edf40wrjww2tblPage:Content
Tôi bước chân vô nhà lúc chị Năm Liên mang thức ăn sáng tới cho má Bảy Hử. Chị Năm nhìn tôi: “Sao ai mà quen quá má ơi!”. Nghe tiếng tôi gọi, má day người lại, đôi mắt lòa nhìn đăm đăm vào khoảng không vô định, miệng cười hồ hởi: “Con Chi chớ ai bây!”…
Nước mắt người góa phụ
Khác với hình ảnh người phụ nữ nhanh nhẹn hơn hai mươi năm trước, năm nay má Võ Thị Hử (Bảy Hử, ấp Hội Thạnh, xã Trung An, huyện Củ Chi, TP.HCM) 86 tuổi, đôi mắt đã lòa. Má vừa trải qua một cơn bạo bệnh. Vậy mà khi nghe tôi nhắc đến cái thùng thiếc đựng đạn, má hào hứng hẳn, dù chiếc thùng chỉ đựng những ký ức về một thời đau thương. Má nói chị Năm đem chiếc thùng ra bộ ván bên hè, đôi bàn tay chai sần dò dẫm khua khua lớp bụi dày trên nắp.
Lần giở từng món kỷ vật, má kể như 20 năm trước má từng kể cho tôi nghe, vẫn câu chuyện cũ, cảm xúc cũ, có chăng giờ đây giọng má không còn buồn. Má bồi hồi: “Xấp giấy này là mớ bài thuốc Nam mà má và mấy cô bạn tù ở khám Gò Vấp năm nào luân phiên chép để dành coi ai thoát ra được, cầm về cứu giúp dân. Cái này là sơ yếu lý lịch của má năm 1945, với lời tâm huyết suốt đời theo Đảng khi cách mạng về Trung An…”.
Má Bảy nói, năm theo cách mạng, má mới 12 tuổi. Gia đình má gốc ở ấp An Hòa, xã Trung An. Cha mất sớm, bà sống với mẹ (Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Lòng), cùng năm anh chị em. Từ thời kháng Pháp, bà Lòng đã đào hầm che giấu Việt Minh. Má Bảy và mấy anh em đều theo mẹ đào hầm.
16 tuổi, má thoát ly gia đình vô chiến khu làm giao liên, rồi được đưa đi học nữ hộ sinh cấp tốc để phục vụ mặt trận. 18 tuổi, má được vào Đảng và nên duyên chồng vợ với một đồng đội, lần lượt sinh được hai người con ngay trong vùng giải phóng của Trung An. Thế nhưng khi hai con của má chưa kịp lớn thì người chồng hy sinh.
Đó là năm 1953, địch càn qua Trung An, ông Nguyễn Văn Là - chồng má và một số đồng đội bị phục kích. Má nghe tin dữ mà mắt ráo hoảnh, cả đêm ôm chặt hai đứa con thơ đang khóc ngằn ngặt. Nhớ mấy ngày trước, ông Là về tạt ngang nhà khi trời chập tối, hai đứa nhỏ tung mùng chạy tới ôm, hít lấy hít để chiếc áo đẫm mồ hôi của cha. Trắng đêm má cứ ngồi nhìn chong chong ra tấm liếp cửa sau, nơi ông Là hay lách người bước vào nhà mỗi khi vừa hoàn thành một nhiệm vụ mật dài ngày. Tấm liếp im lìm, gió ngoài bờ tầm vông đánh vào thân cây kêu xào xạc… Đó là cái đêm dài nhất trong đời má.
Sáng hôm sau, má mặc áo bà ba, đội khăn, quảy quang gánh bỏ lên đó vài trái bí, trái bầu vờ như ra chợ, đi vừa tới chợ đã thấy đám người tụ tập đông nghịt. Đi ngang xác chồng và đồng đội, má níu chặt đòn gánh để không quỵ ngã.
Nhìn cái áo bà ba xám má may cho chồng từ năm ngoái rách bươm phơi bộ ngực bị đạn bắn nát, má đau đớn muốn bổ nhào tới ôm, nhưng vừa kịp lúc nhìn thấy một người đàn ông mặc bà ba nâu, quàng chéo khăn rằn ra dấu, má đành cắn chặt bờ môi kìm tiếng nấc, bước đi, cố không ngoái lại. Tối đó, anh em ở chi bộ báo tin, đã chôn cất ông Là xong, lúc này, nước mắt người góa phụ mới tuôn dài bên hai đứa con thơ đang nấc trong giấc ngủ…
Má Bảy Hử và ông Tô Văn Ra - người chồng sau, cơ sở tiếp tế cho cách mạng thời chống Mỹ
Không sợ giặc, chỉ sợ “người mình”…
Thấy má sống đơn lẻ, lại trắng trẻo, dễ nhìn, nhiều lính ngụy ve vãn, theo đuổi. Nhưng lòng má, ngoài nỗi đau chồng chết, còn thêm nỗi hận làng xóm bị Mỹ ngụy tàn phá nên càng quyết lòng đi theo Đảng. Má kể: “Làm giao liên thì cứ bình tĩnh, thủng thỉnh mà làm. Đôi lúc, mật thư mình bỏ vô lon cơm, ém chặt, để mắm cá lên, nói dỡ theo đi đường ăn. Không sợ giặc, mà chỉ sợ người mình không giữ bí mật con ơi!”.
Năm 1960, trong một lần đi công tác ở Hóc Môn, có “người mình” chỉ điểm nên má bị bắt, nhốt ở khám Gò Vấp ròng rã hai năm trời với đủ đòn tra tấn dã man. Lúc này phong trào đồng khởi lan rộng, hai người con của má mới hơn 10 tuổi sống bên ngoại cũng tham gia đào giao thông hào. Trung An thuộc quận Gò Môn (quận mới thành lập từ một số xã của Hóc Môn và Củ Chi), là vùng “xôi đậu”. Bề nổi, nơi đó là 120 ấp chiến lược của Mỹ-ngụy; nhưng thực chất, Trung An là hàng ngàn địa chỉ đỏ, che giấu, bảo bọc quân giải phóng.
Má Bảy về lại Trung An ngay thời điểm khí thế cách mạng sôi sục. Thấu hiểu hoàn cảnh má, ông Tô Văn Ra - Bảy Ra, một nông dân yêu nước ở Hội Thạnh mang lòng yêu quý. Thấy ông Ra cũng nửa chừng gãy gánh, ba người con đầu đã theo về bên ngoại, má Bảy gá nghĩa cùng ông, làm thành một gia đình, một “địa chỉ đỏ” mới của đất Trung An.
Hai năm sau ngày hai người chung sống, ông Ra bị chỉ định làm trưởng ấp. Ban đầu ông Ra từ chối vì sợ làm “quan” thì nợ máu với dân, má báo cáo tổ chức, các anh khuyên “gật đầu”. Với danh nghĩa trưởng ấp, Bảy Ra dễ dàng phụ vợ tiếp tế cho cách mạng. Ông làm thân với nhiều trung đội lính ngụy để xin “chở cát sang sông”. Những người lính ngụy thời đó không ai ngờ trong những xuồng ghe chất đầy bao cát, hay các đoàn xe bò, chở rơm, cỏ của ông trưởng ấp Hội Thạnh lại chứa toàn cơm gạo, thuốc men, thư tín cho các căn cứ cách mạng của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định.
Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Lòng có sáu người con thì hai trai, một gái đã hy sinh
Có chồng “chức sắc”, má Bảy liên tục hoàn thành nhiệm vụ của mình ngay trong vòng rào ấp chiến lược mà không ai hay biết. Căn bếp má nấu cơm, nơi chị Năm Liên, chị Bảy Thuận chơi đồ hàng lúc nào cũng có khách “nằm vùng”.
Má kể: “Nhiều lúc đang đứng nấu cơm, lén mở nắp hầm cho mấy chú mấy anh thở, bọn ngụy vác súng tuần tra ngang ghé vô, hết cả hồn. Nhưng rồi mình lanh tay, lẹ miệng, hỏi mấy ổng trước, câu chuyện tuần tra chuyển hướng thành chuyện thăm hỏi xóm giềng mà mấy anh mình nghe xong, biết “động” cũng kín kẽ trốn đi...”. Nhà có năm đứa con, nhưng lúc nào má cũng nấu đến hai nồi cơm lớn. Mượn cớ chồng làm đồng, phải dỡ cơm cho mấy người phụ việc, má Bảy Hử ngụy trang đủ cách gửi cơm cho chiến sĩ.
Năm 1972, khi bà Võ Thị Hồng, Hội trưởng Phụ nữ xã Trung An, chị ruột của má hy sinh, má được tín nhiệm thay bà làm Hội trưởng Phụ nữ xã từ đó cho đến ngày đất nước thống nhất. Sau giải phóng, má Bảy lại tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ này hai nhiệm kỳ nữa, rồi chuyển sang công tác Đảng.
Thùng thiếc di vật thời kháng chiến của má Bảy Hử
“Mẹ đào hầm từ lúc tóc còn xanh”
Ngay tại căn nhà này, mùa hè năm 1993, má đã cho tôi và Hồng Thơ, hai nữ sinh viên ĐH Sư phạm TP.HCM “tạm cư” trong những ngày tham gia chiến dịch Ánh sáng văn hóa, xóa mù chữ cho trẻ em ở ấp Hội Thạnh, nơi má đang làm bí thư chi bộ.
Ở nhà má Bảy, lần đầu tiên tôi biết về giao thông hào, hầm bí mật, là những ụ pháo, hố bom. Chúng tôi lặng người xúc động khi đứng ở góc bếp - nơi mà xưa kia má giấu “mấy anh cách mạng”: Võ Văn Làm, Võ Văn Ừ, ông Tám Khổ Qua… những chiến sĩ, liệt sĩ kiên trung của vùng đất Trung An anh hùng.
Tôi còn nhớ cảm giác ngạc nhiên cực độ khi lần đầu tiên nhìn thấy chiếc bàn thờ có cả chục tấm bằng Tổ quốc ghi công. Này là tấm bằng quyết định phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho bà Phạm Thị Lòng; này là Huân chương Kháng chiến hạng ba của liệt sĩ Nguyễn Văn Là - chồng cũ của má, này là bằng liệt sĩ của cậu Tư, cậu Hai…
Thấy tôi tò mò: “Vậy ngoại còn người con nào nữa má?”, má mỉm cười, thủng thẳng kể ngoại có sáu người con thì hai trai, một gái đã hy sinh. Trong đó, dì Năm Hồng ở bên Bình Mỹ cũng là liệt sĩ. Dì Năm cũng là Mẹ Việt Nam anh hùng. Nếu tính hết đàn cháu nữa, nhà ngoại đã mười mấy người hy sinh con à…
Hai tháng ở nhà má, những ngày hè, tôi nghe ve rả rích, những đêm mưa, tôi nghe tiếng ếch, dế, ễnh ương kêu, tiếng bò giậm chân, nhai cỏ rột rẹt trong chuồng; được má chỉ tôi nghe tiếng đất “trở mình”, sáng tinh sương hôm sau chạy ra góc vườn nhổ nấm ở ụ mối mỏi mê...
Ấp Hội Thạnh có tám trẻ em và một phụ nữ (chị Mai, bằng tuổi tôi, nhưng lúc đó chị đã có ba đứa con) còn mù chữ. Học trò nghèo, ban ngày mấy em phải ra đồng, chỉ buổi tối mới chịu tụ về cho chúng tôi dạy học. Bởi vậy, hoạt động phong trào Ánh sáng văn hóa của tôi và Thơ cứ nhẹ nhàng: soạn bài, chấm bài, “năn nỉ” học trò ra lớp… rồi ở nhà làm vườn, làm cỏ, tráng bánh tráng phụ má Bảy.
Hai mươi năm sau, tôi lại trở về Trung An và được ngồi bên má, nghe má kể chuyện thời kháng chiến (Má Bảy Hử và tác giả bài viết)
Đó là lần đầu tiên tôi được ăn, được ngủ cùng với một nữ giao liên, cựu tù chính trị, từng bị bắt giam những năm 1960-1962, bị tra tấn, đòn roi vẫn không hề khuất phục. Tôi hồi hộp chạm tay vào từng di vật mà má còn lưu giữ. Những ngày má có việc ra UBND xã, tôi lại xách xe đạp chạy theo để lên đó đọc sách. Hôm nào thấy má “quởn”, tôi lại mè nheo, bắt má lôi cái thùng thiếc đựng đạn năm xưa ra để xem hồ sơ kháng chiến của má, nhờ má kể chuyện làm giao liên…
Má kể, trong suốt những năm dài kháng chiến, lực lượng vũ trang và nhân dân Trung An đã tổ chức đánh địch hàng trăm trận, đánh diệt 14 đồn, vận động đào ngũ 220 binh sĩ ngụy, phá hủy 20 xe cơ giới các loại, đánh chìm 36 tàu chiến, bắn rơi 61 máy bay, đào trên 10.000m địa đạo, giao thông hào. Quân dân Trung An còn góp hàng ngàn ngày công vận chuyển vũ khí, lương thực cho bộ đội, hỗ trợ đắc lực cho quân chủ lực và bộ đội địa phương.
Và, vùng đất đó, có một ngôi nhà mà những người mẹ, người chị đều là anh hùng; có người nữ cựu tù chính trị kiên trung là má Bảy Hử, nơi đó cũng là “căn cứ” của tôi và nhiều sinh viên từng về Trung An tham gia chiến dịch Ánh sáng văn hóa, Mùa hè xanh giai đoạn 1993-2000.
***
Tôi nắm bàn tay má Bảy, đôi bàn tay đã khô cong nhưng những khối chai gồ ghề vẫn còn nguyên trong lòng. Hai mươi năm trước, tôi đã sững người khi nắm bàn tay ấy, đôi bàn tay của người đàn bà đẹp nhưng đầy những nốt u sần, nứt nẻ. Lúc đó, thấy tôi ngỡ ngàng, má Bảy cười giải thích, những nốt chai dày lên từ năm 12 tuổi khi má bắt đầu biết cầm cuốc đào hầm nuôi giấu cán bộ. Cầm đôi tay đó, cô sinh viên hai mươi tuổi chợt se thắt lòng, và hình ảnh “mẹ đào hầm từ lúc tóc còn xanh...” hiện về trong tôi.
NGUYỄN THỤY DIỄM CHI