Nỗi ám ảnh hội chứng kẻ mạo danh
|
Keyli Motino, sinh viên Đại học Franklin và Marshall College (Mỹ) cũng mắc hội chứng kẻ mạo danh và bắt đầu nghi ngờ về hiệu quả học tập của bản thân khi nhận ra mình là cô gái duy nhất trong lớp học liên quan đến lĩnh vực máy tính: “Tôi thấy mình không thuộc về nơi đây. Sự tự tin của tôi đã giảm xuống mức thấp nhất” - Ảnh: CNBC |
Nhiều thập niên qua, đông đảo phụ nữ đã nỗ lực để đạt được sự công nhận trong các lĩnh vực. Tuy nhiên, đi kèm với những thành công, không ít phái đẹp cũng mắc phải hội chứng kẻ mạo danh khiến sự nghiệp của họ tuột dốc không phanh và mãi đắm chìm trong cảm giác tự ti, chán nản.
Hội chứng kẻ mạo danh khiến bạn luôn nghĩ rằng bản thân không có đủ năng lực cho vị trí chuyên môn của mình hoặc tin rằng những thành tựu mình có được đều chỉ do may mắn.
Sophia Goh, cố vấn chính của phòng khám tư vấn và trị liệu tâm lý Sofia Wellness, cho biết trong khi cả nam giới và phụ nữ đều có thể mắc hội chứng kẻ mạo danh nhưng bệnh này không thường gặp ở nam giới và dù phái mạnh có mắc phải thì cũng không trầm trọng.
Đáng chú ý, phần lớn đối tượng mắc hội chứng này là những người có thành tích cao - cụ thể là những người có học vấn cao và được nể trọng trong các lĩnh vực chuyên môn của họ.
Khó ai tin rằng Leanne Robers (37 tuổi, Singapore) là người đồng sáng lập She Loves Tech, cuộc thi khởi nghiệp lớn nhất thế giới dành cho các công ty công nghệ do phụ nữ lãnh đạo đồng thời là một nhà trị liệu tâm lý cũng từng trải qua hội chứng kẻ mạo danh. Nhìn vào bảng thành tích đầy ấn tượng của cô (tốt nghiệp chương trình lãnh đạo của Quỹ Barack Obama, cố vấn giàu kinh nghiệm tại Facebook và Tổng cục Du lịch Singapore…), không ít người bất ngờ.
“Những người gặp tôi đều cho rằng tôi là một phụ nữ tự tin, độc lập, thành đạt. Thế nhưng những người thân thiết với tôi đều biết trong hầu hết thời gian cuộc đời mình, tôi đều phải vật lộn với sự thiếu tự tin” - Leanne Robers nói với CNA Women.
Trong khi đó, Kayla Kinsler (tốt nghiệp hạng ưu tại Đại học Howard, Mỹ năm 2021) cũng không ít lần hoài nghi về năng lực bản thân. Cô liên tục có tên trong danh sách những sinh viên hàng đầu cả bốn năm học, bốn lần thực tập đều được đánh giá cao và hiện đang làm trợ lý nghiên cứu của Đại học Stanford. Bất chấp những thành tích đã đạt được, Kinsler vẫn cho rằng việc cô được nhận vào Đại học Brown, nơi cô đang theo học thạc sĩ, là do may mắn.
“Tôi không hề hy vọng rằng mình sẽ đậu, bởi đây là một trường đại học thuộc Ivy League (nhóm các trường đại học hàng đầu tại Mỹ), có sự cạnh tranh rất cao. Tôi thậm chí không thấy mình có cơ hội vào được” - Kinsler tâm sự.
Shilpa Jain, người đồng sáng lập dịch vụ tư vấn trực tuyến Talk Your Heart Out ở Singapore, từng trải qua hội chứng kẻ mạo danh, cho biết hội chứng này bắt đầu như một nỗi lo lắng về năng lực của bản thân. “Trong công việc, bạn có thể cảm thấy mình không giỏi chuyên môn như đồng nghiệp. Điều đó hình thành niềm tin rằng bạn phải làm việc chăm chỉ hơn để che đậy sự thiếu năng lực và bạn luôn nghĩ mình không giỏi như những gì người khác tin tưởng. Ngay cả khi bạn thành công và những người khác khen ngợi thành tích của bạn, cuối cùng bạn vẫn tin rằng tất cả là do may mắn hoặc vì bạn đã làm việc chăm chỉ hơn đồng nghiệp” - Shilpa Jain nói.
|
Shilpa Jain từng trải qua giai đoạn khó khăn vì hội chứng kẻ mạo danh - Ảnh: Krasia |
Theo các chuyên gia, những yếu tố khác nhau như quá trình giáo dục, văn hóa và kinh nghiệm trong quá khứ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và củng cố cảm giác thiếu sót, tự ti của một người. Ngoài ra, việc vẫn còn tồn tại các tiêu chuẩn phân biệt đối xử phổ biến giữa nam và nữ trong xã hội ngày nay ở một số khu vực khiến nữ giới vẫn chưa thực sự thoát khỏi những tư tưởng lệch lạc và tự kìm hãm sự phát triển của bản thân.
Nhiều phụ nữ tin rằng nếu họ thành công trong công việc, điều đó khiến họ trở nên ít được yêu mến hơn thay vì ngược lại.
Làm việc chăm chỉ để vượt qua nỗi sợ hãi
Việc nhận ra bản thân mắc hội chứng kẻ mạo danh không phải là điều dễ dàng và càng không dễ để vượt qua.
Shilpa Jain đã tham dự 10 buổi trị liệu tâm lý (đầu tiên là hằng tuần, rồi hằng tháng), sau đó cô nhận thấy bản thân dần có sự cải thiện rõ rệt cả về năng suất lẫn sự tự tin. Cô đã được các nhân viên tư vấn sử dụng CBT (liệu pháp hành vi nhận thức) xác định các kiểu suy nghĩ đang tồn tại trong cô. “Cố vấn đã làm điều này với tôi trong một vài buổi tư vấn nhằm khám phá các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của tôi, ví dụ các mối quan hệ cá nhân và nghề nghiệp, mục tiêu, thậm chí tìm hiểu cả thời thơ ấu rồi rút ra mối liên hệ giữa chúng” - Shilpa Jain kể.
Thông qua những điều trên, họ đã thành công khi tìm nguyên nhân và khắc phục những nỗi sợ hãi trong Shilpa Jain. Không riêng Shilpa Jain mà phần lớn phụ nữ châu Á thường tin rằng họ phải khiêm tốn khi đạt được thành tựu. Tuy nhiên các chuyên gia khẳng định phái đẹp nên phân biệt rõ giữa sự tự hào và khoe khoang.
Để khắc phục những mớ suy nghĩ hỗn độn, Leanne Robers đã nhờ bạn bè và đồng nghiệp tư vấn. Đây là những người cô tin tưởng, những người có thể thẳng thắn góp ý về mặt tốt lẫn xấu của cô, chẳng hạn những kỹ năng và thành tích cô không thể tự nhìn thấy. Từ cảm giác lạc lõng trong một cuộc họp hay tham dự một sự kiện chỉ toàn nam giới, Robers dần thay đổi suy nghĩ và tin rằng sự khác biệt của mình là điểm mạnh.
“Không sao nếu bạn là người phụ nữ duy nhất, nếu bạn trông khác với số đông hoặc nếu bạn trẻ hơn nhiều so với phần còn lại của đám đông. Hãy tận dụng những gì khiến bạn trở nên độc đáo”.
|
Bà Michelle Obama cố gắng làm việc chăm chỉ hơn để khắc phục hội chứng kẻ mạo danh - Ảnh: BBC |
Bên cạnh sự giúp đỡ từ bác sĩ và bạn bè thân thiết, người mắc hội chứng kẻ mạo danh phải tự mình vượt qua nỗi sợ hãi. Bà Michelle Obama - cựu đệ nhất phu nhân Mỹ, người đã truyền cảm hứng tích cực cho đông đảo phụ nữ đấu tranh và tin tưởng vào một thế giới tốt đẹp hơn trong suốt tám năm làm việc tại Nhà Trắng - cũng từng cởi mở chia sẻ về những rào cản bà đối mặt. Một trong những rào cản chính bà vẫn đang phải giải quyết là hội chứng kẻ mạo danh mà theo bà mô tả, chúng là “cảm giác như mình không thuộc về mình”.
“Tôi vẫn nhớ cảm giác nghi ngờ đó. Tôi đã phải vượt qua nỗi băn khoăn: “Tôi có đủ tốt không?”. Câu hỏi đó đã đeo bám tôi trong phần lớn cuộc đời" - bà Michelle Obama chia sẻ. Để giải quyết tình trạng bất an này, bà Michelle Obama đã thực hiện một kế hoạch đơn giản bằng cách cố gắng làm việc chăm chỉ và làm nhiều việc hơn nữa.
“Tôi đã vượt qua câu hỏi đó giống như cách tôi làm mọi thứ với sự chăm chỉ. Tôi quyết định cúi đầu xuống và để kết quả công việc của mình nói lên điều đó” - bà Michelle Obama nói.
Chung Thu Hương