Phụ nữ sống xanh: “Dù trở thành triệu phú, con cũng không thể mua lại một dòng sông đã cạn”

09/09/2020 - 11:31

PNO - Điểm lại mới thấy, xu hướng sống xanh ở xứ mình dường như đang được dẫn dắt chủ yếu bởi những người phụ nữ. Họ trân trọng trái đất, cân nhắc với từng món rác thải, ân cần lựa chọn từng loại thực phẩm tự nhiên… Xã hội vô tình có những đại sứ lan tỏa tình yêu thiên nhiên trong mỗi gia đình.

Pierre là người Pháp. Làm vợ anh, tôi được chứng kiến một “sản phẩm” rõ nét của nền giáo dục yêu môi trường. “Bảo vệ trái đất” là một ý thức sống chi phối khá sâu trong sinh hoạt cá nhân của Pierre, rồi lan sang tôi.

Và đến khi có con, nó chi phối cả cách giáo dục con mà đến khi nhìn lại, tôi mới nhận ra mình đã có những hành vi khá khác lạ so với chính mình trước đây.

vfbgnt. Ảnh minh họa
Tôi muốn các con tôi cũng là “sản phẩm” của nền giáo dục yêu môi trường

Bảo vệ môi trường là một khái niệm nghe chừng xa lạ. Điều đó sẽ khó giúp con người “chiến thắng” những tiện lợi nhất thời trong những tình huống cụ thể. Với kinh nghiệm của một người đã chuyển hóa từ trạng thái thờ ơ sang “rất có ý thức”, tôi quyết định “cài” vào con tình yêu thiên nhiên trong vị thế của một cá thể quyền lực.

Quyền lực ở đây không có nghĩa là con thích làm gì thì làm, mà có nghĩa là chính bản thân con có thể tạo ra những tác động rất lớn đến tự nhiên.

Từ những lần hướng dẫn con rửa tay, tôi đã nói về sự quý giá của nước. Các động tác rửa tay bao gồm “mở vòi làm ướt tay, tắt vòi để lấy xà phòng, kỳ cọ tay, rồi mới mở vòi nước để tráng sạch”. Thông thường, giáo dục về việc rửa tay, ta chỉ tập trung vào việc làm sao để cái tay được sạch, mà quên mất nguồn nước đang làm sạch đôi tay đó là nguồn tài nguyên chung. Tôi hay nói với con “nước sạch đang rất khan hiếm, phải tắt vòi để không xài phí mất nguồn nước của ngày mai, của các bạn ở vùng khô hạn”. 

Tôi thường kể con nghe cuộc sống của trẻ con các vùng khô hạn, lũ lụt. Tất cả những thiên tai khủng khiếp đó đều có thể được hạn chế bởi chính những hành động hằng ngày của con. Việc ăn một cây kẹo, dùng một cái túi ni-lông, đọc sách, tắm rửa, nấu bếp… đều tương tác với tự nhiên thông qua việc vứt rác, dùng điện, tiêu tốn nước. Trong mỗi hành động đó, tôi đều dạy con cách xử lý sao cho dịu dàng nhất với môi trường.

Tác giả cùng 2 cô con gái trong một kỳ nghỉ giữa thiên nhiên
Tác giả cùng 2 cô con gái trong một kỳ nghỉ giữa thiên nhiên

Còn nhớ, cách đây không lâu trong một nhóm kín trên Facebook, có một chị nêu ý kiến về việc tiết kiệm điện và nước. Theo quan điểm của chị, nền kinh tế Việt Nam đã đủ khấm khá để mỗi gia đình không phải quá nhức đầu mỗi lần bật công tắc điện. Chị viết, việc tắt mở đúng như sách dạy có thể làm gia đình tiết kiệm tối đa được vài chục đến 100 ngàn đồng mỗi tháng. Chừng đó tiền không xứng để chị khiến con phải chật vật tắt xuống bật lên một cái vòi nước hay một công tắc điện.

Với cách tính toán đó, người ta chỉ nghĩ đến việc tiết kiệm cho hầu bao bản thân chứ không nghĩ xa hơn đến nguồn nhiên liệu tự nhiên đang cạn kiệt. Khi con vào tiểu học, tôi đã nói với con rằng, dù mai này có tài giỏi đến mức trở thành triệu phú, con cũng không thể mua lại một dòng sông đã cạn. Nếu nghĩ đến viễn cảnh bất lực đó của tương lai, việc tắt - mở cái công tắc điện hay cái vòi nước sẽ trở thành nhu cầu của từng cá nhân.

Tôi vốn không phải người giỏi tiết kiệm. Nhưng, từ lúc chứng kiến một người chồng giỏi kiếm tiền nhưng lại nghiêm túc tắt điện khi vội vã rời nhà bếp - tôi đã thay đổi. Sau này, tôi thực hành điều đó còn vì một ý thức rằng bản thân chính là một “môi trường” để con học cách đối đãi với tự nhiên. Trường lớp cũng góp phần giáo dục con trẻ bảo vệ môi trường. Nhưng, tình yêu thiên nhiên và trách nhiệm với môi trường là điều có trong từng nét sinh hoạt. Và con trẻ chỉ có thể học lấy điều đó từ nền giáo dục gia đình.

Các con được cài tình yêu môi trường
“Bảo vệ trái đất” là một ý thức sống chi phối sinh hoạt cá nhân

Vừa rồi, cô con gái lớn của tôi đã tỏ ra thích một chiếc ba-lô mới, nhưng quyết định không mua. Con bé giải thích, chiếc ba-lô cũ vẫn còn dùng được, nếu “chiếm hữu” thêm một chiếc mới, con đã tiêu tốn thêm một sản phẩm mà người ta sản xuất bằng vải vóc, bao nhiêu thuốc nhuộm. Tất cả những thứ đó đều lấy từ tự nhiên, rồi lại xả thải ra tự nhiên. Tôi nghĩ, lý lẽ của con bé cũng chính là một trong những hiểu biết cao nhất về khái niệm tiết kiệm.

Tôi không mong con sẽ tài giỏi hơn người, chỉ mong cho con những hiểu biết và kỹ năng để sống khiêm cung, trân trọng thiên nhiên. Để từ “ân nhân” câm lặng đó, con sẽ trân trọng và sống biết ơn với những ân nhân khác trong đời. Tôi tin rằng, chính sự đúng đắn trong môi trường giáo dục gia đình sẽ không tạo ra những người lớn chặt phá rừng, những doanh nghiệp phạt núi làm dịch vụ, hay những nhà quản trị thờ ơ với môi trường. Chúng ta có thể tạo ra những thế hệ như thế, từ chính việc làm cha mẹ. 

Hoàng Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI