Hôm đám cưới em họ tôi, tới đoạn hai họ trao quà cưới, cô Út bước lên ôm chầm lấy em, hôn đôi má em, vừa trao nhẫn mừng cưới, cô vừa chúc em “chân cứng đá mềm”. Lời chúc của cô khiến đám phụ nữ họ nhà gái đưa mắt nhìn nhau, tỏ ý “con bé đang chạm chân vào hạnh phúc, chứ có phải đi… chiến đấu đâu mà chúc kiểu ấy”.
Tôi, một phụ nữ ngoài 40, cũng đã từng trải hạnh phúc, khổ đau, nên rất đồng cảm với lời chúc của cô Út. Hẳn cô cũng như tôi, đã qua khổ đau, mới thấy giá trị của hạnh phúc, nên chẳng ngại ngần thốt ra lời chúc rất thực tế. Xét cho cùng, kết hôn là để đi tìm hạnh phúc, mà hạnh phúc đâu bỗng dưng mà có, phải đi tìm, phải đấu tranh, thậm chí là cuộc chiến cam go giữa không chỉ giữa hai người đã từng rất yêu thương nhau, mà còn với cả người “trăm họ”. Với lời chúc ấy, người chúc không phải tạo ra nỗi lo cho cô dâu, mà là lời động viên, nhắc nhở vô cùng ấn tượng.
Mật ngọt hạnh phúc có lẽ ướt át nhất trong những năm đầu của đời sống hôn nhân, trước khi tình yêu màu hồng bắt đầu tương tác với vô vàn “chất” khác, để chuyển thành màu đỏ, màu xám… Sóng gió hôn nhân giống như con tàu chòng chành trước biển, mà người lái tàu phải căng mắt, gồng mình đưa tàu vượt sóng cả.
Sẽ chẳng nói quá khi những ai từng chứng kiến hôn nhân bất hạnh của đời mình, cảm nhận hạnh phúc bắt đầu vụt khỏi tầm tay, là khi ấy thấm thía niềm đau, nỗi thất vọng đang ngày đêm gặm nhấm tâm hồn. Vượt qua nó hay buông xuôi là quyết định của mỗi người. Nhưng phần nhiều phụ nữ chọn cách đấu tranh để giành lại hạnh phúc, vì hạnh phúc ấy là cả một quá trình vun đắp, là sự tự nguyện, đâu thể dễ dàng buông xuôi vì những lý do đang chờ chực đâu đó mỗi ngày.
Hạnh phúc đến từ những sự giản dị. Ví như là khi hai vợ chồng tranh thủ ăn sáng cùng nhau, cùng tranh luận vui vẻ về một bộ phim, hay cùng chung quan điểm về một vấn đề. Mà cũng từ sự giản dị ấy, hạnh phúc lại rất dễ lung lay, bởi nó hiện hữu quanh mình, nhiều đến nỗi không phải lúc nào ta cũng kiểm soát được. Tỷ như khi chồng về muộn hay la cà cà phê thuốc lá đâu đó, người vợ thấy buồn, thiếu tự tin về bản thân, không yên tâm về chồng. Là khi ấy, hạnh phúc đang phụ thuộc vào người khác.
Chủ động mang lại hạnh phúc thì chỉ có thể là một sự phấn đấu, ít ra cũng tự dặn lòng đừng quá cầu toàn, và tin rằng mọi chuyện trên đời đều có thể xảy ra, để khi người mình yêu thương lỡ gây phiền não, thì mình cũng có cách “ngoi” lên, rồi tiếp tục bằng cách này cách khác, đấu tranh để đi tìm hạnh phúc.
Phụ nữ sống không hạnh phúc thì thật đáng tiếc. Ngay cả khi không hạnh phúc với chồng, thì cũng còn công việc, còn con cái làm điểm tựa. Hạnh phúc đâu nhất thiết phải từ một người đàn ông? Ta có thể chọn cách dù không thật hạnh phúc với người ấy nhưng vẫn có thể sống chung nhà, nhưng nhất định không được làm người bất hạnh.
Phụ nữ vốn nhạy cảm, thậm chí đa nghi. Cái đa nghi đôi khi có lợi nhưng lắm khi làm khổ mình. Mà phụ nữ cứ ưa “đeo” đủ thứ vòng vào cổ, rồi than mệt, than khổ. Cứ thế thì tìm đâu ra hạnh phúc? Hạnh phúc là có khi phả i phớt lờ mọi chuyện, biết đủ là đủ, giống như cái áo mặc vừa vặn, vừa đủ đẹp, chứ không nhất thiết vải phải xịn, hay hoa văn “cực chất”. Hãy luôn mở lòng để gọi tên hạnh phúc, nhận diện hạnh phúc, để có thể vun vén, bồi bổ hạnh phúc trong khả năng của mình.
Phụ nữ lấy chồng, như con thuyền ra khơi. Vượt sóng, gió để neo đậu an toàn, tùy thuộc vào “tay lái” của mỗi người. Bước vào hôn nhân là bước vào con đường hạnh phúc mới, do chính mình tạo ra. Trên hành trình đi tìm hạnh phúc, sóng và gió vật cản, có khi là lực đẩy. Nếu tận dụng được lực đẩy của sóng và gió, vượt qua được chướng ngại vật, người phụ nữ dễ dàng cập bến hạnh phúc. Ngược lại, nếu không biết tận dụng sóng, gió để đẩy hạnh phúc lên cao, sẽ chấp nhận thất bại.
Hai từ “hạnh phúc” cất lên nghe dịu ngọt, nhưng chất chứa trong ấy là cả một quá trình. Tổ ấm trong nhà, phần nhiều do người đàn bà xây nên, nó “ấm” hay “lạnh”, xưa nay người ta “mặc định” đều do đàn bà. Cảm thấy điều đó là áp lực hay không, và cách vun vén tổ ấm sao cho “ấm” lên hay “lạnh” đi, tùy vào mức độ “siêu nhân” của mỗi người.
Có hạnh phúc nào mà bằng phẳng đâu? Chẳng thế mà trước khi con gái đi lấy chồng, không bà mẹ nào không dặn dò con hãy biết nhẫn nhịn, vén khéo mọi bề, biết tạo hạnh phúc… Mà người con gái, chuyển từ cuộc sống độc thân sang cuộc sống “nhiều thân” với biết bao thay đổi, sẽ rất khó khăn nếu bản thân thiếu kỹ năng học cách làm dâu, làm mẹ, làm vợ.
Ngày xưa, các mẹ các chị, tới giờ G. là “xách gói” đi lấy chồng, chứ có ai trang bị tư tưởng để đi lấy chồng đâu, cái gì tới sẽ tới, tự thân thích ứng, vậy mà vẫn sống tới bạc đầu. Thời nay, phụ nữ được học nhiều điều, hy vọng chị em biết sống sao cho bản thân mình được hạnh phúc, người thân của mình cũng hạnh phúc lây.
Cô bạn tôi từng than rằng: hạnh phúc của mình ở… nghĩa trang, ý là đến chết may ra bạn mới được hạnh phúc. Nghe não nề quá. Trách người chồng đã không mang lại hạnh phúc cho vợ, trách mấy đứa con ngỗ nghịch, hay trách bản thân cô ấy đã không biết tự làm mình hạnh phúc? Hạnh phúc hay không, có phải là số phận? Chấp nhận số phận hay cải biến nó, đều do quyết định của mỗi người. Nhưng hạnh phúc bao la thế, biết khi nào cho đủ, khi nào mới mãn nguyện?
Tôi chỉ biết khuyên bạn, hạnh phúc sẽ không từ bỏ ai nếu biết kiên nhẫn, quyết đi tới cùng không ngại khó. Đâu phải lúc nào con cái cũng ngỗ nghịch, hay chồng lúc nào cũng vô tâm? Hãy vui lên những lúc như thế. Hạnh phúc với từng chút một như thế. “Hạnh phúc như ngọc ở trong đá”, đâu dễ gì có được nếu ta sống hờ hững, không chịu thay đổi bản thân? Ngay cả khi bạn có sắc đẹp, cũng đâu thể nằm duỗi mà hưởng thụ hạnh phúc. Hạnh phúc thật sự là hạnh phúc bền lâu, viên mãn, không thể là ngày một ngày hai.
“Chân cứng đá mềm” cụm từ nghe đầy tính… chiến đấu, nhưng quả thật, để đi tìm hạnh phúc, không thể không “chiến đấu”, trước mắt là với chính bản thân mình. Ví như loại bỏ những điều nhỏ nhen, ích kỷ ra khỏi đầu mình, để dễ dàng cảm nhận mọi điều theo hướng tích cực nhất, sẽ thấy lòng nhẹ nhàng, chẳng phải là hạnh phúc sao?
Chúc người con gái đi lấy chồng “chân cứng đá mềm”, tôi nghĩ chẳng có gì là quá đáng, ngược lại rất thực tế. Bởi giữa bộn bề cuộc sống, hạnh phúc vốn mong manh, dễ vỡ nếu như không vững bước kiểu “chân cứng đá mềm”.
Phi Khanh