Phụ nữ sẽ ngẩng cao đầu trong hành lang pháp lý

20/12/2014 - 07:14

PNO - PN - Đằng sau cánh cửa hôn nhân có khi là thiên đường, có khi là địa ngục. Nhưng, cánh cửa ấy là của riêng mỗi người, nên chỉ những ai đã quyết lòng mở cửa bước vào thì mới biết. Mỗi cánh cửa mở cho một lứa đôi, nên câu...

edf40wrjww2tblPage:Content

Với thiếu nữ, lấy chồng là trao gửi, là tin yêu, là hạnh phúc. Chỉ khi người phụ nữ gặp những bất hạnh trong đời sống hôn nhân, luật pháp mới được nhận thức và thực sự mang một ý nghĩa nào đó. Vậy nên, đa phần những bế tắc mà chị em cầu cứu đến Hạnh Dung, là những bế tắc mà việc tháo gỡ đòi hỏi cả tình và lý - cả tập quán lẫn pháp luật, cả văn hóa cá nhân lẫn quy tắc pháp đình.

Có những nỗi niềm tưởng không bao giờ có thể khơi thông, san sẻ, nói gì đến giải phóng: bạo lực gia đình, sự hành hạ triền miên cả tinh thần lẫn thể xác, những con sâu rượu mang tên “chồng”, những con ma cờ bạc mang nợ nần về chất đống lên đầu vợ con… Khi đã cạn kiệt sức chịu đựng, người ta cầu cứu đến pháp luật giải quyết, nhưng pháp luật cũng không thể. Họ buộc phải kéo dài tình trạng chịu đựng ấy, bi kịch ngày nối tiếp ngày.

Luật Hôn nhân gia đình 2014 đã đặt thêm những phao cứu sinh cho người trong cuộc khi hôn nhân đi vào ngõ cụt. Với điều 51, bằng quy định có thể xin ly hôn giùm người thân, một cánh cửa mới đã mở. Theo đó, như trước đây, chỉ vợ và/hoặc chồng mới có quyền yêu cầu ly hôn, thì kể từ nay cha, mẹ, người thân thích khác cũng có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn với những điều kiện cụ thể. Cũng đã có ý kiến lo lắng rằng rồi sẽ có việc lạm dụng điều luật này để xen ngang vào những cuộc hôn nhân của người khác.

Nhưng, cũng cần nhận thức rằng, đây là một ràng buộc để người trong cuộc ý thức hơn về hôn nhân của mình, ý thức hơn trong việc cư xử với chồng/ vợ mình khi có chuyện không may, khi cơm không lành canh không ngọt - sự ràng buộc để không ai trong hai người đó rơi vào cảnh cùng đường, mà luôn luôn có thể tìm thấy lối thoát.

Phu nu se ngang cao dau trong hanh lang phap ly

Một điểm đáng lưu ý nữa của Luật Hôn nhân gia đình 2014 là điều 56, quy định bạo lực gia đình được xem là căn cứ để ly hôn. Đây là bước luật hóa những quy định về xử phạt bạo lực gia đình từ trước đến nay. Thực tế, đã có những chị em phải chấp nhận cúi đầu nhẫn nhục sống cùng chồng trong cảnh nay bị đánh đập vì lý do này, mai bị hành hung vì lý do khác, đến nỗi địa phương cũng “lờn mặt” không biết xử trí ra sao, có khi cũng đành phải cho rằng đó là chuyện riêng nhà người ta. Nay thì có lẽ, nên đem điều luật này răn trước những kẻ vũ phu…

Nhưng nói đi rồi cũng phải nói lại, luật không phải là một phép màu, có thể ngay lập tức thay đổi số phận của hàng trăm vạn phụ nữ. Sự thay đổi của mỗi cuộc đời phải do tự bản thân người chủ của cuộc đời ấy nhận thức và thay đổi cách nghĩ, cách làm. Luật Hôn nhân gia đình 2014 đạt được đến những bước tiến như trên, là từ một thực tế xã hội đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Đó là phụ nữ có thể sống và làm việc độc lập sau ly hôn, phụ nữ có thể sống đơn thân mà không bị nhìn nhận với con mắt kỳ thị, phụ nữ có khả năng và cần được tạo điều kiện để độc lập phát triển... Chỉ khi nào người phụ nữ ý thức được những điều ấy, họ mới nắm được chiếc chìa khóa mà luật đã trao cho mình, để mở ra một cánh cửa tự do khác.

Mới mẻ và không dễ nhận thức đối với những ai đã quen quan niệm “lấy chồng thì phải theo chồng”, nhưng người ta có quyền tin rằng khi đã được luật hóa, sớm muộn gì rồi những chuyện này cũng ăn vào nếp hành xử ở trong mỗi gia đình, tạo thêm cho người phụ nữ sức mạnh để làm chủ vận mệnh của mình. Có lẽ đó mới chính là ý nghĩa nền tảng, sâu xa của luật pháp, chứ không phải chuyện ly hôn bằng lý do này hay lý do khác, do người ngoài cuộc hay người trong cuộc khởi đầu. Người phụ nữ sẽ bước đi ngay ngắn, thẳng lưng ngẩng cao đầu tự tin trong hành lang pháp lý dành để bảo vệ họ và gia đình, đó mới là hình ảnh sống động và nhân văn hơn cả của luật.

HẠNH DUNG

(hanhdung@baophunu.org.vn)

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ 8g đến 17g các ngày thứ Hai, ba, Tư, năm, Sáu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI