edf40wrjww2tblPage:Content
Mẹ Sương thời trẻ
Nơi đón nhiều “khách ở quê lên”
Mẹ Trần Thị Ngọc Sương năm nay 83 tuổi, đang sống tại nhà riêng cùng cô con gái áp út Nguyễn Thị Phương Tần trên đường Điện Biên Phủ. Căn nhà cũ có cánh cửa màu vàng tại số 51/10/14 Cao Thắng, Q.3, TP.HCM ngày trước mẹ ở, nay đã trở thành di tích Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam bộ. Hiện vật trong di tích không nhiều. Một chiếc máy thu thanh cũ, một chiếc máy may mẹ Sương từng may cờ, áo quần gửi cho chồng và anh em đồng đội trong chiến khu…
Một chiếc xe Honda mẹ Sương dùng để chở hàng hóa, súng và tài liệu. Mấy khẩu K54 cùng chiếc vỏ bánh xe ô tô cũ để giấu súng nằm cạnh chiếc máy cắt bánh phồng tôm. Trong phòng ngủ, có chiếc giường được đóng thêm các ngăn bí mật để giấu tài liệu, truyền đơn. Ngồi bên mẹ Sương một trưa tháng Tư, giữa những hiện vật lịch sử, tôi cứ mải mê ngắm vầng trán rộng trên khuôn mặt hiền. Vầng trán mẹ thư thái như chưa hề trải qua một quãng đời đầy biến cố, chưa từng có đòn roi tra tấn và lao tù.
Trải qua một cơn tai biến, mẹ Sương không nói được nhiều. Ký ức của chị Nguyễn Thị Anh Thư, con gái lớn của mẹ đưa tôi về những năm tháng trước 1975 của vùng Bàn Cờ. Với địa thế phố chợ nhiều hẻm ngang, ngõ tắt, Bàn Cờ ngày ấy là khu dân cư lộn xộn, nhưng chẳng khác gì một chiến lũy ngay giữa lòng địch.
Chuyện che giấu cán bộ cách mạng của nhà này, hẻm kia với những nhân vật lịch sử như Lê Thị Riêng, Nguyễn Thị Chơn (vợ ông Trần Bạch Đằng, sau 1975 là Thứ trưởng Bộ Tư pháp)…; chuyện bảo bọc sinh viên đấu tranh của những bà mẹ như dì Hai Chí, bà mụ Mười, dì Ba bán vải, dì Hai Hạnh giáo viên, dì Ba Ngoan thợ may... có thể kể mãi không hết. Nửa thế kỷ trôi qua, hơn 200 người mẹ Bàn Cờ nay chỉ vài người còn sống.
Chị Thư dẫn tôi tới căn gác gỗ sau nhà, nơi Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam bộ từng đặt máy thu tin tức từ Hà Nội, biên soạn tài liệu. Từ năm 1954-1957, địa điểm này đón nhiều cán bộ như Trần Bạch Đằng, Phạm Dân, Tân Đức, Đỗ Văn Ba… cho tới khi Ban Tuyên huấn dời vào chiến khu. Ba năm không bị lộ, quả là một kỳ tích khi địch liên tục “quần thảo” khu Bàn Cờ với hệ thống mật vụ “ngũ gia liên bảo”. Chị Thư kể, lính tráng tới lục soát, tài liệu có khi được ném vội qua tường sang hàng xóm để người bên đó gom cất giấu hoặc nhanh chóng phi tang.
Mẹ Sương tại nhà di tích Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam bộ
Mẹ Sương khi ấy là con dâu trong nhà ông công chức ngành lúa gạo Nguyễn Xuân Sao. Cô gái có vẻ đẹp tươi sáng, mong manh như cái tên Ngọc Sương gặp chàng trai Nguyễn Trọng Xuất tại khóa huấn luyện học sinh cứu quốc tại Mỹ Tho. Năm 1950, trong phong trào học sinh sinh viên, ông Xuất giấu tài liệu trong nhà nên khi khám xét, cả con và cha cùng bị bắt.
Chính sự kiện này đưa tới nguồn gốc khá đặc biệt của căn nhà số 51/10/14 Cao Thắng. Ông Xuất bị kết án ba năm tù, người cha được chứng minh vô tội nên phải thả. Số tiền bồi thường vì bắt giam ông Nguyễn Xuân Sao được chính quyền Sài Gòn trả 38.000đ, tương đương mười mấy cây vàng. Ông Nguyễn Xuân Sao đã dùng số tiền này mua căn nhà nhỏ ở khu Bàn Cờ và sau đó chuyển cho Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam bộ sử dụng.
Về phần ông Nguyễn Trọng Xuất, thời gian trong tù, ông liên lạc với bên ngoài bằng những lá thư bí mật, rồi ông yêu cô gái làm liên lạc, chuyển thư tín lúc nào không hay. Tấm hình cưới còn ghi khoảnh khắc cô dâu trẻ mặc áo dài trắng, bẽn lẽn bên chú rể, đó là khi ông Xuất vừa ra tù năm 1953.
Cưới nhau xong, Ngọc Sương được tổ chức cài vào làm việc tại Bưu điện Sài Gòn, ông Xuất mở trường tư tại Mỹ Tho - ngôi trường Việt cộng ngay trong lòng địch, mang tên Nguyễn Công Trứ - để dễ bề qua mắt địch. Năm 1957, mặt trận Mỹ Tho vỡ, ông lên Sài Gòn vừa dạy học vừa hoạt động. Sau bảy năm kết hôn, sáu đứa con của họ theo nhau ra đời.
Lật giở cuốn album ảnh gia đình, ông Nguyễn Trọng Xuất chầm chậm kể: “Cuối năm 1960, tôi được lệnh cấp trên điều động vào vùng giải phóng giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tỉnh Mỹ Tho. Chia tay khi vợ mới sinh cháu út vài ngày trong nhà bảo sanh Từ Dũ, bế đứa con đỏ hỏn trên tay, lòng dạ tôi rối bời, nhưng bà ấy vẫn bình thản nói ở nhà lo được hết”. Ông Xuất xúc động nói, những tháng ngày đằng đẵng vừa xoay xở nuôi đàn con sáu đứa ăn học vừa hoạt động cách mạng, cơ cực trăm bề nhưng chưa một lần bà than vãn. Trong những bức thư ít ỏi gửi lên chiến khu cho chồng, bà lại “lo ngược” chuyện ông ở rừng ăn uống thiếu thốn, bệnh tật. Năm 1964, mẹ Sương lần nữa đứt ruột khi tiễn hai con trai lớn vào căn cứ, ngôi nhà nhỏ chỉ còn toàn “đàn bà con gái”.
Mẹ Sương bên chiếc xe Honda chở bánh và tài liệu
Là trụ sở, nơi liên lạc của chi bộ Đảng Ban Phụ vận nội thành, Hội Bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ Việt Nam, Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống..., để tạo vỏ bọc an toàn, mẹ Sương tổ chức sản xuất bánh phồng tôm Tiền Giang tại nhà. Ban ngày, cô viên chức Ngọc Sương duyên dáng áo dài làm việc tại bộ phận gửi bưu phẩm của bưu điện, tối về lại loay hoay bên mẹt bột, máy cắt bánh. Những trưa nắng gắt, những chiều mưa dầm, người phụ nữ mảnh mai ấy cần mẫn chở bánh đi giao hàng. Có ai ngờ dưới đáy thùng bánh là tài liệu, là vũ khí, truyền đơn...
Càng gần Tết Mậu Thân 1968, đám trẻ trong nhà càng thấy nhiều khách “ở quê lên” và khách mua hàng, không hề biết đó chính là những chiến sĩ nội thành đang hối hả chuẩn bị cho chiến dịch “tập kích chiến lược” chấn động nước Mỹ. Có dạo, bạn hàng mang thật nhiều giỏ bưởi tới, nhà cửa luộm thuộm, chất đầy như vựa trái cây, đám trẻ cũng không hay “hàng kèm” chính là vũ khí, cờ hiệu, truyền đơn...
Chị Phương Tần hồi nhớ: “Mẹ tôi cứ hì hụi trong bếp cạy gạch bông, đào bới đất. Bà phàn nàn nào là có ổ chuột, ổ gián, nào là hư đường ống nước, không có tiền thuê thợ nên phải sửa. Mỗi ngày mẹ moi lên chừng một hai lon guigoz đất. Chị Anh Thư lãnh nhiệm vụ xách bịch rác sinh hoạt trộn đất đá đi đổ. Cả tháng trời mẹ đào - con đổ rác, khoang hầm rộng một mét khối hoàn thành, nhưng mãi sau này chúng tôi mới biết có súng K54, băng rôn, cờ... dưới đó”.
Gót giày đinh và những em gái Bàn Cờ
Lớn lên ở nơi “Việt cộng ra vô”, những đứa con của mẹ Sương quen với cảnh rượt bắt. Có lần nghe ồn ào, đám trẻ chạy về và thấy cảnh sát đang đánh đập một cô gái trẻ trong nhà. Mẹ Sương nhanh trí lao ra xuýt xoa: “Cháu gái tui bị điên mấy chú ơi. Dưới quê gửi nó lên đây chữa bệnh. Đã nói ở trong nhà mà chạy chi ra ngoải không biết”. Rồi mẹ quay sang nạt nộ “cô cháu tâm thần” cho tới khi đám cảnh sát bỏ đi. “Cô cháu tâm thần” đó chính là chị Đoàn Lê Phong, con gái liệt sĩ Đoàn Văn Bơ, một cán bộ cách mạng bị truy tìm ráo riết lúc ấy.
Căn nhà bị nghi ngờ là “ổ Việt cộng” nên mẹ Sương bị bắt rồi thả nhiều lần. Những đêm cảnh sát tới, mấy chị em Phương Tần thường co ro một góc vì sợ. Tiếng xe thắng gấp đầu hẻm, tiếng giày đinh rầm rập sau này còn ám ảnh những giấc ngủ của cô bé. “Có lần má đang chở tôi trên đường. Xe cảnh binh ép má con tôi vào lề rồi bắt má đi, bỏ tôi chơ vơ, hoảng loạn. May sao có một người quen thấy, dắt xe và tôi về nhà”, chị Phương Tần kể.
Hạnh phúc bình dị, yêu thương của người mẹ Bàn Cờ Trần Thị Ngọc Sương (Ảnh chụp ông bà tại ngôi nhà cũ trong con hẻm khu dân cư Bàn Cờ lúc 17g40 ngày16/4/2015)
Một lần, cảnh binh mang máy dò kim loại tới, quyết tìm nơi cất giấu vũ khí của mẹ Sương. Được mật báo, mẹ lấy số nữ trang bà ngoại tặng, gom hết vàng lá trong nhà ngồi đợi. Lính vào nhà chia nhau lục soát. Khi nhóm dò vũ khí tiến vào căn bếp, tiếng bíp báo vừa kêu lên cũng là lúc số vàng nhanh chóng được nhét vào tay chúng. Hoa mắt trước tài sản lớn, chúng đã nháy nhau làm lơ. Tuy hầm bí mật không bị phát hiện nhưng mẹ vẫn bị dẫn đi trong tiếng gào khóc của bầy con. Lần đó, địch giữ mẹ Sương để tra khảo hơn một năm trời.
Không có cha mẹ, bốn chị em gái vừa tuyệt vọng vừa bơ vơ, xóm giềng đã đỡ đần từng chén cơm, ly nước. Để có tiền sinh hoạt, tối tối chị em dạy nhau làm kem, yaourt, nướng bánh tráng. Một đồng nghiệp của mẹ Sương tại Bưu điện Sài Gòn được tổ chức cắt cử tới ở cùng để trông nom đám trẻ, quán xuyến việc nhà, việc cách mạng.
