nhà, người còn lại nói chồng làm hết việc nhà nhưng lại không chịu đi kiếm tiền.

Theo bà Hà, người phụ nữ phải đảm nhận phần lớn những việc nội trợ vốn chiếm rất nhiều thời gian. Cụ thể, kết quả khảo sát tại TP.HCM cho thấy phụ nữ đi chợ mua thức ăn, thực phẩm (79,6%), dọn dẹp nhà cửa (59,8%), giặt giũ (63,6%)… Trong khi đó, nam giới có chia sẻ công việc gia đình với phụ nữ nhưng chủ yếu là những việc không tốn nhiều thời gian như chăm sóc người già, trẻ em, đưa đón con đi học. Nam giới vẫn cho rằng quyền quyết định các vấn đề quan trọng trong gia đình là của đàn ông (tỷ lệ nam giới 69,8% đồng tình, cao hơn tỷ lệ nữ 47,9%).

Bà Hà phân tích, nếu làm một phép tính đơn giản sẽ có kết quả là quỹ thời gian dành cho nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe của phụ nữ rất ít. Điều này ảnh hưởng đến việc tiến thân của phụ nữ trong công việc và sự nghiệp. Đây cũng là một lý do giải thích cho sự mất cân bằng giới tính ở những vị trí quan trọng trong xã hội. Phụ nữ tại TP.HCM đang phải gánh trên mình vai trò kép, lao động tạo thu nhập và là người đảm đương hầu hết mọi việc trong gia đình, đặc biệt là công việc nội trợ, chăm sóc con cái…

TS xã hội học Văn Thị Ngọc Lan cho rằng để đạt được sự bình đẳng trong lĩnh vực này, khái niệm bình đẳng phải được hiểu việc bình đẳng không đòi hỏi phải tuyệt đối công bằng kiểu vợ nấu cơm thì chồng phải rửa bát, mà nó là sự chia sẻ phù hợp với hoàn cảnh của từng gia đình của người vợ và người chồng.

Theo ThS Ngô Thị Kim Dung (Đại học Tôn Đức Thắng), cần tích cực hoàn thiện hệ thống pháp lý về gia đình; đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo tiền đề cơ sở vật chất để đảm bảo và nâng cao chất lượng sống cho mọi thành viên trong gia đình - là điều kiện cần thiết để thực hiện bình đẳng giới trong gia đình.

QUỲNH MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI