edf40wrjww2tblPage:Content
Nhắc ngày 30/4/1975 lịch sử, má Sáu Nhung hào hứng, quăng luôn cục thuốc xỉa ăn trầu để rảnh tay kể chuyện
VÌ… MANG ƠN BỘ ĐỘI
Những năm 1940, xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An là vùng giao tranh ác liệt. Ban ngày giặc càn quét, chiếm đóng; ban đêm ta về vận động tuyên truyền, tổ chức cài đặt những gia đình tốt làm cơ sở cho cách mạng. Và, giống như rất nhiều cô gái ở xứ đất đai khô cằn nghèo đói vì bom đạn này, Hồ Thị Nhung không được đi học, cô phải vừa làm lụng việc nhà, giữ em, vừa chăn bò, mót củi. Thấy Nhung hiền lành, thiệt thà, các cô chú cán bộ nhờ đưa thơ, mấy anh bộ đội nhờ dò la tin tức ngoài đồn bót.
Ngặt một nỗi, Nhung không biết chữ, có nhiều bảng treo ngoài chợ không đọc được lấy gì kể cho bộ đội nghe. Nhung về thú thiệt “khuyết điểm”, mấy anh nói dễ ợt, sẽ dạy chữ cho. Học chữ trong vùng chiến tranh thì phải học ban đêm. Học lén lút, một bữa được mười bữa không, vậy mà lần hồi Nhung cũng biết đọc biết viết rồi làm toán, đọc sách báo thành thạo.
Chỉ chừng đó thôi cũng đủ để Nhung mang ơn bộ đội, quyết chí về xin tía má và các cô chú cán bộ cho thoát ly vô khu. Các cô chú nói rất cần Nhung góp sức. Vậy là năm 17 tuổi, Nhung chính thức tham gia công tác Hội Phụ nữ. Với gánh gạo trên vai, mua xóm trong bán xóm ngoài, Nhung dễ dàng đi vận động quyên góp lương thực, thực phẩm, thuốc men, vận động các gia đình đào hầm nuôi giấu cán bộ, bộ đội …
Năm 20 tuổi, Nhung lập gia đình với anh bộ đội Huỳnh Văn Sử (Sáu Sử), quê ở ấp Trung Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn. Khi có đứa con gái đầu lòng, tổ chức phân công hai vợ chồng về quê hoạt động công khai tại nhà (hiện là số 14/9 đường Đặng Thúc Vịnh, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn), nơi má Sáu Nhung - 85 tuổi, đang sống cùng con cháu.
Vẫn còn rất minh mẫn và lanh lẹ, vừa nghe hỏi về những hoạt động trong hai thời kỳ chiến tranh, má Sáu liền nắm tay kéo khách ra trước nhà, chỉ những quán xá, phố chợ san sát hai bên đường, kể rành mạch thời chống Pháp ở đó có một cái bót, còn thời chống Mỹ nơi đây là ấp chiến lược, nhà xã trưởng đằng kia, cách mấy căn. T
ai mắt dày đặc vậy mà vợ chồng má Sáu cứ đường hoàng nuôi giấu hết đợt cán bộ này đến đợt bộ đội khác trong những căn hầm ngoài bờ tre. Má Sáu nhổ nước cốt trầu, cười móm mém: “Tài thánh gì đâu, chẳng qua là tại tụi nó không ngờ vợ chồng tao coi khù khờ mà liều quá cỡ thợ mộc. Cũng nhiều lúc thằng xã trưởng đi xét bất tử chớ, nhưng mình làm việc cẩn thận, ém nhẹm, dọn dẹp kỹ càng, đâu dễ để cho nó phát hiện. Cho nên, mất công chừng vài ba lần là nó hổng thèm để ý tới nữa”.
Nói vậy thôi, chớ qua lời kể của má Sáu Nhung, chuyện nuôi giấu cán bộ, bộ đội rất cực nhọc và vô cùng nguy hiểm. Như tất cả người dân trong vùng, tới mùa thuốc rê, nhà má Sáu trồng thuốc, hết mùa thuốc thì trồng cà, bí, rau, đậu. Hai vợ chồng xách nước tưới đến mức những ngón tay cong vòng, chai ngắt. Ngày nào cũng phải thức dậy từ hai-ba giờ đi tưới rẫy đến tờ mờ sáng. Thấy bình thường vậy, nhưng biết được thời điểm đó bọn lính ngủ say, vợ chồng má Sáu canh gác để bộ đội, cán bộ chuyển vùng hoạt động, hay chuyển từ hầm nhà này sang nhà khác. Lo xong việc rẫy, việc nhà cửa, má Sáu lại tất tả cất gióng gánh lên vai đi bán gạo. Chỉ cần nghe má Sáu rao “Ai mua gạo hông?”, những gia đình có hầm nuôi giấu biết là tối nay có bộ đội về để lo chuẩn bị, còn khi nghe rao “Ai có gạo bán hông?” có nghĩa má Sáu cần bà con phụ nuôi quân. Cực nhất là những lúc có tin lính càn quét, má Sáu phải rảo gánh đi hết đầu trên xóm dưới rao khàn cổ “Ai gạo, ai gạo hông…”, làm ám hiệu.
Ở trong nhà cũng có ám hiệu riêng, khi nghe vợ chồng má Sáu kêu tên cô con gái ba lần liên tục, có nghĩa là nhà đang có người lạ vô, người dưới hầm phải cẩn thận, hay nghe tiếng cuốc “dộng” trên miệng hầm năm cái, mấy anh có thể lên ăn cơm. Dĩ nhiên ám hiệu không được cố định mà phải thường xuyên thay đổi để không bị chú ý. Nhiều lúc má Sáu ra ám hiệu bằng cử chỉ như vô nhà úp nón lá lên bàn là biết tối nay bộ đội không về được, hoặc ngửa nón thì có nghĩa là đang rất cần lương thực, thực phẩm. Bà con ngày đó còn nghèo lắm, nên nuôi bộ đội chủ yếu chỉ có cơm với rau dưa. Thỉnh thoảng nhà nào có đám tiệc thì mới có thêm chút thịt cá.
“Vui nhứt là những ngày xắt thuốc. Thuốc lá rộ mùa từ cuối tháng Hai đến giữa tháng Ba. Người dân trồng thuốc thường đi xắt vần công, bữa nay nhà này mai nhà khác. Mỗi đám xắt đông đến năm, sáu chục người, có nhà kêu thợ vùng khác tới phụ nên nhơn dịp này cán bộ thường có thể tham gia tuyên truyền mà không sợ cò lính để ý, mấy anh em bộ đội cũng có thêm chút thức ăn tươi ngon bồi dưỡng cho lợi sức”, má Sáu kể.
Má Sáu đi chợ về
XỨNG DANH BÀ MÁ 18 THÔN VƯỜN TRẦU
Câu chuyện kéo dài đến chiến dịch mùa xuân năm 1975, má Sáu hào hứng hẳn lên. Đang cầm cục thuốc xỉa, má quăng luôn để rảnh tay… kể chuyện. Má nhớ hình như bắt đầu từ năm 1970, ở trên đã thông báo chỉ đạo chuẩn bị cho chiến dịch. Tất nhiên, lúc đó má đâu biết là chiến dịch gì, chỉ biết trận này một mất một còn, số quân bà con mình nuôi giấu sẽ đông hơn, lương thực thực phẩm tích trữ phải nhiều hơn.
Nhà má Sáu thỉnh thoảng lại đón những cán bộ huyện ủy viên như đồng chí Năm Tê, Năm Reo, Bê Ka (Thượng tướng Phan Trung Kiên, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) về trực tiếp chỉ đạo. Những ngày tiếp theo, má Sáu đi bán gạo thỉnh thoảng nhận nhiệm vụ rải truyền đơn, vận động lôi kéo những nhà có con đi lính hãy đào ngũ hoặc tham gia làm công tác vận động binh sĩ cung cấp vũ khí, thuốc men cho cách mạng.
Thời kỳ đó hoạt động nguy hiểm nhưng lại vui. Vui vì bà con ai nấy đều ủng hộ cách mạng, mong chờ ngày hòa bình, thống nhất đất nước nên thảy đều đồng lòng, quyết tâm. Còn nguy hiểm thì hiển nhiên vì càng thua thì địch càng siết chặt tự do của người dân.
Má kể, bên kia con đường này có một khu rừng cây thấp lè tè, người dân gọi là rừng chồn, đơn giản vì có nhiều chồn sinh sống. Đầu năm 1974, lính xây dựng nông thôn kéo kẽm gai rào bít cả khu rừng. Nhận thấy chuyện này sẽ gây khó khăn cho việc chuyển quân vào sâu trong nội thành, cấp trên liền chỉ đạo má Sáu vận động người dân kéo ra xã kêu đòi gỡ bỏ kẽm gai, chừa đường cho bà con vào rừng thả trâu bò. Bà con đi rất đông, đấu tranh kiên trì, đưa ra đủ lý lẽ, cuối cùng bọn lính phải nhượng bộ.
Chính nhờ con đường qua rừng chồn ấy, từ giữa năm 1974 đến tháng Ba năm 1975, nhà má Sáu luôn là nơi bộ đội dừng chân nghỉ ngơi để lấy sức tiến vào nội thành. Đến đầu tháng Tư thì má Sáu được chỉ đạo một mặt kêu gọi chị em phụ nữ may cờ, tích trữ thêm lương thực thực phẩm, mặt khác đẩy mạnh công tác vận động binh sĩ cộng hòa bỏ hàng ngũ.
Có một chuyện vui là nhờ số lương thực tích trữ được mà những ngày cuối cùng của tháng Tư, nhà má Sáu và một số gia đình cơ sở khác trong vùng đã giữ chân được hàng trăm binh lính cộng hòa từ Bình Dương, Đồng Nai đổ về. Không chỉ lo cơm ăn, nước uống, bà con còn cung cấp quần áo, giày dép, tiền xăng xe cho những người lính này tìm đường về quê. Sau này, khi đã ổn định cuộc sống, nhiều người đã quay lại tìm thăm má Sáu.
Với tất cả những năm tháng cống hiến thầm lặng, sau ngày đất nước thống nhất, má Sáu được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng 3; chồng má Sáu được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng 2. Riêng má Sáu, thành tích không dừng ở đó, vì còn nhiều công tác dành cho má ở Hội Nông dân, Hội Phụ nữ. Má Sáu còn được trao tặng Huy chương vì giai cấp nông dân, là Điển hình Phụ nữ xuất sắc 30 năm của Hội LHPN TP.HCM cùng nhiều bằng khen, giấy khen về những công việc má đã làm một cách tận tụy, hết lòng. Từ lúc nghỉ hưu đến giờ, má vẫn chưa rời xa công tác Hội Phụ nữ. Má không nề hà việc lớn nhỏ, không so đo tính toán.
Có lẽ chính vì vậy mà không mấy người dân ở xã Thới Tam Thôn biết nhiều về má Sáu, hàng xóm kêu má là bà Sáu Sử, còn những người cùng độ tuổi với má gọi má là “Bà Sáu bán gạo”. Hỏi má Sáu sao kỳ vậy? Têm thêm miếng trầu, má nhìn ra đường nói bâng quơ: “Ai biết thì biết, không biết thì thôi, góp chút sức cho cách mạng, kể công làm chi". Chẳng trách trước khi đến gặp má, gọi điện thoại hỏi thăm một cán bộ ở xã Thới Tam Thôn, chị ngập ngừng: “Má Sáu chỉ lãnh lương hưu, không lãnh tiền có công. Nào giờ không nghe má kể việc nuôi giấu cán bộ...”.
Má Sáu là vậy đó.
KIM CHI