Đó chính là dì Huỳnh Thị Diệp, người sát cánh bên mẹ Sương trong ê kíp chuyển tài liệu, báo chí sang Pháp cho bà Nguyễn Thị Bình trong thời gian phái đoàn của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam đàm phán tại Hội nghị Paris (1968-1973).
“Chị em tôi theo con đường của mẹ và các dì một cách tự nhiên, không biết sợ hãi là gì”, chị Anh Thư chia sẻ. Từ khi học cuối cấp II trường Gia Long, cô bé Thư đã sáng tác văn thơ, tham gia các phong trào phản chiến của đoàn hội, theo Tổng hội sinh viên đốt hình nộm Lonnol trong phong trào phản đối chính quyền phản động Phnom Penh tàn sát Việt kiều.
Một đêm tháng Tư năm 1975, Anh Thư đang chuẩn bị cho các em đi ngủ thì lính ập tới nhà lục soát. Cờ và con dấu, tài liệu của Đoàn công tác xã hội sinh viên - học sinh Sài Gòn - Gia Định giấu trong giá sách bị phát hiện. Anh Thư bị bịt mắt đưa lên xe Jeep trong sự ngơ ngác của ba đứa em. Mẹ Sương nghe tin con gái bị bắt khi cũng đang trong tù.
Chiếc máy may này từng làm việc suốt đêm để may cờ, áo quần cho lực lượng giải phóng
Suốt 10 ngày tạm giam, cô gái 19 tuổi bị tra tấn bằng cả đòn roi và tâm lý.
“Nhiều anh chị trước khi bị dẫn lên hỏi cung đi đứng đường hoàng, nhưng khi về thì bị tra tấn tới mức phải nằm cáng, không thể nhận ra. Tôi cũng bị đánh bằng dùi cui ma trắc tím bầm hai tay. Nhưng lúc ấy, tin giải phóng vùng này vùng kia đã bay tới tấp vào tận phòng giam, nên niềm tin chiến thắng trong chúng tôi mãnh liệt lắm”, chị Anh Thư nhớ lại.
Với niềm tin ấy, cô gái trẻ không phải chờ lâu, ngày 28/4, Sài Gòn vào chiến dịch giải phóng, bọn đao phủ chạy trốn, cửa nhà ngục mở toang, Anh Thư mặc nguyên bộ quần áo trại giam, chạy chân trần về nhà. Mẹ Sương khi đó cũng mới được tự do...
Sau giải phóng, mẹ Sương tiếp tục làm nhân viên Bưu điện TP.HCM một thời gian rồi chuyển về Bảo tàng Cách mạng. Ông Xuất trải qua nhiều vị trí cán bộ ở TP.HCM. Những người con của mẹ trở thành bác sĩ, kỹ sư, cử nhân... Ngôi nhà cũ của họ được hoán đổi để làm nhà di tích cấp quốc gia. Năm 2013, con cháu mẹ Sương tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày cưới của ông bà. Trong buổi tiệc gia đình đầm ấm, mẹ Sương ôm bó hồng đỏ rạng rỡ bên chồng. Hôm ấy cũng có mặt những người hàng xóm khu Bàn Cờ, những người bạn, người đồng chí sát cánh bên ông bà một thời máu lửa.
Tạm biệt Bàn Cờ, tạm biệt những ô hẻm vuông vức với ngổn ngang suy nghĩ. Dưới mỗi mái nhà, mét đường kia ẩn giấu bao nhiêu câu chuyện, bao số phận với những hy sinh lặng lẽ, góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc. Nhưng dường như tư liệu về Bàn Cờ ít ỏi quá, cụm từ “người mẹ Bàn Cờ” gần như chỉ được biết đến qua bài hát của nhạc sĩ Trần Long Ẩn. Khi các nhân chứng sống như vợ chồng mẹ Sương đều gần đất xa trời, việc thu thập, lưu giữ sử liệu nếu không làm nhanh, liệu có kịp?
HỒNG PHƯƠNG